Tai nạn giao thông do lái xe say rượu: Xử phạt chưa nghiêm, tai nạn càng nhiều

Thứ Bảy, 27/10/2018, 06:47
Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc do tài xế say rượu gây ra, song hình phạt vẫn chưa đủ răn đe, tài xế say rượu vẫn “thoát” sự kiểm tra của CSGT nên vẫn “chứng nào tật nấy”. Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã siết chặt điều kiện kinh doanh đối với mặt hàng này.


Nữ tài xế say xỉn lái xe tông liên hoàn vào hàng loạt xe máy và một taxi đang dừng đèn đỏ tại ngã tư phố Hàng Xanh, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) khiến 1 người chết, 3 người bị thương nặng gây bất bình trong xã hội.

Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc do tài xế say rượu gây ra, song hình phạt vẫn chưa đủ răn đe, tài xế say rượu vẫn “thoát” sự kiểm tra của CSGT nên vẫn “chứng nào tật nấy”. Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã siết chặt điều kiện kinh doanh đối với mặt hàng này.

Nỗi đau kinh hoàng

Đến Khoa Phẫu thuật thần kinh I, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), hình ảnh bệnh nhân bị chấn thương sọ não nằm la liệt khiến chúng tôi ám ảnh. Bởi trong số bệnh nhân nằm ở đây, có nhiều người là nạn nhân của TNGT do uống rượu bia không làm chủ được tốc độ.

Một bác sĩ hồi sức cấp cứu cho biết, nhiều bệnh nhân vào cấp cứu do nồng độ cồn trong máu quá cao nên không gây mê được. Đây là điều đáng tiếc vì bỏ lỡ mất “thời gian vàng” để xử trí khẩn cấp. Mỗi ngày, số ca TNGT vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức vẫn không ngừng gia tăng, trong đó không ít bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép.

Điều này đã được cảnh báo rất nhiều, song việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông chưa giảm, hậu quả để lại là nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, thậm chí gây tai nạn cho hàng loạt người vô tội như vụ nữ tài xế say xỉn tông xe liên hoàn ở TP Hồ Chí Minh vừa qua.

Hiện trường vụ tai nạn làm 1 người chết, 3 người bị thương nặng do tài xế  Nguyễn Thị Nga gây ra.

Vụ tai nạn do nữ tài xế - Nguyễn Thị Nga (trú tại đường D5, phường An Phú Đông, quận 12, TP Hồ Chí Minh) gây ra sau khi ăn nhậu và uống rượu bia tại một nhà hàng đã khiến 1 người chết, 5 người bị thương một cách oan ức.

Đã có rất nhiều vụ TNGT thảm khốc xảy ra do tài xế say rượu khiến nhiều người vô tội bị thiệt mạng, trong đó nhiều người là lao động chính trong gia đình. Theo Ủy ban ATGT quốc gia thì bên cạnh sự thiệt hại về số người tử vong và thân nhân nạn nhân gánh chịu hậu quả, TNGT còn gây thiệt hại về kinh tế lên tới 250 tỷ đồng/mỗi ngày.

Tôi đã từng gặp nhiều gia đình nạn nhân TNGT, trong đó có nhiều người cả hai vợ chồng đều thiệt mạng vì TNGT do tài xế say rượu gây ra, con cái họ trở thành mồ côi, phải sống dựa vào họ hàng hai bên nội ngoại.

Thế nhưng, ở nhiều nhà hàng tại Hà Nội, kết thúc bữa nhậu, người uống rượu bia vẫn thản nhiên điều khiển phương tiện, ít ai sau khi uống rượu mà để xe lại bắt taxi về nhà. Và nhiều lần lặp lại mà không bị CSGT kiểm tra, nên việc uống rượu bia rồi lái xe được nhiều người coi như bình thường. Theo một nghiên cứu gần đây cho thấy, uống rượu bia trước khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện dễ bị hưng phấn, chạy xe với tốc độ cao.

Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10-30%, làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ… dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và TNGT. Chính vì vậy mà ở một số nước đã cấm hoàn toàn sử dụng rượu bia khi lái xe.

Khoảng 60% nạn nhân TNGT có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn

Thông tin từ Ủy ban ATGT quốc gia tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2018 vừa diễn ra, vi phạm nồng độ cồn khi lái xe hiện vẫn là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới TNGT. Số liệu thống kê của ngành y tế tại một số địa phương cho thấy, khoảng 60% nạn nhân TNGT là người điều khiển phương tiện vào cấp cứu tại bệnh viện được chỉ định kiểm tra có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn.

TNGT do lái xe sử dụng rượu bia vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2017. Đánh giá về nguyên nhân TNGT do vi phạm nồng độ cồn còn chiếm tỷ lệ cao, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, thói quen sinh hoạt, tập quán văn hóa của người dân về uống rượu bia đã tồn tại từ lâu. Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác giáo dục, tuyên truyền còn thấp, chưa phát huy tốt vai trò nêu gương thực hiện quy định “đã uống rượu bia không lái xe” của cán bộ, đảng viên. Công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm còn hạn chế.

Nhiều người cũng cho rằng, để tình trạng lái xe vẫn vô tư uống rượu bia là do mức xử phạt đối với hành vi này chưa đủ tính răn đe. Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến 4 triệu đồng kèm theo hình phạt bổ sung là tước GPLX từ 1 tháng đến 5 tháng.

Đối với người điều khiển ôtô và phương tiện giống ôtô vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đồng đến 18 triệu đồng, hình thức phạt phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX từ 1 tháng đến 6 tháng. Trở lại vụ việc liên quan đến tài xế Nguyễn Thị Nga. Hậu quả của sự việc đã khiến 1 người tử vong và 3 người khác bị thương nặng.

Hiện, Công an quận Bình Thạnh, TP HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam nữ tài xế Nguyễn Thị Nga về tội “Vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ” theo khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).

Có ý kiến cho rằng, đối với trường hợp đã uống rượu bia mà vẫn cố tình lái xe cần phải tước GPLX vĩnh viễn bởi lẽ đây là hành động coi thường tính mạng của người khác và của chính mình. Hậu quả từ việc “uống quá chén” có thể để lại là rất thảm khốc, thậm chí kéo theo tính mạng của nhiều người. Những vụ việc tương tự cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để làm bài học cảnh tỉnh đối với người điều khiển phương tiện.

Tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” nêu rõ, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm một người chết thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Tuy nhiên, hình phạt cho người phạm tội sẽ tăng lên từ 3 năm đến 10 năm nếu thuộc trường hợp phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác (điểm b, khoản 2, Điều 260).

Trần Hằng - Mai Hương
.
.
.