Sóc Trăng:

Tháo gỡ khó khăn cho hộ nghèo khu dân cư ấp Trà Sết

Thứ Ba, 17/09/2019, 17:03
UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu thị xã Vĩnh Châu tăng cường công tác quản lý nhà nước, không để các hộ dân tự ý chuyển nhượng đất ở, nhà ở được hỗ trợ tại dự án khu dân cư Trà Sết. 

Liên quan đến dự án ổn định dân cư ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, thị Vĩnh (Sóc Trăng) mà Báo CAND đã phản ánh, ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với UBND thị xã Vĩnh Châu, các sở, ngành liên quan để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về điều kiện sống của các hộ dân nơi đây.

Theo báo cáo của UBND thị xã Vĩnh Châu, việc hỗ trợ đất sản xuất cho các hộ dân ở khu định cư (KĐC) Trà Sết hiện nay khó thực hiện bởi đất dự kiến giao cho bà con là đất rừng, phải thực hiện hàng loạt các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. 

Nhiều căn nhà ở khu ổn định dân cư ấp Trà Sết bỏ hoang, cỏ mọc lút đầu.

Nguồn nước của trạm cấp nước cũng bị nhiễm phèn, mặn, làm hạn chế việc sử dụng của người dân. Từ đó địa phương đề nghị Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Sóc Trăng tổ chức kiểm định, đánh giá lại chất lượng nguồn nước của trạm cấp nước khu dân cư. 

Đại diện các sở, ngành cũng đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân ở đây như: lập dự án phát triển rừng bền vững; đầu tư cơ sở hạ tầng giao đất rừng cho cộng đồng ở khu dân cư ấp Trà Sết quản lý, khai thác nguồn lợi dưới tán rừng; rà soát lại các chính sách để hỗ trợ cho hộ dân vay vốn phát triển kinh tế gia đình… 

Theo ông Ngô Hùng, các giải pháp đề xuất của các sở, ngành liên quan được lãnh đạo UBND tỉnh ghi nhận và sẽ báo cáo với Ban cán sự Đảng, Thường trực UBND tỉnh. 

Riêng với UBND thị xã Vĩnh Châu, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, không để các hộ dân tự ý chuyển nhượng đất ở, nhà ở được hỗ trợ tại dự án; rà soát lại điều kiện sống của từng hộ dân, những chính sách của Nhà nước mà người dân đã được thụ hưởng để có hướng hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tích cực lao động, sản xuất tự vươn lên trong cuộc sống.

Nhiều căn nhà bỏ hoang đã xuống cấp nghiêm trọng. 

Như Báo CAND đã thông tin, năm 2014, tỉnh Sóc Trăng triển khai dự án nhà ở ổn định cho 200 hộ nghèo ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu) với tổng mức đầu tư hơn 43 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 35 tỷ đồng. Dự án do UBND thị xã Vĩnh Châu làm chủ đầu tư, trực tiếp quản lý là Ban Quản lý các công trình xây dựng cơ bản thị xã Vĩnh Châu.   

Theo đánh giá, dự án ổn định dân cư ấp Trà Sết là chương trình có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm và đây là dự án có mức đầu tư lớn, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Dự án có tổng diện tích 89,51 ha, trong đó đất ở chiếm hơn 6ha. 

Sau gần hai năm triển khai thực hiện, đã được xây dựng 200 căn nhà để hỗ trợ cho 200 hộ nghèo. Mỗi căn nhà có diện tích xây dựng 40m2. Mức hỗ trợ cho mỗi hộ là căn nhà trị giá 35 triệu đồng, đất sản xuất 3.000 mét vuông, ngoài ra khu dân cư này còn được đầu tư hệ thống điện, nước sạch, đường nội bộ, Trạm Y tế, trường Mẫu giáo, trạm cấp nước tập trung. 

Sau khi chủ đầu tư đã xây dựng, bàn giao 200 căn nhà cho người nghèo, dự án này đã bị thanh tra tỉnh Sóc Trăng phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi số tiền chi sai khoảng 1,4 tỉ đồng; kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan sai phạm…  

Trạm cấp nước của khu dân này cũng bỏ hoang.

Đáng nói hơn, dự án có quy mô 200 hộ dân, trong đó diện tích đất ở 300m2/hộ, diện tích nhà ở 40m2/căn, hỗ trợ đất sản xuất cho 200 hộ với diện tích 3.000m2/hộ (tổng diện tích đất hỗ trợ sản xuất là 600.000m2) nhưng chỉ mới bàn giao nhà ở, đất ở cho 200 hộ dân. 

Còn việc hỗ trợ đất sản xuất 3.000m2/hộ chưa thực hiện nên nhiều hộ dân nhận nhà nhưng bỏ hoang không ở hoặc sang bán cho người khác để đi làm thuê ở các địa phương khác. Việc giao 300m2 đất ở cũng chưa lập thủ tục cấp giấy chứng nhận cho hộ dân. 

Theo báo cáo của UBND thị Vĩnh Châu, trong số 200 hộ được nhận nhà, chỉ có 106 hộ đang ở (trong đó có 52 hộ đóng cửa tạm về lại nhà cha mẹ ở để ngày đi làm thuê, tối mới về nhà ở khu dân cư nghỉ); có 47 hộ đóng cửa đi làm thuê ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An… Đặc biệt, có 47 hộ đã tự ý chuyển nhượng nhà cho hộ khác không thông qua chính quyền địa phương.

Đ.Văn - C.X
.
.
.