Người thế chấp phương tiện có quyền giữ bản chính đăng ký xe

Thứ Ba, 25/07/2017, 06:11
Theo đó, việc Cảnh sát giao thông xử phạt người điều khiển phương tiện không mang bản chính đăng ký xe đối với trường hợp xe đang thế chấp tại ngân hàng là đúng quy định của pháp luật. Bởi, người thế chấp phương tiện có quyền giữ bản chính đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực.

Thời gian qua, việc Cảnh sát giao thông xử phạt người điều khiển phương tiện không mang theo bản chính đăng ký xe đối với trường hợp xe đang thế chấp tại ngân hàng đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Để tiếp tục thông tin về vấn đề này cũng như hiểu rõ các căn cứ pháp lý liên quan, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an.

Theo đó, việc Cảnh sát giao thông xử phạt người điều khiển phương tiện không mang bản chính đăng ký xe đối với trường hợp xe đang thế chấp tại ngân hàng là đúng quy định của pháp luật. Bởi, người thế chấp phương tiện có quyền giữ bản chính đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực.

Việc CSGT xử phạt người điều khiển phương tiện không mang bản chính đăng ký xe đối với trường hợp xe đang thế chấp tại ngân hàng là đúng quy định. Ảnh: Vũ Hoàng.

Điều 58, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người lái xe khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải mang theo 4 loại giấy tờ sau: Đăng ký xe, giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật Giao thông đường bộ; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật; giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân dự của chủ xe cơ giới.

Điều 20a Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 của Chính phủ quy định về giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22-2-2012 của Chính phủ) quy định giữ giấy tờ về tài sản thế chấp như sau: “Trong trường hợp tài sản thế chấp là tàu bay, tàu biển hoặc phương tiện giao thông quy định tại Điều 7a Nghị định này thì bên thế chấp giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu tàu bay, giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam, giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực”.

Các cơ quan chức năng cần sớm có văn bản hướng dẫn để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia giao thông.

Tại khoản 1 Điều 7a Nghị định 11/2012/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung Nghị định số 163/2006/NĐ-CP) quy định về việc thế chấp phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa, phương tiện giao thông đường sắt quy định: Sau khi đăng ký thế chấp phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và người yêu cầu đăng ký đã nộp phí yêu cầu cấp bản sao văn bản chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm thì cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm gửi 1 bản sao văn bản chứng nhận đăng ký đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký lưu hành. Cùng với đó, Khoản 6, Điều 323 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về quyền của bên nhận thế chấp: “Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

Trước các cơ sở pháp lý như trên, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an khẳng định, theo quy định của pháp luật thì người vay tiền mua phương tiện (tức bên thế chấp) có quyền giữ lại bản chính đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực. Vì vậy ngày 24-5-2017, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 3852/NHNN-PC gửi Bộ Công an trong đó khẳng định quy định bên thế chấp giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực là thực hiện đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 của Chính phủ quy định về giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22-2-2012 của Chính phủ) về giao dịch bảo đảm..

Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có Công văn số 3851/NHNN-PC gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài “tuýt còi” yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc bên thế chấp giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh cũng cho biết, theo quy định của Điều 7a Nghị định 11 thì bên người vay tiền mua phương tiện (bên thế chấp) và ngân hàng (bên nhận thế chấp) phải có hợp đồng thế chấp gửi cho cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Bộ Tư pháp (cơ quan giao dịch bảo đảm) có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đăng ký xe (CSGT).

Khi nhận được thông báo của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan đăng ký xe có trách nhiệm lưu thông tin thế chấp trong hồ sơ gốc của phương tiện và đánh dấu trên hệ thống quản lý. Khi các phương tiện này mua bán, sang tên, di chuyển thì bắt buộc phải có bản sao giấy chứng nhận xóa thế chấp, văn bản giải chấp hoặc văn bản đồng ý của bên nhận thế chấp thì mới được làm thủ tục sang tên, di chuyển.

Trường hợp chủ phương tiện đã thế chấp không thanh toán theo hợp đồng dẫn đến nợ quá hạn, nếu ngân hàng có văn bản đề nghị thì lực lượng Công an sẵn sàng phối hợp với ngân hàng thông báo cho lực lượng Công an các đơn vị, địa phương thông qua các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, phong tỏa phương tiện và thông báo cho ngân hàng giải quyết theo quy định.

Như vậy, người đã thế chấp phương tiện tại ngân hàng có quyền yêu cầu ngân hàng đưa lại bản chính đăng ký xe theo quy định pháp luật. Còn thông tin người dân có ý định mua xe ôtô, xe máy theo hình thức thế chấp phải do dự vì lo sợ CSGT xử phạt và ngân hàng lo sợ rủi ro khi cho vay thế chấp là không có cơ sở pháp lý, vì đã có Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi tình trạng pháp lý của xe đang thế chấp, cho nên người dân vẫn có thể thế chấp phương tiện tại ngân hàng và thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông trên đường bộ.

* Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, số lượng các doanh nghiệp kinh doanh vận tải vay ngân hàng mua xe rất lớn. CSGT cần phải nêu rõ cơ sở, mục tiêu của việc xử phạt người điều khiển phương tiện không mang theo giấy đăng ký xe gốc. Ông Nguyễn Văn Thanh đề nghị: “Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an nên sớm họp bàn thống nhất ban hành một văn bản hay thông tư liên tịch về việc này”.

* Chiều 24-7, trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục yrưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng khẳng định, khi phương tiện đi đăng kiểm, ngành Đăng kiểm chấp nhận cả xe có đăng ký xe bản chính và xe có các giấy tờ thể hiện xe đó đang được thế chấp tại ngân hàng. Tuy nhiên, với bản sao giấy đăng ký xe dù được công chứng vẫn không được chấp nhận. Bởi theo Luật Giao thông đường bộ, chỉ đăng ký bản chính (1 bản duy nhất) mới được chấp nhận. Với bản sao, chủ xe có thể phôtô công chứng hàng trăm bản, như thế tính chặt chẽ không thật sự đảm bảo.

Ng.Hương - Đ.Nhật
.
.
.