Phá dỡ hạng mục vi phạm tòa nhà 8B Lê Trực, 4 năm vẫn giậm chân tại chỗ?
Từ sau khi hoàn thành “cắt ngọn” giai đoạn I (tháng 10-2016), đến nay, đã gần 4 năm trôi qua nhưng việc phá dỡ hạng mục vi phạm tại công trình 8B Lê Trực, quận Ba Đình, TP Hà Nội vẫn chưa có thêm bất cứ một tiến triển nào.
- Cưỡng chế phá dỡ các hạng mục xây dựng trái phép tại Quảng Nam
- Phá dỡ cơ sở tái chế dầu gây ô nhiễm môi trường
Việc TP Hà Nội “ngâm” quá lâu tiến độ phá dỡ giai đoạn II nhà 8B Lê Trực khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân đã mua nhà ở dự án này gặp rất nhiều khó khăn; trong đó, nhiều người đến nay đã cạn tiền thuê nhà trong nội thành phải sống vật vờ nhờ nhà người thân hoặc ra ngoại thành.
Theo ông Đàm Văn Long, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phương Bắc (đơn vị đã thực hiện phá dỡ hạng mục vi phạm giai đoạn 1 ở tòa nhà 8B Lê Trực), do tính chất phức tạp về kiến trúc và kết cấu của tòa nhà nên việc đưa ra biện pháp phá dỡ giai đoạn II rất khó khăn. Cụ thể, để phá dỡ phần giật cấp của tòa nhà, sẽ phải bỏ hầu hết các cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà. Từ tháng 10/2016, Công ty CP Tập đoàn Phương Bắc đã có công văn đề nghị thành phố giao cho đơn vị thiết kế tòa nhà thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2 (vì chỉ có đơn vị này mới có đầy đủ bản vẽ thiết kế gốc và kết cấu lõi của tòa nhà), đồng thời phương án này phải có sự tham gia, đánh giá mức độ an toàn của các chuyên gia và cơ quan quản lý ngành xây dựng về kết cấu kiến trúc của tòa nhà.
Tòa nhà 8B Lê Trực |
Ông Đàm Văn Long cho biết, nếu thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn II được các cơ quan có thẩm quyền, có chức năng đánh giá là tuyệt đối an toàn, thì trên cơ sở đó, Công ty mới có đủ căn cứ hoàn chỉnh biện pháp thi công phá dỡ để trình lên các cơ quan chức năng phê duyệt. Tuy nhiên, đến nay, đã gần 4 năm trôi qua từ thời điểm hoàn thành phá dỡ giai đoạn I mà đơn vị thiết kế vẫn chưa đưa ra được phương án thiết kế phá dỡ giai đoạn II đảm bảo an toàn.
Trao đổi với phóng viên về vướng mắc trong xử lý hạng mục vi phạm tại công trình 8B Lê Trực - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Lê Quang Hùng cho biết, bản chất của việc chậm tiến độ là do yếu tố kỹ thuật trong quá trình phá dỡ. “Các cơ quan liên quan đang nghiên cứu, đưa ra đề xuất phương án xử lý giai đoạn II của công trình 8B Lê Trực. Hiện nay, các đơn vị tư vấn đang đánh giá thận trọng nhưng phương án phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn tuyệt đối với công trình” - ông Lê Quang Hùng nói.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà ở kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) nêu câu hỏi: “Vi phạm của tòa nhà 8B Lê Trực sẽ phá dỡ như thế nào? Việc cắt ngọn để tòa nhà tồn tại thì có bảo đảm yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật không? Có an toàn cho người dân sử dụng không?”Cho rằng việc xử lý vi phạm trật tự đô thị “còn lúng túng, bị động”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) đề nghị Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, “cam kết của Bộ trưởng trong việc phối hợp với UBND TP Hà Nội trong việc xử lý dứt điểm tòa nhà 8B Lê Trực?”.
Trả lời, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, “việc xử lý vi phạm dự án 8B Lê Trực thuộc trách nhiệm xử lý của TP Hà Nội”. Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, thành phố Hà Nội đang thực hiện cưỡng chế, phá dỡ phần vi phạm nhưng đang gặp vấn đề liên quan đến kết cấu và tính khả năng chịu lực của công trình. “Bộ Xây dựng sẵn sàng phối hợp với thành phố Hà Nội thông qua các đơn vị của Bộ như Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng nếu thành phố yêu cầu để đưa ra phương án xử lý, phá dỡ chính xác, tốt hơn”.
Không hài lòng với nội dung trả lời như trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng nói: “Qua trả lời của Bộ trưởng, tôi thấy sự lúng túng bộc lộ rất rõ. Về toà nhà 8B Lê Trực, Bộ trưởng có nói là nếu Hà Nội yêu cầu thì bộ mới phối hợp như thế là không đúng với vị trí của một bộ giúp Chính phủ quản lý Nhà nước! Vấn đề đặt ra là cử tri và chúng tôi muốn biết là bao giờ thì xử lý được những vấn đề đó?”
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thông tin: “Giai đoạn thứ nhất đã phá dỡ xong phần tum và tầng 19, giai đoạn hai tiếp tục phá dỡ các phần công trình sai phạm theo chiều dọc tầng vi phạm. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá an toàn của công trình để xử lý đúng vi phạm, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, hiện nay chưa có kết luận cụ thể về việc này”.
Cũng giải trình trước Quốc hội về vấn đề 8B Lê Trực, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nói: “Tôi đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Hà Nội để xử lý dứt điểm vụ việc này trên cơ sở đảm bảo an toàn tuyệt đối đến tính mạng của cư dân sống trong tòa nhà này cũng như trong quá trình thực hiện triển khai xử lý”.
Chốt lại phần chất vấn đối với Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Bộ Xây dựng tập trung phối hợp với địa phương xử lý dứt điểm các sai phạm về trật tự xây dựng, trong đó có công trình 8B Lê Trực, Ba Đình, Hà Nội.