Tự ý xây dựng, cơi nới nhà cửa trong vùng dự án “treo”

Thứ Sáu, 07/12/2018, 07:07
Người dân Đà Nẵng rất quan tâm về dự án di dời ga đường sắt. Tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, có 19 tổ dân phố, với hơn 2.000 hộ dân nằm trong quy hoạch dự án xây dựng ga Đà Nẵng mới, được công bố từ năm 2003, song do bị “treo” nên không ít hộ dân đã tự ý xây dựng, cơi nới nhà ở trái phép ngay trong vùng quy hoạch…


Đầu tháng 12-2018, chúng tôi đến khối phố Chơn Tâm 1B7, phường Hòa Khánh Nam. Khối phố có 19 tổ dân phố, trong đó có 3 tổ dân phố 16, 17 và 18, với 320 hộ dân, nằm trong dự án quy hoạch ga Đà Nẵng mới. “Gọi là phố cho “oai”, chứ những khu dân cư nơi này thì còn thua kém xa làng quê đã được nông thôn mới ở tỉnh Quảng Nam”, ông Nguyễn Nhi, Trưởng Ban công tác mặt trận khối phố cho biết.

Để chứng minh, ông Nhi đưa chúng tôi đi một vòng khối phố. Chỉ lên hệ thống điện sinh hoạt, đường dây chằng chịt trong các kiệt, hẻm, ông Nhi bảo, năm nào cũng xảy ra chập cháy về điện, nhưng rất may là Cảnh sát PCCC đến kịp nên không thiệt hại về tài sản và người.

Còn về nước sinh hoạt, theo ông Nhi, cách đây 15 năm, hệ thống đường ống chỉ đảm bảo cung cấp cho hơn 400 hộ dân lúc đó, nhưng nay dân số đã tăng lên hơn 2.000 hộ, vì thế mùa nắng tình trạng thiếu nước liên tục xảy ra. “Trước đây hộ dân nào cũng có giếng đóng, giếng đào, nhưng nay đã bị ô nhiễm nặng, không thể sử dụng được nữa. Đáng sợ nhất là nạn ô nhiễm môi trường.

Gần như 19 tổ dân phố đều không có hệ thống cống rãnh thoát nước nên nước thải tù đọng trở thành nơi sinh sôi của ruồi, muỗi... “Khủng khiếp nhất là khi mưa xuống, nhiều kiệt hẻm còn là đường đất, nước mưa ứ đọng, trộn lẫn nước thải, kể cả nước thoát ra từ các hầm cầu vệ sinh, cứ dềnh lên, lênh láng khắp nơi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Ngay cả ngày nắng nóng, nước thải ứ đọng bao quanh khắp khu vực cũng bốc mùi khó tả...”, ông Nhi nói. “Thế hằng ngày sinh hoạt, tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh nước thải chảy đi đâu?”. Ông Nhi thản nhiên trả lời: “Thì cứ kệ nó chảy tràn ra sân, ra đường, rồi tự nó ngấm xuống đất chứ đi đâu nữa...”.

Bà Trương Thị Tịnh đã ngoài 60 tuổi, ở gần nhà ông Nhi cho hay, bà là hộ nghèo; cha mẹ đã mất, bà lại không có chồng, con nên sống neo đơn trong ngôi nhà lợp tôn chỉ rộng chừng 40m2. Chỉ tay lên mái nhà tôn rỉ rách, rung từng nhịp theo cơn gió do bởi thanh xà gồ đỡ mái nhà đã gãy, bà Tịnh phân trần rằng, bà muốn sửa lại nhà, nhưng không thể sửa, vì trong vùng quy hoạch dự án ga Đà Nẵng mới, sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt...

Trao đổi với chúng tôi, ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, thừa nhận rằng, ở khu vực Hòa Khánh Nam người dân rất bức xúc về chuyện nhà cửa chật hẹp, có đất mà không thể tách thửa cho con cái khi dựng vợ, gả chồng ra ở riêng. Nguyên nhân là do quy hoạch ga Đà Nẵng mới “treo”. Trước bức xúc của người dân, UBND TP Đà Nẵng cũng đã tháo gỡ.

Cụ thể, từ năm 2006 đến nay, đã ban hành hàng loạt các văn bản, trong đó quy định người dân có thể tiếp tục được xây dựng nhà, lợp mái nhẹ, diện tích không quá 50m2, được tách thửa đất một lần. Tuy nhiên, phải cam kết không nhận tiền đền bù khi giải tỏa.

Và, từ cuối năm 2017, thành phố cũng đã tạm dừng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngừng việc cơi nới xây dựng tại khu quy hoạch dự án ga đường sắt mới… Qua thống kê của cơ quan chức năng quận Liên Chiểu, khu vực dự án ga Đà Nẵng mới, trước thời điểm công bố quy hoạch 2005, có 1.236 nhà ở.

Sau thời điểm công bố quy hoạch, có thêm 789 ngôi nhà được xây dựng. Đến năm 2010, có 105 trường hợp xây dựng được cấp phép theo chủ trương tại các Công văn 5063, 6908 của UBND TP Đà Nẵng. Từ năm 2014 đến năm 2017, có 48 trường hợp/103 trường hợp được cấp phép xây dựng theo Quyết định 19 của UBND TP Đà Nẵng.

Điều này cho thấy, một số hộ dân đã lợi dụng chủ trương, chính sách của UBND TP Đà Nẵng để cơi nới, sửa chữa và xây dựng nhà ở trong vùng quy hoạch ga Đà Nẵng mới. Đây sẽ là vấn đề gây nhiều khó khăn trong công tác giải tỏa đền bù khi dự án ga Đà Nẵng mới được triển khai…

Hồng Thanh
.
.
.