Khai thác cát, sạn “chui” làm sạt lở nghiêm trọng bờ sông Thạch Hãn

Thứ Tư, 06/08/2014, 12:51
Đã nhiều năm nay, chính quyền và nhân dân xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, rất bức xúc vì nạn khai thác cát sạn trái phép trên sông Thạch Hãn đoạn qua địa phận xã. Lực lượng chức năng liên tục ra quân kiểm tra, xử lý; người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, song đến nay, tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra, khiến bờ sông Thạch Hãn bị sạt lở nghiêm trọng...

Trên đoạn sông Thạch Hãn chảy qua địa phận thôn Tân Xuân, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, thường xuyên xuất hiện trên 20 chiếc thuyền công suất lớn khai thác cát, sạn “chui”. Theo phản ánh của người dân, vào ban ngày, các thuyền này chỉ hút cát, sạn trong phạm vi được phép khai thác, thuộc địa phận xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị. Nhưng đêm đến, những chiếc vòi dài hơn chục mét thi nhau thọc sâu vào lòng sông phía bên thôn Tân Xuân để hút trộm cát, sạn. Ông Phan Văn Danh, ở thôn Tân Xuân, cho biết: Việc hút cát trộm thường diễn ra vào khoảng từ 3-4h sáng và kéo dài, nên đã gây bức xúc rất lớn đối với người dân địa phương. Cũng vì thế, đã có không ít lần nảy sinh mâu thuẫn giữa người dân với các đối tượng “cát tặc”.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng địa phương đã nhiều lần phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ tàu khai thác cát sạn trái phép trên sông Thạch Hãn; song việc kiểm tra không thể thực hiện thường xuyên, liên tục trong khi việc khai thác cát, sạn trái phép có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Đó là chưa kể đến việc các đối tượng vi phạm có hành vi chống đối khi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ… Ông Phan Thanh Hoàng, Phó Công an xã Triệu Thượng, cho biết thêm: Công an và dân quân xã thường hay tổ chức các đợt truy quét các thuyền hút cát trộm; nhưng các đối tượng rất manh động, sẵn sàng dùng các loại hung khí để chống trả. Vào năm 2010, bản thân ông Hoàng là một trong những nạn nhân của vụ án “chống người thi hành công vụ”, khi các đối tượng hút cát trộm dựa vào ưu thế số đông và có hung khí đã tấn công lại lực lượng của xã…

“Cát tặc” hoành hành trên sông Thạch Hãn.

Thôn Tân Xuân có 30 hộ dân sinh sống, chủ yếu dựa vào trồng trọt và đánh bắt cá trên sông, trong đó có gần chục hộ dân mới được chính quyền vận động lên bờ sinh sống, thay vì ở dưới thuyền. Đất đai khô cằn không còn thuận lợi để phát triển sản xuất trồng trọt, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư làm lồng nuôi cá chình trên sông. Nhưng nguồn thu nhập này của người dân ngày càng giảm đi, mà theo họ nguyên nhân là do hậu quả của việc khai thác cát, sạn. Việc khai thác cát, sạn trái phép, cùng với mưa lũ hằng năm đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông Thạch Hãn và làm thay đổi dòng chảy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về giao thông đường thủy nội địa.

Ngoài ra, người dân ở đây còn phải đối mặt với tiếng ồn của động cơ hút cát, sạn và sự ô nhiễm môi trường. Không còn cách nào khác, người dân phải dùng thanh tre cắm giữa lòng sông để phân định ranh giới không cho các thuyền hút cát, sạn lấn sang bờ bên này khai thác. Nhưng những thanh tre có thể làm được gì, khi lòng sông phía Tân Xuân vẫn là nơi hấp dẫn vì có rất nhiều cát, sạn. Đề nghị chính quyền huyện Triệu Phong và tỉnh Quảng Trị cần nhanh chóng có biện pháp hữu hiệu, ngăn chặn tình trạng “cát tặc” lộng hành trên sông Thạch Hãn, trả lại sự yên bình cho người dân các làng quê ven sông… 

Nguyễn Thành Nam
.
.
.