Sớm có giải pháp vừa đảm bảo quyền lợi người dân vừa tuân thủ quy định pháp luật

Thứ Sáu, 28/07/2017, 07:00
Để có góc nhìn đa chiều cũng như đưa ra các giải pháp vừa đảm bảo quyền lợi của người thế chấp phương tiện, vừa tuân thủ quy định pháp luật về giao thông đường bộ, Báo CAND nhận được ý kiến trao đổi của các luật sư về vấn đề này.

Hiện nay cả nước có khoảng 1,3 triệu ôtô và phương tiện giao thông đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng. Việc CSGT xử phạt chủ phương tiện không mang theo đăng ký xe gốc mà chỉ có bản công chứng kèm xác nhận của ngân hàng là đúng cơ sở pháp lý.

Để có góc nhìn đa chiều về vấn đề này cũng như đưa ra các giải pháp vừa đảm bảo quyền lợi của người thế chấp phương tiện, vừa tuân thủ quy định pháp luật về giao thông đường bộ, Báo CAND nhận được ý kiến trao đổi của các luật sư về vấn đề này.

“Không thể có sự phân biệt giữa xe thế chấp ngân hàng thì người lái xe được quyền mang giấy tờ phô tô có dấu của ngân hàng, còn đối với xe không thế chấp thì phải mang giấy tờ gốc” - đó là lời khẳng định của luật sư Vũ Thái Hà, Công ty Luật TNHH You Me (Hà Nội).

Theo luật sư Vũ Thái Hà, mọi lái xe buộc phải tuân thủ quy định của pháp luật về giấy tờ cần phải mang theo khi tham gia giao thông. Việc xử phạt người lái xe không mang theo giấy đăng ký xe là đúng quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Mọi lái xe buộc phải tuân thủ quy định của pháp luật về giấy tờ cần phải mang theo khi tham gia giao thông.

Một bản đăng ký xe phô tô có xác nhận của ngân hàng.

Cũng theo vị luật sư Hà, mỗi bên, nhìn từ góc độ bảo vệ quyền lợi của mình, sẽ có cách lý giải và lập luận riêng. Tuy nhiên, luật sư Vũ Thái Hà cho rằng, việc ngân hàng giữ giấy tờ đăng ký xe của người thế chấp là không đúng quy định của pháp luật và việc này là không cần thiết.

“Khoản 6 Điều 323 Bộ luật Dân sự 2015 quy định bên nhận thế chấp có quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận (trừ trường hợp luật có quy định khác) và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 của Thủ tướng Chính phủ về giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ, trong trường hợp tài sản thế chấp phương tiện giao thông, người thế chấp được quyền giữ giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực” - luật sư Hà dẫn chứng.

Về việc ngân hàng giữ đăng ký xe của chủ phương tiện vay thế chấp, luật sư Vũ Thái Hà phân tích, việc ngân hàng cho vay giữ giấy tờ đăng ký cũng không phải là biện pháp đảm bảo cho việc thanh toán khoản vay và đảm bảo tài sản thế chấp không bị tẩu tán. Việc cho vay có thế chấp được thực hiện theo loại hình giao dịch bảo đảm. Tài sản đã thế chấp không thể được chuyển nhượng và trong trường hợp dùng các thủ đoạn gian dối để chuyển nhượng, giao dịch chuyển nhượng này cũng không có giá trị pháp luật.

“Để giải quyết tình trạng này, các ngân hàng cho vay phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật và Công văn số 3851/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước ngày 24-5-2017 về việc về việc khách hàng thế chấp phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, người đi vay cũng nên cân nhắc việc vay hay không vay của những ngân hàng có yêu cầu người vay phải để ngân hàng cho vay giữ giấy tờ đăng ký phương tiện của mình để tránh việc vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ”- luật sư Vũ Thái Hà nêu quan điểm.

Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Nguyễn Tiến Trung, Giám đốc Công ty Luật Trung Nguyễn (Hà Nội) thì cho rằng, hiện nay, để đáp ứng được nhu cầu sử dụng xe ôtô tăng cao, người dân có thể vay thế chấp tại ngân hàng đến 75% giá trị xe và thời gian vay tới 7 năm.

Tuy nhiên, để đảm bảo cho việc vay thế chấp, ngân hàng giữ giấy tờ gốc và cung cấp cho chủ phương tiện văn bản xác nhận của ngân hàng về việc thế chấp xe ôtô.

Trên thực tế, việc cho vay mua xe ôtô từ trước đến nay luôn được ngân hàng xem là một khoản vay chứa đựng nhiều rủi ro.

Nếu người chủ xe đang thế chấp ngân hàng thực hiện các hành vi lừa đảo như: sử dụng đăng ký xe cầm cố cho các tiệm cầm đồ, bán viết tay cho các cá nhân, thực hiện các hoạt động khác khi vẫn còn nghĩa vụ với ngân hàng dẫn đến tranh chấp tài sản thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Khi đã phát sinh thì buộc phải nhờ rất nhiều cơ quan từ CSGT, đăng kiểm, bảo hiểm, hãng xe… mới xác minh được gây ra nhiều khó khăn.

Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho cả người dân cũng các tổ chức tín dụng, thực tế đặt ra hiện nay yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền sớm có phương án thống nhất để vừa đảm bảo quyền lợi cho nhân dân lại vừa đúng theo các quy định của pháp luật. Ví dụ như kiến nghị Bộ Công an công nhận giá trị lưu hành đối với văn bản xác nhận việc nhận thế chấp của ngân hàng để chủ phương tiện lưu giữ và xuất trình khi CSGT yêu cầu.

Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về vấn đề này

Liên quan đến việc lực lượng CSGT xử phạt người điều khiển phương tiện không mang theo giấy đăng ký xe gốc khi đang thế chấp phương tiện tại các tổ chức tín dụng, tại cuộc họp báo quý II-2017 ngày 20-7, ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã khẳng định, lực lượng CSGT xử phạt người điều khiển phương tiện không mang theo đăng ký xe bản chính là có cơ sở pháp lý.

Về vấn đề này, Bộ Tư pháp đã giao Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và một số đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý.

Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành và yêu cầu của thực tiễn, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, trình lãnh đạo Bộ Tư pháp Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Nguyễn Hương
.
.
.