Muôn kiểu "chăn dắt" trẻ em ăn xin trên đường phố

Chủ Nhật, 31/05/2020, 16:20
Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ đạo các ban, ngành chức năng và UBND các quận/huyện không để tình trạng người ăn xin và dẹp “nạn” chăn dắt trẻ em. Tuy nhiên, thực hiện điều này không phải dễ, cho nên dù thành phố đã chỉ đạo quyết liệt nhưng người ăn xin vẫn nhiều.

Tại một số tuyến đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhiều người vẫn “lê lết” ăn xin, mặc cho trời nắng như đổ lửa và khói bụi “mù mịt” mỗi khi có ô tô chạy qua.

Khoảng hơn 8h sáng 30/5, khi tôi đi trên đường 18, phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, cách Quốc lộ 1 khoảng 300m, thấy ở lề đường có một người phụ nữ đang ngồi bên người đàn ông khoảng trên 40 tuổi nằm trên đất để ăn xin. Đứng quan sát, tôi thấy người đàn ông biểu hiện bị bệnh, không biết là thật hay “đóng” để ăn xin, thỉnh thoảng có người đi xe máy dừng lại cho tiền.

Còn khi tôi chạy lên ngã tư đường vào khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Lộc thấy có một số trẻ em đang ăn xin ở đây. Một người chạy xe ôm ở khu vực này cho biết, thỉnh thoảng có thấy chính quyền địa phương đến dẹp, nhưng khi có bóng dáng cơ quan chức năng là những người ăn xin chạy vào những con hẻm. Khi cán bộ phường đi khỏi, những người ăn xin lại xuất hiện để “hành nghề”.

Khu vực ngã tư trước đường  vào KCN Vĩnh Lộc thường đông người qua lại và phải dừng đèn đỏ khá lâu nên người ăn xin luôn túc trực ở đây

Trên địa bàn thành phố, xuất hiện nhiều người ăn xin, nhưng nhiều nhất là ở các ngã tư dọc tuyến Quốc lộ 1. Trong đó phải kể đến ngã tư Quốc lộ 1 – Lê Trọng Tấn – Nguyễn Thị Tú, ngã tư Quốc lộ 1 – Đường 18 – Đường số 7 (trước KCN Vĩnh Lộc), Quốc lộ 1 – Phan Văn Hớn... Tại ngã tư đầu đường Nguyễn Thị Tú (phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân), có cầu vượt nên khu này người dân tụ tập ở gầm cầu buôn bán nhếch nhác, người ăn xin cũng tụ về đây “hành nghề”.

Còn tại ngã tư trước KCN Vĩnh Lộc, có hai bãi xe khá lớn với nhiều xe khách, xe tải, container; là địa bàn giáp ranh giữa các quận Bình Tân, quận 12 và huyện Hóc Môn. Phương tiện qua lại khu này phải dừng đèn đỏ khá lâu nên người ăn xin cũng chọn làm điểm để xin tiền.

Nhiều ngày đi qua khu vực này tôi đều thấy người ăn xin, chủ yếu là những đứa trẻ đen nhẻm tầm từ 3 đến 7 tuổi và phụ nữ ẵm trẻ nhỏ ăn xin. Mỗi khi đèn đỏ xe dừng là người ăn xin “nhào” ra chìa tay xin tiền người đi đường.

Những đứa trẻ ngồi đợi từng đợt người dừng xe đèn đỏ khu vực ngã tư đường vào KCN Vĩnh Lộc (Quốc lộ 1) để xin tiền

Vào ngày 21/5 vừa qua, khi tôi đứng ở khu vực ngã tư đường vào KCN Vĩnh Lộc (Quốc lộ 1) quan sát, thấy có 3 đứa trẻ ngồi bên đường và hai người phụ nữ, mỗi người ẵm một trẻ em tầm hơn một tuổi để ăn xin. Một lúc sau, một trong hai người phụ nữ trên ẵm đứa trẻ và dẫn theo một bé gái khoảng 5 tuổi đi vào gốc cây bên kia đường. Người nữ này đưa đứa bé mà chị ta đang ẵm cho bé gái ẵm và buộc chiếc khăn vào người hai bé. Sau đó bé gái này ẵm đứa bé đi qua khu vực xe dừng đèn đỏ hướng từ trong KCN ra quốc lộ 1 để xin tiền. Còn người phụ nữ vẫn đứng ở đây để quan sát đứa trẻ ăn xin, thỉnh thoảng bé gái này lấm lét nhìn về phía người phụ nữ tỏ vẻ sợ sệt.

Người phụ nữ sau vừa giao đứa bé cho bé gái ẵm qua bên kia đường để ăn xin
Bé gái ăm em bé qua bên kia đường để ăn xin theo chỉ đạo của người phụ nữ
Bé gái thỉnh thoảng nhìn về phía người phụ nữ tỏ vẻ sợ sệt

Khi tôi chụp hình thì có một người đàn ông khoảng gần 30 tuổi đứng gần đấy đi đến hỏi tôi: “Chụp hình để làm gì? Đứng đây đợi ai?... Tôi nói đứng đợi bạn và chụp hình gửi cho bạn biết nơi tôi đang đứng đợi. Người này liền lấy điện thoại ra nhắn tin cho ai đó và nhìn tôi với vẻ đầy nghi ngờ. Linh tính cho tôi thấy nếu đứng đây lâu sẽ có chuyện không tốt nên mấy phút sau tôi lên xe đi khỏi.

Sau đó, tôi điện thoại đến đường dây nóng (02835533258) của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội báo có nhiều người ăn xin ở khu vực ngã tư trên, được người nghe điện thoại nói sẽ liên hệ bộ phận chức năng ở phường giải quyết.

Sáng hôm sau (22/5), tôi đi ngang qua khu vực này vẫn thấy nhiều người ăn xin đang tiếp cận người đi đường xin tiền. Trong đó có những đứa trẻ của ngày hôm qua và người phụ nữ đó vẫn đứng dưới gốc cây bên kia đường quan sát từ xa những đứa trẻ ăn xin.

Người phụ nữ đứng bên kia đường quan sát những đứa trẻ ăn xin

Tôi đến làm việc với lãnh đạo UBND phường Bình Hưng Hoà B (quận Bình Tân) về vấn đề người ăn xin, được đại diện phường cho biết đã nhận được điện thoại của bộ phận chức năng thuộc Sở LĐ-TB&XH về tình trạng người ăn xin.

Theo lãnh đạo phường, năm 2019, phường đưa 4 người ăn xin và lang thang vào trung tâm bảo trợ xã hội; từ đầu năm 2020 đến nay đưa 1 trường hợp. Việc giải quyết tình trạng người ăn xin và người lang thang gặp nhiều khó khăn, nhất là người ăn xin ở khu vực ngã tư đường vào KCN Vĩnh Lộc.

Bởi vì, đây là địa bàn giáp ranh nên khi cán bộ của phường xuất hiện thì người ăn xin chạy qua bên kia đường thuộc các phường và quận, huyện khác. Việc phối hợp giữa các địa phương cũng gian nan, mỗi địa phương đều có chương trình làm việc khác nhau. Các phường trong quận thì dễ phối hợp thực hiện vấn đề này, còn các quận, huyện khác thì gặp khó khăn hơn. Nếu có phối hợp thì cũng chỉ được một vài lần, không thể cứ thấy có người ăn xin là phối hợp liền, vì phải làm văn bản kế hoạch cụ thể…

Một số người ăn xin còn sử dụng “chiêu” đối phó, đó là chìa bộc kẹo sing-gum, tăm xải răng, bông ngoáy tay… ra khi cán bộ phường xuất hiện và nói rằng bán hàng chứ không ăn xin.

Một người phụ nữ ẵm trẻ em ăn xin ở khu vực ngã tư đường vào KCN Vĩnh Lộc

Theo bà Đinh Thị Lụa, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân, ngoài những khó khăn như trên, còn những vướng mắc khác. Đó là mỗi lần phường mời người ăn xin về, nếu trường hợp có người thân thì liên hệ để đưa họ về, còn những người khai không có người thân và không có giấy tờ tuỳ thân, phường làm hồ sơ đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, khi đưa người ăn xin, người lang thang vào trung tâm bảo trợ, phường phải xác minh và làm hồ sơ mất nhiều thời gian. Nguyên việc chạy đến UBND quận (cách hơn 10km) xin giấy giới thiệu để đưa vào trung tâm đã mất nhiều thời gian, nhất là gặp lúc “kẹt xe”. 

Nhưng khi đến trung tâm, nếu người lang thang hoặc người ăn xin có một vết xây xát trên người do mặc quần áo mà phường không kiểm tra kỹ, cán bộ của trung tâm yêu cầu đưa đi bệnh viện khám sức khoẻ và phải có giấy chứng nhận của bệnh viện mới nhận người. Nhiều lần, cán bộ phường đưa người vào trung tâm bảo trợ và trở về nhà đã gần nửa đêm. Trong khi đó, các chi phí khám sức khoẻ,… theo quy định thì không có kinh phí, nên cán bộ phường phải bỏ tiền túi.

Một cán bộ của phường Bình Hưng Hoà B cho biết, nhiều lần phải bỏ tiền túi để đưa người lang thang, người ăn xin đi bệnh viện khám sức khoẻ. Có lần đưa một người đến bệnh viện tâm thần, cũng nhập viện như bao bệnh nhân khác, vì không có quy định nào ưu tiên cho trường hợp do phường đưa đến. Theo quy định, trong 15 ngày cắt cơn, nếu người bệnh tỉnh táo thì cho về. 

Sau mấy ngày điều trị, người bệnh tỉnh lại và đòi về, bệnh viện kêu phường đến nhận người với hoá đơn điều trị hết hơn 2 triệu đồng. “Chi phí khám chữa bệnh cho người lang thang trước khi đưa vào trung tâm chưa có hướng dẫn chi. Chi phí khi đưa người vào Bệnh viện tâm thần cũng không quyết toán được. Do đó, cần có hướng hỗ trợ, quyết toán kinh phí thực tế cho công tác này”, bà Đinh Thị Lụa nói.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng và địa phương đã có nhiều biện pháp, thường xuyên cũng như lúc cao điểm, nhưng rồi sau một thời gian thì đâu vẫn vào đấy. Để dẹp “nạn” này, UBND thành phố chỉ ra văn bản chỉ đạo thực hiện một cách thuần tuý mà không giải quyết những vướng mắc trên với những thủ tục “lằng nhằng” thì không thể giải quyết dứt điểm tình trạng người ăn xin.

Trẻ ăn xin cả ngày lẫn đêm

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho biết, ngoài việc trẻ em bị “chăn dắt” ăn xin, trẻ rất dễ bị xâm hại tình dục, bị bạo hành; thậm chí bị các đối tượng xấu lợi dụng để sai khiến mua bán ma tuý, trộm cắp tài sản,… và có thể trở thành tội phạm chuyên nghiệp.




Nhân Sơn
.
.
.