Tràn lan nạn khai thác trái phép đất ruộng ở miền Tây

Thứ Tư, 02/05/2018, 08:01
Nhiều năm qua, tình trạng khai thác lớp đất mặt trồng lúa hoặc bờ kênh để san lấp mặt bằng, làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trở thành vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm. Các cơ quan chức năng của các địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý… nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp.


Những ngày cuối tháng 4-2018, đến nhiều địa phương, chúng tôi thấy tình trạng khai thác đất vẫn diễn ra rầm rộ. Trên các cánh đồng, dọc các bờ kênh có rất nhiều xe múc đang hoạt động khai thác đất, từng đoàn xe ben chở đất chạy rầm rập trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ. Dọc hai bên đường QL1A, đoạn qua các xã Đại Tâm, Thạnh Phú, Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), nhiều xe ben chở đất từ ruộng về tập kết thành “núi”.

Tại xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên), nhiều xe ben chở đất từ ngoài cánh đồng vào phục vụ một công trình xây dựng ở phía sau một doanh nghiệp chế biến thủy sản. Còn trên QL1A, đoạn giáp ranh giữa xã Thạnh Phú và xã Thạnh Quới (cùng huyện Mỹ Xuyên), đất khai thác ở ngoài đồng được tập kết về thành “núi” có đến hàng ngàn mét khối. Vị trí tập kết đất nằm sát bên QL1A.

Cũng ở xã Thạnh Quới, nhiều xe ben rầm rập chạy ra ngoài cánh đồng để vận chuyển đất xuôi về hướng huyện Thạnh Trị. Tình trạng khai thác đất cũng diễn ra tại các xã Tài Văn, Viên An, Viên Bình, Liêu Tú của huyện Trần Đề (Sóc Trăng)…

Đất mặt ruộng và kênh thủy lợi đang được khai thác trái phép ở xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).

Theo một người dân ở xã Thạnh Quới, nhu cầu sử dụng đất ngày càng nhiều nên không chỉ khai thác đất mặt ruộng, nhiều nơi còn khai thác đất bờ kênh thủy lợi. Chỉ cho chúng tôi thấy chiếc xe múc đang khai thác đất bờ kênh thủy lợi ở địa phương, người này cho biết: “Năm ngoái họ bán một xe 8m3 là 500 ngàn, năm nay nghe nói cao gần gấp đôi. Giờ bờ kênh gần như đã bằng mặt ruộng”.

Tại TP Sóc Trăng, các tuyến kênh ở phường 5, 8 và 9, nhiều xe múc, xe ben đang khẩn trương lấy đất bờ kênh chở đi. Lý giải cho việc này, một cán bộ của TP Sóc Trăng cho biết: “Do khan hiếm đất san lấp một số công trình công cộng nên địa phương kêu gọi doanh nghiệp lấy đất bờ kênh, sau đó nạo vét lấy đất dưới kênh đắp lên bờ kênh như hiện trạng ban đầu”(!?).

Giống như Sóc Trăng, nhiều năm nay, cứ đến mùa khô là tình trạng khai thác, mua bán đất mặt ruộng lại diễn ra ở Bạc Liêu. Tình trạng mua bán đất mặt không chỉ xảy ra ở vùng ven thành phố, thị xã mà còn xảy ra ở nhiều nơi khác trong tỉnh. Theo phản ánh của người dân, từ tháng 2 đến nay, chính là “cao điểm” của tình trạng khai thác, mua bán đất mặt ruộng ở Bạc Liêu.

Trên đồng ruộng các xã Hưng Hội, Hưng Thành, Long Thạnh (huyện Vĩnh Lợi), Vĩnh Trạch (TP Bạc Liêu), vùng ven thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình), thị xã Giá Rai, thị trấn Phước Long (huyện Phước Long)… tình trạng mua, bán đất mặt ruộng cũng đang diễn ra. Theo lý giải của người dân, do ruộng cao khó sản xuất nên họ bán đỡ đất đi, vừa có tiền mà ruộng lại thấp dễ sản xuất (!?)…

Tại Trà Vinh, lúc 10h45 ngày 26-1, Công an huyện Châu Thành phối hợp với Tổ công tác liên ngành kiểm tra và bắt quả tang ông Hồ Tấn Lập (huyện Càng Long), đang dùng xe cẩu khai thác đất trái phép trên phần ruộng của ông Thạch Trân (ngụ xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, Trà Vinh) với khối lượng tại thời điểm kiểm tra là 13,5m3. Tổ công tác lập biên bản, yêu cầu ông Lập dừng việc khai thác đất trái phép và buộc đổ lại khối lượng đất đã khai thác. Được biết, phần đất ông Lập khai thác được dùng để san lắp mặt bằng cho các hộ dân trong khu vực dưới hình thức bán mỗi xe 4,5m3 với giá 300 ngàn đồng.

Trước đó, vào ngày 17-1, Tổ công tác cũng lập biên bản và đề nghị UBND huyện Châu Thành ra quyết định xử phạt ông Lập với số tiền 7,5 triệu đồng nhưng sau đó, người đàn ông này tiếp tục vi phạm. Tổng diện tích mà ông Lập đã khai thác được thời gian qua trên phần đất khoảng 0,9ha…

Ông Nguyễn Văn Thử, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN&MT Sóc Trăng) cho biết, do nhu cầu sử dụng đất để làm vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là để san lấp mặt bằng ngày càng tăng, thêm vào đó là việc nghiêm cấm khai thác lớp đất mặt của đất trồng lúa nên trong thời gian gần đây, tình trạng khai thác đất bờ kênh, bờ đê trái phép đã diễn ra ở một số địa phương.

Tại Cà Mau, từ cách nay gần 1 năm, UBND tỉnh ban hành lệnh cấm khai thác đất mặt trái phép để san lấp mặt bằng. Tiếp đó, ngày 16-1-2018, UBND tỉnh ban hành quyết định phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tại các điểm khoáng sản chưa đủ điều kiện để khai thác, tỉnh chưa cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào tham gia hoạt động khoáng sản.

UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra các điểm có khoáng sản, các bến bãi… để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, trong đó chủ yếu là việc một số hộ dân khai thác đất mặt và cát để san lấp mặt bằng với quy mô nhỏ lẻ. 

Theo quy định của pháp luật, việc khai thác đất bờ kênh, bờ đê để sử dụng vào các mục đích khác (như san lấp mặt bằng, sản xuất gạch...), tổ chức, cá nhân khai thác phải làm thủ tục xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ. Nếu không, phát hiện các trường hợp vi phạm sẽ xử lý theo quy định.

Hành vi bán đất mặt ruộng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lượng chất dinh dưỡng trong đất, thay đổi địa hình, địa chất; ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, sức sống của cây trồng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên đất.

Khoản 25 Điều 3 Luật đất đai 2013, quy định: Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính, buộc khắc phục hậu quả. Dưới góc độ kinh tế – xã hội, khi bán đất mặt ruộng không khác nào người dân đang tự ném đi thế mạnh trồng lúa của mình…

Đức Văn - C.X
.
.
.