Rừng đặc dụng khu Sông Thanh bị tàn phá

Chủ Nhật, 08/04/2018, 09:38
Những vụ phá rừng phòng hộ ở huyện miền núi Nam Giang và Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, chưa kịp lắng xuống, thì lại xảy ra vụ phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Sông Thanh. 

Nhận được tin báo của người dân, chúng tôi lặn lội đến hiện trường và tận mắt chứng kiến hàng trăm cây gỗ lim, sến, dỗi... bị đốn hạ, cùng một số động vật hoang dã quý hiếm bị sát hại dã man…

Sau nhiều ngày tìm hiểu thông tin và thuyết phục, chúng tôi mới được hai thanh niên ở thôn Pà Xua (xã Bhing, huyện Nam Giang) đồng ý dẫn đường vào khu rừng đặc dụng Khu BTTN Sông Thanh. Khu BTTN này nằm trên địa bàn các huyện Nam Giang và Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. 

Từ sáng sớm, trong vai người đi hái nấm lim xanh, từ thôn Pà Xua chúng tôi men theo con đường mòn đầy đá và những dốc đá cheo leo để vào hiện trường vụ phá rừng. 

Tại đây, chúng tôi ghi nhận rất nhiều cây gỗ bị xẻ ra từng phách nằm rải rác khắp bờ sông. Một số nơi, “lâm tặc” đã lấy hết số gỗ. 

Nhiều cây gỗ lim trong Khu BTTN Sông Thanh bị “lâm tặc” đốn hạ vứt bỏ ngổn ngang.

Ở khu vực bìa rừng, nhiều cây gỗ to chưa bị “xẻ thịt”, nằm lăn lóc, ngổn ngang. Tiến sâu vào rừng, chúng tôi bắt gặp những cây lim có độ tuổi hàng trăm năm đã bị triệt hạ, chỉ còn trơ lại gốc. Trong đó có một số cây “lâm tặc” vừa mới đốn hạ, đường kính từ 1m đến hơn 1,5m chờ ngày xẻ thành phách chuyển đi. 

Có rất nhiều phách gỗ vừa mới được xẻ chất thành đống, “lâm tặc” chưa kịp chuyển ra ngoài. Khung cảnh một khoảnh rừng lúc này giống như một một xưởng gỗ. Xung quanh là những lán trại, bên trong có các vật dụng cá nhân cho thấy, “lâm tặc” đã ở đây rất nhiều ngày, song không hiểu sao cơ quan chức năng không phát hiện(?!). 

Anh L. (27 tuổi, xã Tà Bhing, Nam Giang), người dẫn đường cho chúng tôi, nói rằng, tình trạng “lâm tặc” ngang nhiên vào rừng đặc dụng Khu BTTN Sông Thanh để đốn hạ cây lấy gỗ đã diễn ra nhiều năm trở lại đây. 

“Lâm tặc” hoạt động cả ngày lẫn đêm. Những phách gỗ sau khi xẻ xong, được bọn chúng chuyển theo đường sông Thanh về xuôi. Một số gỗ ở khu vực giáp ranh với xã Phước Đức (huyện Phước Sơn) được “lâm tặc” chuyển qua đường của huyện Phước Sơn để đưa đi tiêu thụ. 

Hoạt động khai thác gỗ đều diễn ra rất công khai. Thậm chí, ban đêm “lâm tặc” còn dùng đèn pin để tiếp tục hoạt động triệt hạ cây rừng…

Không chỉ riêng tình trạng phá rừng, sau hơn 2 ngày tiếp cận hiện trường, chúng tôi còn chứng kiến tình trạng tàn sát thú rừng quý hiếm một cách dã man. Trong khu rừng đặc dụng Khu BTTN Sông Thanh, hàng trăm bẫy thú được đặt khắp nơi. Các lán trại được dựng lại trong rừng để phục vụ cho các đối tượng hoạt động săn bắn trái phép. 

Khoảng 16h10 chiều 5-4, tại một lán trại của người đàn ông tên Kh. dựng trong Khu BTTN Sông Thanh có 4 người đàn ông đang làm thịt những con thú vừa mới săn bắt được. Trong đó, có một con khỉ đầu chó trên 2kg, một con voọc chà vá chân xám vừa bị các đối tượng trên bắn chết để ngay trước lán trại. 

Cây gỗ có đường kính hơn 1,3m bị đốn hạ.

Trước cảnh các đối tượng sát hại động vật hoang dã quý hiếm, chúng tôi chỉ biết nén lòng nhẫn nhịn. Vì nhìn vào trong lán của các đối tượng, chúng tôi phát hiện có một khẩu súng giống AK 47, 2 khẩu súng thể thao dùng để bắn thú rừng. 

Gần khu vực này còn có một lán trại khác mà theo người dẫn đường cho biết, lán trại này cũng là của nhóm người chuyên săn bắt thú rừng.

Thế nhưng, vào chiều 7-4, trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Hồng, Hạt trưởng, Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Sông Thanh bảo rằng, ông chỉ vừa mới nhận được thông tin trên và khá bất ngờ(?!). 

“Thông tin thì chúng tôi nắm thường xuyên vì chúng tôi có một tổ chốt chặn tại Cà Dy, Nam Giang. Trong thời gian qua, chúng tôi rất quyết liệt trong Kế hoạch 147 của UBND tỉnh, có báo cáo rất cụ thể, kể cả động vật rừng, kể cả gỗ. Chúng tôi làm rất quyết liệt để nâng hạng Vườn Quốc gia, mặc dù hiện nay chỉ mới có 19/150 biên chế. Ở đây có 75.000ha, để tiếp cận hết không phải một sớm một chiều mà đi hết được. Quanh sông Thanh thì có vùng lõi và sản xuất của địa phương thì không biết ở tọa độ nào nên không dám khẳng định cái này của sông Thanh, của Phước Xuân, Phước Sơn, hay của Nam Giang. Nếu có tọa độ chính xác thì tôi mới biết có phải vùng lõi hay không”, ông Hồng điềm nhiên nói. 

Chúng tôi liên hệ với ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, ông Tuấn cho biết, ông chỉ vừa mới nghe thông tin và đã liên lạc với ông Hồng, nhưng chưa được. “Tôi sẽ xác minh thông tin và trả lời sau”, ông Tuấn hứa.          

Khu BTTN Sông Thanh nằm trên địa bàn 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn, giáp biên giới nước bạn Lào với diện tích vùng lõi hơn 93.000ha và hơn 108.000ha vùng đệm.

Mới đây, Khu BTTN này đã được Bộ NN&PTNT thống nhất chủ trương lập hồ sơ nâng hạng thành Vườn quốc gia Sông Thanh, đồng thời UBND tỉnh Quảng Nam cũng đặt mục tiêu xây dựng một trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, cùng một trung tâm nghiên cứu, bảo vệ thực vật loài quý hiếm tại khu vực khu bảo tồn và định hướng sẽ tạo Khu BTTN Sông Thanh trở thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng lý tưởng của vùng trong tương lai.

Hà Vy
.
.
.