Trạm thu phí Phước Tượng - Phú Gia đặt sai vị trí, dân không lưu thông vẫn phải đóng phí

Thứ Năm, 19/05/2016, 09:01
Dự án đã đưa vào sử dụng được gần nửa năm, thế nhưng khi vừa xây dựng trạm thu phí để hoàn vốn, thì lập tức doanh nghiệp gặp sự phản ứng dữ dội từ phía người dân. Bởi lẽ họ cho rằng, doanh nghiệp đầu tư đường một nơi, nhưng thu phí một nẻo.


Đồng thời, nếu đặt trạm thu phí ở nơi đang xây dựng thì nhiều người dân không lưu thông qua tuyến đường đầu tư vẫn phải đóng phí. Thực trạng này đang diễn ra tại dự án đầu tư hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia (huyện Phú Lộc – Thừa Thiên – Huế).

Trạm thu phí Phước Tượng - Phú Gia.

Dự án đầu tư hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia do Công ty cổ phần BOT Phước Tượng - Phú Gia đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng, khai thác, chuyển giao) với tổng vốn 1.743 tỷ đồng chính thức được đưa vào sử dụng từ ngày 7-12-2015.

Hai hầm này đều nằm trên quốc lộ 1 cách hầm Hải Vân khoảng 3km về phía Bắc. Hầm Phước Tượng có chiều dài 375m, hầm Phú Gia có chiều dài 447m, cả hai hầm đều rộng 12m, gồm hai làn xe cơ giới, với vận tốc thiết kế 80km/giờ, chịu được động đất cấp 6.  Đường dẫn vào hai hầm dài gần 6km, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, mặt đường bêtông nhựa, với vận tốc thiết kế 80km/giờ.

Tại thời điểm đưa vào sử dụng, do công trình vẫn chưa hoàn thiện nên Bộ GTVT vẫn chưa cho phép thu phí qua hầm. Các phương tiện khi lưu thông qua đây vẫn chưa phải đóng tiền phí. Gần đây, để hoàn vốn cho dự án, Công ty CP Phước Tượng - Phú Gia, chủ đầu tư 2 hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang gấp rút hoàn thành các hạng mục cuối cùng và chờ ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trước khi đưa trạm thu phí đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, từ khi khởi công trạm thu phí này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân và doanh nghiệp. Bởi lẽ, thay vì đặt ở đầu thị trấn Lăng Cô, trạm thu phí Phước Tượng - Phú Gia lại được đặt trên đường dẫn phía Bắc hầm đường bộ Hải Vân, ở cuối thị trấn Lăng Cô, cách đó 6km. Việc hầm một nơi, trạm đặt một nẻo khiến các phương tiện lưu thông qua lại Lăng Cô - Đà Nẵng có nguy cơ bị đóng phí dù không đi qua hầm Phước Tượng - Phú Gia.

Trước phản đối của người dân và doanh nghiệp, vào cuối tháng 4 vừa qua, Ban quản lý dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia BOT và chính quyền thị trấn Lăng Cô đã có buổi làm việc để xác nhận danh sách các hộ và tổ chức có phương tiện giao thông là ôtô trên địa bàn thị trấn Lăng Cô có tuyến cố định Lăng Cô - TP Đà Nẵng đi qua trạm thu phí nhưng không đi qua hầm.

Sau buổi họp này, ông Phạm Công Hưng Tổng Giám đốc Công ty CP Phước Tượng - Phú Gia đã ký  văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất không thu hoặc giảm phí đối với các phương tiện chạy tuyến cố định Lăng Cô (Phú Lộc) - Đà Nẵng; đồng thời giảm phí cho các hộ gia đình có ôtô sinh sống ở Lăng Cô thường xuyên phải đi qua hầm.

Văn bản cũng nêu rõ: “Việc tổ chức thực hiện và cập nhật danh sách các phương tiện sẽ được Ban quản lý dự án, nhà đầu tư cùng với UBND thị trấn Lăng Cô phối hợp triển khai và báo cáo Bộ GTVT”. Theo thống kê cho đến ngày 18-5, danh sách doanh nghiệp trình lên Bộ GTVT bước đầu có khoảng 107 phương tiện của người dân, doanh nghiệp tại Lăng Cô được đề xuất xem xét. Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Công Hưng cho biết thêm, dự kiến đầu tháng 6 sẽ đưa trạm thu phí  Phước Tượng - Phú Gia vào hoạt động. Thời gian đầu sẽ tiến hành thu phí thử.

Tuy nhiên, động thái này của các cơ quan nêu trên mới chỉ giải quyết được một phần vấn đề, bởi thực tế hàng ngày còn có lượng lớn người dân, doanh nghiệp ở TP Đà Nẵng có phương tiện là ôtô thường xuyên đi lại giữa thị trấn Lăng Cô và TP Đà Nẵng không lưu thông thông qua hầm Phước Tượng - Phú Gia...

Từ 25-5: Thu phí cao tốc Hà Nội - Bắc Giang

Bộ GTVT vừa ban hành Quyết định 1473 cho phép dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang (cao tốc Hà Nội – Bắc Giang) thu phí hoàn vốn kể từ 0h ngày 25-5. Theo đó, đối với vé lượt: Mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt được áp dụng đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 22 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng; mức phí cao nhất là 200.000 đồng/lượt được áp dụng đối với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 fit.

Phạm Huyền

Đặng Nhật
.
.
.