Thử nghiệm nhiều phương án “cứu” sông Tô Lịch

Thứ Sáu, 19/07/2019, 08:46
Sông Tô Lịch từng là con sông trong sạch và thơ mộng chảy giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Song đã từ rất lâu con sông này không còn giữ được vẻ sạch đẹp nữa mà thay vào đó là cảnh nước sông tù đọng, nổi váng, bốc mùi hôi thối, ô nhiễm nặng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân và cảnh quan của Thủ đô.

Trước thực trạng trên, việc xử lý nước ô nhiễm, cứu sống sông Tô Lịch đã trở thành nhiệm vụ cấp bách. Mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra và thí điểm áp dụng, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có biện pháp nào mang tính khả thi.  

Giải cứu sông Tô Lịch - Liệu có phải là nhiệm vụ bất khả thi?

Không phải đến bây giờ vấn đề “cứu” sông Tô Lịch mới được đặt ta. Và tất nhiên, trước khi áp dụng công nghệ nước ngoài, đã có không ít giải pháp trong nước được đưa ra bàn thảo và thực hiện.

Từ năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã phối hợp với 4 quận Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân thực hiện tuyên truyền và phát chế phẩm sinh học làm sạch nước thải tại gia đình cho 8.000 hộ dân. Theo đó, chế phẩm sinh học sẽ giúp xử lý nước bề mặt theo từng đoạn hoặc theo từng cống xả chính, hoặc xử lý trực tiếp tại nguồn nước thải của các hộ gia đình trước khi thải ra sông Tô Lịch. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp làm sạch nước sông tạm thời, áp dụng trong phạm vi nhỏ để chuẩn bị cho việc xây dựng và triển khai các phương án cải tạo lâu dài.

Năm 2016, Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá tại xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì đã được khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư 16.300 tỷ đồng nhằm xử lý ô nhiễm ở các con sông trên địa bàn thủ đô trong đó có sông Tô Lịch. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Năm 2018, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng từng thử nghiệm xả nước hồ Tây ra sông Tô Lịch, bước đầu nhận thấy có những tác động tích cực khi tạo ra dòng chảy lưu thông và nước sông trở nên xanh trong hơn. Tuy nhiên, đây mới chỉ dừng ở mức thử nghiệm nên thời gian áp dụng ngắn. Lý do mà đại diện công ty đưa ra là việc xả nước tùy thuộc vào lượng nước của hồ Tây. Chỉ khi nào trời mưa, lượng nước hồ Tây lên cao thì mới có thể xả nước ra sông Tô Lịch.

Đến tháng 4-2019, trước tình trạng sông Tô Lịch ô nhiễm trầm trọng, thành phố Hà Nội bắt tay vào thử nghiệm công nghệ làm sạch nước Nano Bioreactor của Nhật Bản trên đoạn sông gần ngã tư Hoàng Quốc Việt - Bưởi và một góc hồ Tây. Theo đó, công nghệ Nano Bioreactor được giới thiệu là sự kết hợp giữa vật liệu xử lý nước thiên nhiên Bioreactor và máy sục khí Nano công nghệ Nhật.

Và ở thời điểm hiện tại, không chỉ có công nghệ Nhật Bản mà công nghệ Redoxy3C của Đức cũng được áp dụng để xử lý nước ô nhiễm ở 2 vị trí của sông nằm ở đường Nguyễn Đình Hoàn (Cầu Giấy) và cầu Khương Đình (Thanh Xuân). Hiện tại, cả hai công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm trên từng đoạn của sông Tô Lịch, chưa có kết quả đánh giá cụ thể về tính hiệu quả để có thể đi đến áp dụng đồng bộ.

Máy xử lý chất thải công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản được đưa xuống làm sạch sông Tô Lịch.

Cũng từ tháng 4-2019, Công ty Thoát nước Hà Nội tiếp tục đề xuất UBND TP xây dựng, lắp đặt một trạm bơm chìm ở ngoài cửa khẩu An Dương để dẫn nước sông Hồng vào hồ Tây. Sau khi nước hồ Tây được cải thiện bằng nước sông Hồng, Công ty sẽ điều tiết nước từ hồ vào sông Tô Lịch để giúp làm sạch nước sông.

Sáng 9-7 vừa qua, công ty xả hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch. Đến chiều 9-7, đoạn sông đầu nguồn cạnh đường Hoàng Quốc Việt và Quan Hoa đã có những dấu hiệu tích cực: nước chuyển từ màu đen sang màu xanh, mùi hôi thối giảm đi. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi ngừng xả nước, nước sông Tô Lịch lại trở về tình trạng ô nhiễm ban đầu.

Giải pháp nào tối ưu - chưa có câu trả lời!

Cho đến thời điểm này, bằng nỗ lực tìm ra một biện pháp hiệu quả xử lí nước ô nhiễm ở sông Tô Lịch, nhiều giải pháp đã được đưa ra, không chỉ ở trong nước mà áp dụng cả công nghệ nước ngoài. Điều này cho thấy TP Hà Nội đã quyết liệt hơn trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm tại đây. Một thực trạng rất đáng báo động hiện nay là dọc hai bên bờ sông Tô Lịch có chiều dài hơn 13km có tới hàng trăm cống xả nước thải sinh hoạt và công nghiệp hầu như chưa qua xử lý khiến tình trạng nước sông ngày càng ô nhiễm.

Ông Tạ Hữu Đông (60 tuổi, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, mặc dù dọc bờ sông đã thi công đường đi bộ rất đẹp nhưng vì nước sông bốc mùi hôi thối nên con đường này hầu như không có người đi.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam) cho rằng: “Gốc rễ của vấn đề nước sông Tô Lịch hiện nay là phải xử lý ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt đổ vào con sông này”.

Trong khi chờ dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá được xây dựng và đi vào hoạt động thì trước mắt vẫn cần phải thau rửa sông Tô Lịch, lưu thông dòng chảy để giảm bớt ô nhiễm. Cách làm này đơn giản, dễ thực hiện nhưng không phải là giải pháp lâu dài. Vì việc xả nước vào sông Tô Lịch đơn giản chỉ là đẩy chất thải, chất bẩn sang các vùng nước khác chứ không xử lý được nguồn nước. Do đó, sự ô nhiễm sẽ càng lan rộng.

Việc áp dụng công nghệ Nhật Bản được hứa hẹn sẽ xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm do nước thải với tốc độ cực nhanh, giải quyết dứt điểm mùi hôi thối bốc lên. Phía Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE) cho rằng, đây là công nghệ xử lý nước hiện đại nhất hiện nay dễ áp dụng, mà kinh phí chỉ bằng 1/10 so với kinh phí xây dựng nhà máy nước thải. Tuy nhiên, nếu áp dụng công nghệ này trong một thời gian dài thì lại rất tốn kém.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) thì khả năng làm sạch nước của công nghệ này dù hiệu quả nhưng vẫn chỉ là làm sạch một cách nhân tạo. Khi các thiết bị dừng hoạt động, sông Tô Lịch không có khả năng tự làm sạch, sẽ vẫn là một con sông chết. 

Do ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sống mà việc cứu dòng sông Tô Lịch trở nên cấp thiết. Thiết nghĩ, cần phải có một cơ quan chuyên trách vấn đề làm sạch sông Tô Lịch để đẩy nhanh và xử lý quyết liệt hơn vấn đề này, đồng thời cần sự chung tay của người dân trong việc bảo vệ môi trường thì mới có hy vọng cứu được sông Tô Lịch.

Xả nước hồ Tây không ảnh hưởng tới công tác thử nghiệm ở sông Tô Lịch

Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) khẳng định, việc xả nước hồ Tây do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội làm là không ảnh hưởng đến công tác thử nghiệm và JVE đã được thông báo từ trước.

Theo thông cáo báo chí mà Công ty JVE vừa phát đi vào ngày 17-7 thì việc xả nước hồ Tây vừa qua hoàn toàn không ảnh hưởng tới công tác thử nghiệm làm sạch nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor.

Trước khi triển khai công tác thử nghiệm công nghệ Nano-Bioreactor trên sông Tô Lịch, ngày 16-5 Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và đại diện các Sở, ngành thành phố đã có thông tin tới Công ty JVE về việc tuyến sông Tô Lịch là sông thoát nước của TP có vai trò quan trọng trong công tác tiếp nhận nước mưa và điều tiều tiết mực nước cho hồ Tây.

Việc đưa mực nước hồ Tây về mức khống chế là cần thiết, trước khi tiến hành hạ mực nước hồ Tây, với mục đích đảm bảo thoát nước, chống úng ngập cho khu vực xung quanh hồ Tây. Công ty đã thông báo cho JVE (là đơn vị thử nghiệm công nghệ nano-Bioreator) và JVE đã khẳng định trên báo chí là không ảnh hưởng đến công tác thử nghiệm. Do vậy, từ ngày 9-7 đến 11-7 Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tiến hành hạ mực nước hồ Tây về mực nước khống chế.

Việc đưa mực nước hồ Tây về mức khống chế được thực hiện theo nội dung Văn bản số 3193/SXD-HT ngày 17-4 của Sở Xây dựng Hà Nội về việc thống nhất mực nước khống chế các sông, hồ điều hòa trên địa bàn TP năm 2019 phục vụ thoát nước đô thị, mực nước khống chế vào mùa mưa của hồ Tây được quy định từ 5,6 - 5,7m. Tại thời điểm ngày 9-7, mực nước hồ Tây đo được là 5.96m vượt (0,26 - 0,36m) so với mực nước quy định.

Trên thực tế, đúng như dự báo vào chiều tối 15-7 đã diễn ra trận mưa lớn trên địa bàn Hà Nội làm mực nước sông dâng cao và chảy mạnh. Do việc hoàn thành công tác giữ mực nước của hồ Tây, đảm bảo khả năng điều hòa nên mưa ngày 15-7, lưu vực hồ Tây không xảy ra úng ngập.

Phong Sơn

H.Châm
.
.
.