Bờ sông Thạch Hạt nát bươm vì nạn khai thác cát sỏi trái phép

Thứ Năm, 10/03/2016, 08:24
Hai bên bờ sông Thạch Hãn dài hàng chục cây số, từ thượng nguồn cho tới hạ lưu, không nơi nào không bị sạt lở. Nguyên nhân là do lòng sông bị các cá nhân, tổ chức đào bới, hút cát, sỏi đem bán từ nhiều năm nay. 


Sông Thạch Hãn gắn liền với cuộc chiến đấu 81 ngày đêm năm 1972 bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Dòng sông luôn được con người đối đãi trân trọng và thiêng liêng, như một nhà thơ đã từng viết: Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi nghìn năm. Nhưng hiện nay, dòng sông lịch sử này đang ngày đêm bị nạn khai thác cát, sỏi tàn phá dữ dội.

Theo khảo sát của chúng tôi, hai bên bờ sông Thạch Hãn dài hàng chục cây số, từ thượng nguồn cho tới hạ lưu, không nơi nào không bị sạt lở. Nguyên nhân là do lòng sông bị các cá nhân, tổ chức đào bới, hút cát, sỏi đem bán từ nhiều năm nay. 

Trước tình trạng này, chính quyền, lực lượng chức năng và người dân sống ở đôi bờ sông Thạch Hãn đã nhiều lần phản ứng, kiến nghị, cầu cứu cấp trên; đồng thời, tổ chức lực lượng, phương tiện đẩy đuổi các đối tượng khai thác cát, sỏi, để bảo vệ dòng sông. Song, do có những lý do chủ quan từ phía cấp trên, hoạt động khai thác cát, sỏi ở sông Thạch Hãn đến nay vẫn còn tồn tại, thậm chí ồ ạt và nguy hiểm hơn so với trước rất nhiều. 

Tìm hiểu được biết, trước đây có hàng trăm cá nhân, tổ chức với phương tiện thuyền bè, máy móc, tổ chức đào bới, hút cát, sỏi trên sông Thạch Hãn suốt ngày, đêm. Trong đó, ở bờ sông khu vực thôn Tích Tường, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị có Hợp tác xã (HTX) khai thác cát, sỏi đường sông Triệu Phong (trụ sở huyện Triệu Phong, Quảng Trị) khai thác liên tục trong 3 năm, từ 2009 đến 2011, khiến bờ sông bị sạt lở hàng cây số. 

Nạn khai thác cát, sỏi trên sông Thạch Hãn đang gây ra nhiều hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Sau khi HTX này vừa rời khỏi Như Lệ, thì ngành chức năng và UBND tỉnh Quảng Trị lại cấp phép cho Công ty Thiên Phú (trụ sở thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) khai thác cát, sỏi diện tích 8,4ha sông Thạch Hãn qua xã Hải Lệ. Nhưng trước thực tế sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng, UBND xã Hải Lệ chỉ đồng ý bàn giao cho Công ty Thiên Phú 2,8ha trong số 8,4ha được cấp phép kể trên.

Điều đáng nói, khi công ty này vừa bị chính quyền, người dân địa phương buộc phải rời khỏi khu vực khai thác trước thời hạn UBND tỉnh Quảng Trị cho phép, thì UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục cấp phép cho một đơn khác khai thác cát, sỏi tại đây, là HTX sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác cát, sỏi Như Lệ (trụ sở xã Như Lệ).

Theo giấy phép được cấp, HTX này được phép khai thác cát, sỏi liên tục trong 3 năm (từ 2015 đến 2017), với mỗi năm chỉ 30.000m³ cát trên diện tích 2,8ha sông Thạch Hãn qua địa bàn xã. Nhưng thực tế, hơn 1 năm nay, HTX Như Lệ đã khai thác rất ồ ạt. 

Theo phản ánh của người dân và ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường cho thấy, mỗi ngày có hàng trăm xe tải đến bãi tập kết cát của đơn vị này, để chở hàng trăm mét khối cát đi nơi khác bán. Chúng tôi hỏi tài xế S., trú thị xã Quảng Trị, mỗi ngày chạy được mấy chuyến?

Anh S. cho hay: “Chạy gần thì 6-8 lượt, xa thì 4-5 lượt”. Chạy đều không anh? “Chỉ nghỉ vào những ngày mưa to, còn lại chạy quanh năm”, anh S. trả lời chúng tôi, rồi anh trầm ngâm: “Ngày nào cũng vậy, sáng sớm xe cộ đã tập kết đông như chuồn chuồn. Tính sơ mỗi ngày, ông chủ cát này bán không dưới 800m³ cát, lời lãi lắm, chỉ có điều bờ sông thì ngày càng bị sạt lở nặng do hút chỗ này, nó sạt chỗ kia thôi”.

Ông Đinh Ngọc Thường, Chủ nhiệm HTX Sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác cát, sỏi Như Lệ cho rằng, đơn vị của ông được cấp phép khai thác cát, sỏi 2,8ha ở sông Thạch Hãn qua Hải Lệ. Nhưng hơn 1 năm qua, ông tập trung khai thác chỉ cồn cát giữa lòng sông, do cồn cát này được khai thác mãi mà vẫn không hết(?!). Do đó, ông chưa hề đụng tới diện tích xung quanh, nên chưa gây ra sạt lở gì(?!).

Chúng tôi hỏi ông Thường: “Vậy cát từ đâu bồi về cồn cát kể trên để ông khai thác mãi mà không hết?”. Ông Thường trả lời: “Từ thượng nguồn”(?!). Chúng tôi hỏi tiếp: “Như vậy cát không tự sinh ra, mà lấy ở chỗ này thì chỗ kia bị sạt lở?”. Ông Thường đồng ý, nhưng vẫn không thừa nhận HTX khai thác cát, sỏi của ông đã gây ra sạt lở bờ sông(!).

Ông Nguyễn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lệ cho biết, nạn khai thác cát, sỏi trên sông Thạch Hãn đã gây ra nhiều hậu quả đặc biệt xấu. Vấn nạn này không chỉ tàn phá dữ dội con sông lịch sử, mà còn gây ra cho người dân nhiều thiệt hại nghiêm trọng, khó lường. 

Đơn cử, thời gian qua, chính quyền địa phương đã phải di dời khẩn cấp tới 110 hộ dân khu vực ven sông bị sạt lở do vấn nạn khai thác cát, sỏi gây ra. Chưa hết, hệ lụy nạn khai thác cát, sỏi đã khiến xã sạt lở xuống sông hơn 20ha đất sản xuất nông nghiệp, hàng chục ngôi mộ, nhà cửa…

Do hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Thạch Hãn vẫn tiếp tục diễn ra, nên tình trạng sạt lở bờ sông, mất đất đai sản xuất, đe dọa cuộc sống người dân vẫn chưa dừng lại. Hiện tại, khu vực thôn Như Lệ, xã Hải Lệ vẫn còn hàng chục hộ dân bị vấn nạn khai thác cát, sỏi kể trên xâm hại nhà cửa, khiến cho bà con luôn phải sống trong cảnh bị “treo trước miệng hà bá”…

Phan Thanh Bình
.
.
.