Đất ruộng Hà Tây (cũ) đang "sốt" trở lại

Thứ Hai, 11/08/2008, 11:28
Giao dịch đất hiện đang rất sôi động ở khu vực Ba La, khu vực xã Thạch Bích, Bích Hòa của huyện Thanh Oai do có nhiều dự án, quy hoạch làm đường sắp được triển khai. Đất thổ cư ở đây rao bán giá chừng 12-15 triệu đồng/m2. Trước khi sáp nhập về Hà Nội giá đất thổ cư ở đây chỉ từ 8 đến 9 triệu đồng/m2. Đất nông nghiệp hiện cũng được rao bán với giá từ 7 đến 10 triệu đồng/m2.
>> Nhà đất Hà Nội "mới" vẫn im ắng

Hà Tây đã sáp nhập về Hà Nội trong sự háo hức của tất cả người dân. Là người Thủ đô, họ hy vọng sau này cuộc sống của mình sẽ dần khấm khá hơn. Cùng với nhiều hoạt động đổi mới khác, hoạt động mua bán đất đai ở nơi này sau một thời gian yên ắng, nay lại nhộn nhịp trở lại.

Người dân vô tư xây nhà trên đất ruộng (Ảnh: T.H.).

Đến thời điểm này, giá đất đẩy lên cao gấp nhiều lần cách đây 3, 4 tháng thì nhiều gia đình ở Hà Tây (cũ) chỉ biết đứng ngoài cuộc mà xuýt xoa tiếc rẻ vì đất ở những vị trí đáng giá đã được bán hết. Đất ruộng lại được người dân rao bán khi lượng người đổ về đầu tư đất tại các vùng quê xa trung tâm ngày càng đông.

Trong vai những người đi tìm mua đất, chúng tôi về Hà Đông vào một ngày cuối tuần. Theo lời quảng cáo của nhiều chủ trung tâm môi giới xung quanh khu đô thị Văn Phú (Hà Đông), khách hàng thích đất nào cũng có: đất nông nghiệp, phần trăm, đất thổ cư…

Đất ruộng lên đời

Một nhân viên nhà đất cho chúng tôi biết: giao dịch đất hiện đang rất sôi động ở khu vực Ba La, khu vực xã Thạch Bích, Bích Hòa của huyện Thanh Oai do có nhiều dự án, quy hoạch làm đường sắp được triển khai. Đất thổ cư ở đây rao bán giá chừng 12-15 triệu đồng/m2, đường ôtô vào được, giấy tờ sổ đỏ đàng hoàng. Ôtô không vào được giá 10 triệu đồng/m2.

Trước khi sáp nhập về Hà Nội giá đất thổ cư ở đây chỉ từ 8 đến 9 triệu đồng/m2. Đất nông nghiệp hiện cũng được rao bán với giá từ 7 đến 10 triệu đồng/m2, tuỳ từng vị trí, trước khi sáp nhập chỉ rao bán chừng 5 - 5,5 triệu đồng/m2.

Chị Phạm Kim Lương, chủ Trung tâm BĐS Lộc Phát cho biết: "Mặc dù mới hợp nhất về Hà Nội, một số chủ bán đất thổ cư đã ký gửi tại Trung tâm. Giá cũng rục rịch tăng từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/m2. Ngoài ra, chị còn một vài mảnh đất dự án rất đẹp giá từ 15 - 17triệu/m2".

Thấy chúng tôi chần chừ ra vẻ đắt quá không đủ tiền, chị Lương lại nhiệt tình giới thiệu: "Nếu các em ít tiền mà muốn mua đất loại rẻ thì có thể chọn loại đất phần trăm ở khu vực xã Thạch Bích hay xã Bình Đà (huyện Thanh Oai). Giờ loại đất này cũng được nhiều người tìm mua lắm. Hơi xa một chút nhưng giờ chỉ việc bỏ ra 5 - 7 triệu/m2, sau một năm nữa giá sẽ khác ngay".

Tỏ vẻ lo ngại về tính pháp lý của loại đất này, chị Lương trấn an chúng tôi: "Các em cứ yên tâm đi, chị đảm bảo đất này được bán trao tay. Trước sau thì cũng sẽ được chuyển đổi thôi. Chị có người nhà làm ở xã nên nắm thông tin rõ lắm. Chẳng nói đâu xa, tuần trước chị đã giao dịch thành công tới 4-5 trường hợp rồi".

Rời các trung tâm môi giới tại Hà Đông, chúng tôi đi xa hơn về huyện Thanh Oai. Vừa đỗ xe tại một quán nước ven đường liên xã Thạch Bích dò hỏi thông tin mua bán đất thì được chị Hoa - chủ một quán nước nhiệt tình chỉ cho chúng tôi xem lô đất nông nghiệp 120m2 ngay mặt đường.

Lô đất này là của người hàng xóm, được rao bán với giá 12 triệu đồng/m2, giấy tờ tay, nếu cần xác nhận của UBND xã thì cũng có… Chưa kịp trả giá, chị Hoa đã nói, hôm trước có người đến trả 10 triệu đồng/m2 mà chủ đất vẫn chưa bán đấy.

Qua khảo sát đất nông nghiệp xung quanh khu vực này, hầu như đã có chủ đất ở Hà Nội về mua từ trước. Theo một người dân địa phương thì các chủ đất ở Hà Nội "mua liều" đất nông nghiệp trước khi sáp nhập về Hà Nội với giá chỉ 3 - 4 triệu/m2 để chờ thời cơ mới chuyển nhượng.  

Có nhiều tiền mà lo

Đường từ thị trấn Ba La, Hà Đông (cũ) về xã Thạch Bích, huyện Thanh Oai trở nên lầy lội, nhếch nhách sau mấy ngày Hà Nội mưa rả rích, ảnh hưởng của cơn bão số 4.

Chính thức trở thành người Hà Nội từ ngày 1/8, nhưng cuộc sống của người dân hai bên đường thì vẫn vậy. Vẫn những quán cũ liêu xiêu với đủ loại mặt hàng phục vụ cho nông nghiệp và nghề mộc. Vẫn những biển hiệu, tên đường, tên làng, xã thân thuộc. Vẫn nếp sinh hoạt giản dị của người dân nông thôn, sáng có ấm trà xanh, rít hơi thuốc lào rồi lững thững ra đồng, cặm cụi với công việc đồng áng.

Chỉ duy nhất có một điều mà không cần phải nói ai cũng biết, sự tĩnh mịch của làng quê đang bị xáo trộn bởi sự xuất hiện của nhiều người lạ với đủ loại biển số xe từ các tỉnh về. Người dân có ruộng đang cầy cấy luôn có những cuộc viếng thăm đột xuất, những khoảnh ruộng đang thì con gái xanh mướt cũng được đưa ra ngã giá.

Từ khi có chủ trương Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, đất ở nhiều vùng quê của Hà Tây bỗng chốc lên cơn sốt, giá đất được đẩy lên khiến nhiều người dân quê chỉ sau một đêm trở thành triệu phú.

Nhà cửa, ruộng vườn bị thu hẹp. Nhiều căn nhà hộp cao tầng đua nhau mọc lên thay cho những căn nhà truyền thống có sân có vườn của người dân nông thôn. Rồi cơn sốt đất cũng tạm lắng dần.

Đến thời điểm này, đất mặt đường, đất ruộng ven đường ở các xã thuộc huyện Thanh Oai, Mỹ Đức... đều đã có chủ mới. Nhiều người có nhu cầu, hoặc nhà đầu tư bất động sản muốn mua lại phải chấp nhận mức giá chênh lệch cao hơn gấp đôi.

Sắm vai người có nhu cầu mua đất ruộng ở xã Thạch Bích, chỉ cần ghé bất kỳ quán nước nào chúng tôi cũng được chủ quán giới thiệu cho những khu vực còn nhiều đất ruộng, có người còn liên hệ trực tiếp với chủ ruộng để chúng tôi ra ngắm nghía trực quan sinh động.

Tình cờ khi đang hỏi chuyện đất ruộng với chị bán nước ở ngay mặt đường đầu xã Thạch Bích, một thanh niên đang ngồi uống bia với nhóm bạn bàn bên cạnh đã nói với sang: "Các chị có muốn mua đất không, nhà em còn 730m2 ruộng, đang muốn bán". Cậu thanh niên có tên Thanh, đang làm nghề thợ sơn cho công trình gần nhà.

Chúng tôi tỏ vẻ hào hứng hỏi giá thì cậu liền thừ người ra: "Thú thật với các chị, bán đất được nhiều tiền nhưng cũng chẳng giải quyết được gì. Có tiều triệu trong tay nhưng nhiều nhà chỉ dùng để xây nhà, mua sắm là hết. Thanh niên bọn em ở quê, đa số vẫn chỉ làm những nghề lao động phổ thông, đơn giản ở các khu công nghiệp, lương thấp, cuộc sống vẫn phải nhờ đồng ruộng là chính. Bán hết ruộng, bán hết đất, chúng em luôn phải sống trong tâm lý rất bấp bênh. Là người Hà Nội rồi lại càng lo".

Tâm sự của Thanh khiến chúng tôi giật mình nhớ đến hệ lụy sau cơn sốt đất ở một số vùng ngoại thành Hà Nội trước đây như khu vực Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội. Sau khi bán đất, nhiều gia đình cũng ầm ầm xây dựng nhà cửa, mua xe gắn máy... Có tiền, có xe quá dễ dàng, con cái họ nhanh chóng bắt nhịp cuộc sống hưởng thụ, ăn chơi lêu lổng, sa vào tệ nạn xã hội.

Nỗi lo của Thanh phải chăng cũng bắt nguồn từ những đổi thay xung quanh em, nhất là trong lớp thanh niên cùng lứa, mà một thanh niên sớm phải đi làm phụ giúp kinh tế gia đình đã nhận ra

Thu Uyên - Thanh Huyền
.
.
.