Xâm nhập đường dây chăn dắt trẻ em bán kẹo cao su ở Hà Nội

Thứ Năm, 10/12/2015, 09:30
Nhiều năm qua, những đứa trẻ từ 5 đến 10 tuổi đã phải bỏ học lên Hà Nội mưu sinh bằng cách bán kẹo cao su tại các khu phố. Ngày ngày các em vẫn phải thức đến 3h sáng để mời chào khách tại con phố ẩm thực Tống Duy Tân (Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong sự quản lý và giám sát của các “ông chủ, bà chủ”. 

Bài 1: Bỏ học đi nhập “bang hội” bán kẹo

Khi chúng tôi đang ngồi ăn tại một quán vỉa hè ở phố cổ Hà Nội, trong không khí nhộn nhịp, tấp nập dòng người qua lại, xuất hiện 1 em nhỏ mặc bộ quần áo bóng đá, đi chân đất và trên tay cầm giỏ đựng kẹo cao su, không nói năng gì, em liền tiến sát vào người tôi rồi đấm vai cho tôi và nói: “Chú ơi, chú mua cho cháu lọ kẹo, chú ơi mua cho cháu lọ kẹo”. Không thấy tôi trả lời lại, đứa bé này dùng tay tự ý bốc vào đĩa thức ăn mà chúng tôi đang ăn.

Nhìn thấy vậy, tôi bảo: “Ngồi xuống mà ăn cho tử tế, ăn xong rồi chú mua cho hộp kẹo”, tôi vừa dứt lời, đứa bé cứ thế bốc đồ để ăn. Trong lúc đứa bé ăn, chúng tôi đã có cuộc nói chuyện ngắn ngủi và vỡ lở ra nhiều điều. Đứa bé này tên là Phạm Văn... quê ở Thanh Hóa, bán kẹo cao su ngoài Hà Nội đã được 1 năm. Phải bỏ học, bỏ quê từ lúc đang học lớp 5 theo cô lên Hà Nội bán kẹo cao su. Hiện tại, người cô đang mở quán cơm trên phố cổ, ngày ngày đi làm có người đưa, người đón theo giờ quy định. Nếu không bán được kẹo về sẽ bị đánh hoặc không cho ăn cơm.

Đứa bé vừa ăn vừa nói: “Giờ cháu đang ở khu trọ có 5 phòng, 3 phòng thì đi bán kẹo cao su. Phòng cháu có 6 đứa như cháu và 2 bà già, ngày nào cũng phải đi bán kẹo. Người đưa đi bán, đón về là con của bà chủ nhà. Mỗi ngày phải bán được ít nhất 500 nghìn, một lọ kẹo phải lãi từ 10 nghìn trở lên thì mới được bán, không bán được thì về sẽ bị đánh, không được ăn cơm. Sáng đi bán từ lúc 10h, chiều đi bán từ 5h cho đến 2, 3h sáng”.

Nhiều đêm có mặt tại phố Tông Duy Tân (phố ẩm thực) nằm trên địa bàn phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, khu phố dài chưa được 1km, nhưng chúng tôi đã chứng kiến được cảnh tượng gần chục em nhỏ, độ tuổi từ 6 đến 11 cùng các cụ già tập kết và lượn lờ bán kẹo cao su đến tận 2, 3h sáng một cách nhộn nhịp. “Tập đoàn bán kẹo cao su” gồm các em nhỏ cả nam lẫn nữ, còn người già đều là phụ nữ, bắt đầu hành nghề vào lúc 21h.

Càng về khuya, lượng khách đến khu phố mỗi lúc một đông hơn, đây cũng chính là thời điểm để “bang hội” bán kẹo cao su hành nghề một cách rầm rộ. Nhiều cách thức tiếp cận khách hàng khác nhau, đi vào các hàng quán đến tận bàn khách hàng đang ngồi ăn để mời, đi theo khách trên đường để níu kéo, năn nỉ khách mua, khi có xe ôtô dừng lại, lập tức có 3, 4 em nhỏ vây quanh chiếc xe để mời chào khách, khi khách xua tay không mua, thì có em nhỏ ôm khách một cách thân mật.

Một người khách ngồi ăn hoặc uống nước tại hàng quán trên phố đều bị tất cả các em nhỏ, người già mời chào mua kẹo, hết người này đến người kia mời, khách tỏ thái độ không mua thì sẽ nài nỉ, đấm lưng, ôm ấp để khách mua. Nhiều khách hàng ngồi ăn không khỏi bức xúc và tỏ thái độ khó chịu phải quát mắng, nói to khi hết người này, người kia đến năn nỉ mời chào mua kẹo.

Trẻ nhỏ được người lớn dắt đi bán kẹo cao su trên đường phố Hà Nội.

Các em nhỏ bán kẹo đa phần đi chân đất, cứ 2 em một cặp đi cùng nhau để bán hàng. Có 1 bé gái luôn được một người đàn ông bế trên tay để bán kẹo, thức trong vòng tay của người đàn ông dù đã là 2h sáng. Trong số các cụ già, có một cụ già ngồi xe lăn được nam thanh niên đẩy đi đẩy lại hàng chục vòng trong khu phố. Sau khi bán hết hàng, các em nhỏ sẽ vào một quán hàng tạp hóa ngay trong khu phố để lấy hàng. Quán hàng tạp hóa này cũng là địa điểm các cụ già tập trung và nghỉ ngơi tạm thời tại đây.

Một người dân sinh sống và làm nghề bán nước tại nhà (số 9 Tống Duy Tân) cho biết: “Ngày nào cũng như ngày nào, cứ tối đến là tất cả các em nhỏ, người già bán kẹo cao su tập chung bán hàng tại khu phố này, nhưng không phải là người ở đây. Là người tỉnh lẻ, đặc biệt là từ Thanh Hóa như Quảng Xương, Như Thanh, Hoằng Hóa... lên làm thuê (PV – bán kẹo cao su). Những người này đều có ông chủ, bà chủ riêng, đi làm có người đưa, người đón”.

Theo như quan sát của chúng tôi, các em nhỏ bán hàng trong 1 đêm bị thu tiền trực tiếp 2 lần. Khoảng 23h có 1 người đàn ông trung tuổi đến gặp từng em nhỏ bán kẹo trong phố Tống Duy Tân để thu tiền bán kẹo, lần thứ 2 là vào lúc 2h sáng. Khi người đàn ông này xuất hiện và tiến lại gần các em nhỏ bán kẹo thì các em nhỏ lập tức tự giác lấy tiền bán kẹo được đưa cho người đàn ông này.

Qua nhiều lần tiếp cận để nói chuyện với các em nhỏ bán kẹo cao su, chúng tôi không khỏi thương xót khi biết các em đều phải bỏ học từ cấp 1 để theo bố mẹ, họ hàng lên Hà Nội bán kẹo cao su trong môi trường đầy cám dỗ và nhiều tệ nạn. Đi bán kẹo, mỗi em ở một địa chỉ khác nhau, người đưa đón cũng khác nhau.

Từng tốp về theo thời gian và địa điểm khác nhau, có tốp về lúc 1h sáng, tốp thì về lúc 2h, muộn nhất là 4h sáng. Tất cả số tiền bán kẹo, các em không được giữ lại mà phải đưa cho “ông chủ, bà chủ” cầm. Một em nhỏ bán kẹo cao su cho biết, mỗi ngày phải bán được ít nhất 500 nghìn, một lọ kẹo phải lãi 15 nghìn thì mới được bán, không bán được thì về sẽ bị đánh, không được ăn cơm.

Đang ngồi ở 1 quán trà đá, chúng tôi thấy 2 cháu nam chạy vào gọi 2 cốc nước chè để uống. Thấy tôi ngồi ở đó, 1 cháu liền nói: “Chú lại ngồi đây nữa à, hôm nay cháu bán hết kẹo rồi”. Cháu bé dứt lời, tôi liền hỏi: “Bán hết rồi sao còn chưa về, ở đây làm gì nữa?”. Cháu bé uống 1 ngụm nước, vẻ mặt mệt mỏi nói: “Bán hết rồi nhưng chưa có người đến đón, lúc nào có người đón thì mới về được, bọn cháu không được tự ý di chuyển sang các khu vực khác và cũng không được tự ý đi về”.

Uống xong cốc nước, 2 đứa bé liền chạy ra mua 2 gói xôi rồi ngồi lên bậc hè một quán đã đóng cửa để ăn. Rạng sáng, trong đêm vắng vẻ không người qua lại, dưới ánh điện đường, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng 2 người đàn ông và 2 cháu nhỏ đang ngồi trên vỉa hè tại đường Phùng Hưng, 1 trong 2 người đàn ông đang quát mắng, chửi bới và chỉ tay vào mặt một bé gái khiến cháu sợ hãi và khóc lóc. Ngồi được khoảng 5 phút, 2 người đàn ông này và 2 cháu nhỏ vào trong phố bán hàng. Trước đó, 2 người đàn ông này đã dẫn 2 cháu nhỏ bán kẹo cao su trong phố Tông Duy Tân đi.

Trung tá Tô Quốc Đồng, Phó trưởng Công an phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Lực lượng Công an phường thường xuyên có tổ công tác đi tuần tra tại khu vực này đến 23h cùng ngày. Chúng tôi chưa nắm bắt được tình hình tại khu vực phố Tống Duy Tân có số lượng nhiều trẻ em hành nghề bán kẹo cao su và có dấu hiệu chuyên chở, dẫn dắt và bảo kê. Thời gian qua, Công an phường đã xử lý và đưa 2 trường hợp lang thang, ăn xin đi trại xã hội”.

Theo như đồng chí Đồng cho biết, việc xử lý các trường hợp trẻ em hành nghề bán kẹo cao su gặp nhiều khó khăn. Khi lực lượng Công an có mặt tại địa điểm đó thì những người bán kẹo ngay lập tức bỏ chạy mỗi người một hướng. Việc chế tài xử lý cũng khó khăn vì chưa đủ tuổi xử phạt.

Tuổi đời còn quá nhỏ nhưng vì hoàn cảnh, tác động từ gia đình, các em nhỏ đã phải bươn chải ngoài xã hội, tiếp xúc với môi trường đầy rẫy những cám dỗ đã làm cho các em sớm trở nên hư hỏng, không còn được hồn nhiên như những đứa trẻ cùng trang lứa. Tương lai các em sẽ về đâu khi hằng ngày trở thành “nô lệ” kiếm tiền bằng việc bán kẹo cao su?.

Nhân viên phục vụ của một quán ăn sang trọng trên phố Tống Duy Tân cho biết, nhiều em nhỏ vào trong quán để mời chào khách hàng, khi khách hàng không mua thì các em tỏ thái độ mất lịch sử và vô văn hóa, nói năng vô lễ nên phải gọi bảo vệ đưa các em ra ngoài.

Xuân Bùi
.
.
.