Trẻ em đường phố và nguy cơ có HIV/AIDS

Thứ Ba, 24/02/2009, 10:27
Nếu trong trường hợp nào đó phải bắt buộc khai lý lịch thì Trần Thị Kiều chỉ hồn nhiên và dửng dưng tóm gọn trong đôi câu: nhà ở quận 6, TP HCM. 13 tuổi bỏ nhà "đi bụi". Gần một tuần sau khi gia nhập đội ngũ người lang thang đường phố Kiều chính thức vào con đường bán dâm chuyên nghiệp và bắt đầu vòng quay ra rồi lại vào trại phục hồi nhân phẩm...

Kiều là một thiếu niên sống cuộc sống đường phố mà các tổ chức xã hội quốc tế và trong nước xếp vào nhóm nguy cơ có HIV/AIDS cao hiện nay.

Những nụ hoa chưa nở đã tàn

Kiều vốn có gia đình đàng hoàng nhưng khi em mới 4 tuổi thì mẹ mất, cha đi bước nữa. Không chịu nổi cách đối xử của mẹ kế, Kiều bỏ nhà đi bụi, lang thang vật vờ ngay công viên sau bến xe Chợ Lớn, quận 6.

Những ngày đầu không có tiền, Kiều còn được mấy chị đứng chờ khách mua dâm trong công viên cho ăn ké. Khoảng một tuần sau, các chị bảo có người muốn mua trinh với giá 5 triệu đồng, Kiều nên "nắm bắt cơ hội".

Nghĩ nhiều chị bụng mang dạ chửa còn phải nai lưng bán thân, mình không thể ăn bám mãi, số tiền lại lớn nên em tặc lưỡi chấp nhận. Một cuốc xe ôm đưa Kiều tới tận nhà của gã đàn ông mua dâm. Đến nơi, em "sợ xanh mặt" khi thấy gã già hơn cả bố mình, to gấp 4 lần em. 

"Lính mới", tất nhiên Kiều đắt khách hơn các "đồng nghiệp". Mỗi ngày em kiếm 400.000 đến 500.000 đồng là chuyện thường. Trước được các chị cưu mang, lúc có tiền Kiều chia sẻ cho các chị nghiện hút, cần chi phí. Thời "hoàng kim" ấy kéo dài được hơn 1 tháng thì Kiều bị bắt vào trại phục hồi nhân phẩm.

Nỗi ám ảnh căn bệnh AIDS

Được tự do, Kiều quay trở lại chốn cũ. Đón khách tối ngày, khuya mới về "nhà trọ" ở phường 2, quận 6. Gọi là nhà trọ cho oai chứ thực ra đó chỉ là một dãy các hộp tạm bằng gỗ ép, tôn, hai người nằm phải gác chân lên tường, được thuê với giá 20.000 đồng/ngày. Nếu bạn tới chơi, dù chỉ một lát cũng phải trả thêm cho chủ 10.000 đồng/lượt.

Trẻ đường phố tại TP HCM.

Tiền kiếm không còn được nhiều như trước. Số lượng người về công viên đứng bán dâm ngày càng đông. Cạnh tranh giành khách, xô xát như cơm bữa. Những đợt truy quét gắt gao, cô phải dạt sang Công viên Văn Lang kiếm sống. Đúng lúc ấy Kiều gặp Huỳnh Tấn Phát, 14 tuổi, cũng bỏ nhà đi bụi đã lâu. Bèo nước gặp nhau, hai đứa nhanh chóng thành một cặp.

Hằng ngày, Phát loanh quanh trong công viên, gặp gì làm nấy, kiêm bảo vệ Kiều. Có bầu 5 - 6 tháng, Kiều vẫn vác bụng tiếp khách. Nhìn các chị dắt mình vào đời lần lượt “đi” vì căn bệnh AIDS, Kiều hoang mang nên mới nghe lời các giáo dục viên trẻ đường phố đi xét nghiệm HIV. Cầm bản kết quả ghi âm tính với lời khẳng định: chưa việc gì..., Kiều hồ hởi về khoe với các đồng nghiệp. Cô như chết lặng trước lời phán như đinh đóng cột: đấy là người ta động viên thế thôi vì âm tính đồng nghĩa với... âm phủ, dương tính thì mới sống...

Lo sợ không ăn không ngủ, khóc cạn nước mắt, vật vờ như cái xác không hồn ở công viên, Kiều tìm quên trong khói thuốc, thậm chí định tìm đến cái chết. Một lần nữa, các giáo dục viên trẻ đường phố lại đưa bàn tay ra giúp đỡ. Kiều mừng như được tái sinh, lại còn được các "thầy" giúp đỡ đưa vào bệnh viện sinh miễn phí...

Chia tay Kiều và những câu chuyện về các cô gái bán dâm ngoài công viên, chúng tôi được anh Lê Quang Nguyên, chuyên gia thuộc Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe TP HCM cho biết: Thất học, thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng lại sống trong một môi trường phức tạp nên trẻ em đường phố là một trong những nhóm có nguy cơ có HIV/AIDS cao nhất hiện nay. Kết quả nghiên cứu vừa qua của Trung tâm cho thấy có khoảng 51,5% các em rất sợ HIV, 5,1% số em không hề sợ và đa số các em lại không nghĩ mình có thể bị nhiễm (68,7%). Thực tế, nguy cơ có HIV với các trẻ em nam còn cao hơn nữ rất nhiều.

Và hiểm họa "cái chết trắng"

Cũng theo anh Nguyên, việc tiếp cận với các trẻ em không khó như những gì nhiều người tưởng tượng. Khi tin tưởng rồi, các em sẽ cởi mở nhiều chuyện mà ngay người lớn không thể lường trước được...

Theo chân anh đến gặp các em, chúng tôi thật sự bất ngờ khi chứng kiến những cô, cậu ngông nghênh, hầm hố, xăm trổ đầy mình lại cất tiếng "chào thầy" rất lễ phép. Thậm chí, một em trai tên P., thành viên liên tục lập kỷ lục về "thành tích" té xe còn mang thương tích đầy mình cũng tập tễnh bước đến chào.

Nghe P. liến thoắng thanh minh: Người ta đâm vào em chứ em đâu có đâm vào người ta..., nhiều thành viên lén quay mặt, giấu vội nụ cười. Chúng tôi thắc mắc, Phạm Như Tân, "công dân" tự phong của Công viên Đông Á bảo: Tại nó phê đó...

Sở dĩ nói Tân là công dân tự phong vì Tân bỏ quê đi từ nhỏ, hơn 20 tuổi vẫn không có tấm giấy tùy thân. Dạt về Công viên Đông Á, gặp gì làm nấy, việc lương thiện có, việc không lương thiện cũng nhiều. Tân cho biết, thời gian gần đây, người nghiện về hút chích tại đây bỗng nhiên đông hơn. Thường xuyên thì có khoảng vài ba chục, nếu kể cả "khách" vãng lai từ các quận, huyện khác, có ngày lên đến cả trăm. Mấy đứa như P. thuộc loại có tiền, "thuốc" vào rồi leo lên xe chạy thì "phê" phải biết. 

Đồng đẳng cấp với P. còn có khá nhiều cô cậu mắt xanh mỏ đỏ đang trổ tài "dạo" mấy bước nhảy khá điệu nghệ được Tân xếp vào dạng "dân nhà giàu". Chả qua trường lớp gì, "lắc" riết rồi... "giỏi".

Sở dĩ Tân nói chúng là dân nhà giàu vì đã có lần "vinh dự" được theo đi cùng nên biết chúng chơi "đẳng cấp" lắm. Vào vũ trường là còn nhẹ, chơi ma túy đá mới "kinh". Cứ phải vài chục triệu đến... vô cùng. Tiền ở đâu ra à? Nhẹ thì móc túi, bí bách quá thì thủ đoạn cũng... vô chừng, "làm" tất tần tật. Đẳng cấp thấp hơn thì mua hàng, vài trăm mỗi ngày, chích ngay tại công viên.

"Bết" nữa, chả còn tiền thì tự chế. Trước còn dùng keo dán sắt, sau bị phát hiện, họ chuyển dùng thuốc tây... Có loại thuốc nước, ngay Tân cũng không rõ là thuốc gì, chỉ biết rằng, sau khi pha chế và chích, người khỏe mạnh chỉ kịp rút kim tiêm ra, còn người yếu thì cứ để nguyên mà... gục.

Với những người nghiện không có tiền, đừng nói là dùng chung kim tiêm một lúc. Khi "bết" quá thì ngay kim cũ cũng được xúc nước qua rồi sử dụng ngon lành. Nếu như các bậc cha mẹ quan tâm đến tâm tư, tình cảm của các con hơn và nhiều tổ chức, đoàn thể tích cực tiếp cận, tuyên truyền giúp các em sớm hơn, hiệu quả hơn thì có lẽ họ đã có một số phận khác tốt đẹp hơn.

Quay trở lại với chuyên gia Lê Quang Nguyên, anh còn cho biết thêm: Việc tiếp cận, tuyên truyền cho các em về phòng chống HIV/AIDS không khó. Để phòng chống HIV/AIDS trong thanh, thiếu niên đường phố thì bên cạnh việc tự nâng cao ý thức của các em, việc chúng ta có quyết tâm, tạo được sự tin tưởng, xóa được sự mặc cảm nơi các em hay không sẽ quyết định rất lớn đến tính hiệu quả của việc tuyên truyền

Ngọc Nguyễn
.
.
.