2 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội: Điệp khúc đội vốn, chậm tiến độ
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội
- Tranh cãi xung quanh dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo1
- Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được thi công trở lại
Đó là hai dự án do UBND thành phố Hà Nội làm chủ quản đầu tư là dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội đoạn Nhổn-ga Hà Nội và dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long -Trần Hưng Đạo.
Tuyến đường sắt đô thị thí điểm của thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội do Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là chủ đầu tư có mục tiêu phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại hoá nhằm nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Tổng chiều dài tuyến chính là 12,5km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5km, đoạn đi ngầm khoảng 4km, với lộ trình điểm đầu Nhổn - theo QL32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - nút giao với đường vành đai 3 - Cầu Giấy (nút giao với đường vành đai 2) -Kim Mã - Giảng Võ - Cát Linh -Quốc Tử Giám - điểm cuối ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo - trước ga Hà Nội).
Ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư được phê duyệt năm 2009 là 783 triệu Euro, thời gian thực hiện giai đoạn 2009-2015. Tuy nhiên, ngày 28-6-2013, dự án được phê duyệt điều chỉnh lại với tổng mức đầu tư tăng thêm 393 triệu euro, nâng tổng mức đầu tư lên là 1.176 triệu Euro (tương đương 32.919 tỷ VND), trong đó vốn ODA là 957,99 triệu euro, vốn đối ứng trong nước là 218,01 triệu euro (ngân sách thành phố) và thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh thành từ năm 2009-2018, tức là kéo dài thêm 3 năm so với dự kiến ban đầu.
Thế nhưng, cho đến nay, dự án mới hoàn thành đấu thầu và ký kết hợp đồng 8/9 gói thầu, riêng gói thầu số 9 liên quan đến hệ thống thẻ vé chưa triển khai. Tiến độ chung dự án đạt trên 30%. Hiện chủ đầu tư đang tập trung quyết liệt hoàn thành GPMB 4 ga ngầm như S9 (Kim Mã); S10 (Cát Linh), S11 (Văn Miếu) và S12 (Trần Hưng Đạo) dự kiến hoàn thành cuối tháng 3-2017 để bàn giao cho nhà thầu.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vẫn đang ì ạch. Ảnh: Tiến Tuấn |
Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án lý giải: tiến độ một số gói thầu thiết bị chậm là do phải xử lý tình huống trong quá trình đấu thầu và thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Đây là dự án được triển khai đầu tiên, chưa có tiền lệ ở trong nước, am hiểu về đường sắt đô thị còn nhiều hạn chế dẫn đến nhiều nội dung liên quan đến lựa chọn công nghệ và thiết bị đến nay vẫn chưa được cấp thẩm quyền quyết định, nhiều vật tư chuyên dụng khó đánh giá, kiểm soát về giá.
Các nghiên cứu ban đầu còn sơ sài, nhiều nội dung chưa được đề cập và nghiên cứu kỹ lưỡng dẫn đến chưa đưa ra được tổng mức đầu tư phù hợp... Khi so sánh với mục tiêu đã đặt ra trong quyết định đầu tư, Ban quản lý dự án cũng thừa nhận dự án có thể sẽ bị kéo dài hơn, so với dự kiến được duyệt hoàn thành năm 2018.
Ngoài việc chậm tiến độ, dự án cũng đang đối diện với nguy cơ tư vấn dừng huy động. Bởi lẽ đơn vị tư vấn lập dự án Công ty Systra S.A (Pháp) là tư vấn lớn nhiều kinh nghiệm các dự án đường sắt đô thị nhưng thiếu kinh nghiệm về hệ thống quản lý và quy trình thủ tục ở Việt Nam.
Trước khó khăn trên, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ xem xét bố trí đủ kế hoạch vốn ODA cho dự án giai đoạn 2017-2020 (khoảng 3.500-3.700 tỷ/năm). Đồng thời, đề nghị Chính phủ uỷ quyền cho UBND thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án (đảm bảo không vượt tổng vốn của dự án và hạn mức vay ODA của dự án) để UBND thành phố Hà Nội chủ động trong việc điều hành, quản lý dự án.
Tình trạng đội vốn tổng mức đầu tư và chậm tiến độ cũng diễn ra tương tự tại Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo. Với tổng chiều dài tuyến chính 11,5km, trong đó 8,5km đường đi ngầm và 3km đi cao, dự án có tổng mức đầu tư ban đầu vào năm 2008 là 19.555 tỷ đồng và thời gian thực hiện 2009-2015, nhưng sau được điều chỉnh lên 36.587 tỷ đồng và hiện đang trình phê duyệt điều chỉnh hoàn thành dự án vào năm 2024.
Theo quyết định phê duyệt dự án ban đầu dự kiến hoàn thành năm 2015, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chủ đầu tư mới triển khai các công việc chuẩn bị mặt bằng, thiết kế kỹ thuật, dự toán; sơ tuyển nhà thầu. Công tác đấu thầu, thi công chưa triển khai được do dự án điều chỉnh chưa được phê duyệt.
Lý giải sự chậm trễ này, Ban quản lý dự án cho rằng do đây là loại hình dự án mới nên chủ đầu tư và tư vấn lập dự án chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế nên chủ yếu nghiên cứu trên cơ sở SAPROF (hỗ trợ đặc biệt hình thành dự án do JICA tài trợ), do vậy một số nội dung thiết kế của dự án chưa được mô tả chi tiết, đồng thời tại Việt Nam chưa có định mức, đơn giá áp dụng cho đường sắt đô thị nên phương pháp lập tổng mức đầu tư do tư vấn lập chủ yếu dựa trên suất đầu tư, thông tin từ các dự án đã được thực hiện tương tự ở nước ngoài và tham khảo thông tin về giá xây dựng ở một số dự án, gói thầu trong nước đối với một số loại kết cấu tương thích với điều kiện thi công và mặt bằng giá cả Việt Nam.
Các tính toán về thiết bị của dự án chủ yếu dựa trên đơn giá do đoàn SAPROF hỗ trợ lập, kết quả thẩm định của JICA, tham khảo các dự án đường sắt tương tự trong khu vực nên còn hạn chế mức độ chính xác của khoản mục chi phí này...
Trước đó, trong buổi làm việc với Ban QLDA đường sắt đô thị Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, đường sắt đô thị là lối thoát chính cho giao thông Hà Nội thế nhưng cứ giữ cách làm này thì quá chậm. Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ thiếu nhân sự quản lý, điều hành dự án, thiếu kinh nghiệm thực tế và sự phối hợp chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả của các đơn vị liên quan là những trở ngại còn hiện hữu.