Sai phạm từ một dự án xẻ rừng đặc dụng

Thứ Ba, 30/01/2018, 10:30
Liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) trên diện tích 15ha rừng đặc dụng Đèo Cả ở Phú Yên, ngày 29-1, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo cáo kết quả kiểm tra theo chỉ đạo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.


Theo hồ sơ, trong năm 2010 Công ty cổ phần Tập đoàn (CPTĐ) Hải Thạch ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) lập dự án khai thác khoáng sản đất là vật liệu xây dựng (KTKS VLXD) thông thường để san lấp, phục vụ thi công dự án hầm đường bộ Đèo Cả trên tuyến quốc lộ 1A nối liền địa phận hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa do Công ty cổ phần Đèo Cả làm chủ đầu tư. 

Địa điểm Công ty CPTĐ Hải Thạch xác lập dự án KTKS là rừng đặc dụng Đèo Cả ở thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên). 

Ngoài chức năng bảo tồn thiên nhiên, môi trường sinh thái và nguồn gen sinh vật rừng, rừng đặc dụng Đèo Cả còn có chức năng bảo vệ di tích danh thắng quốc gia núi Đá Bia đã được Bộ Văn hóa  - Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng. 

Trong diện tích 16ha đất thuộc dự án KTKS nêu trên có 15ha rừng đặc dụng đã được Ban quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả ký kết hợp đồng giao khoán cho 11 hộ gia đình ở địa phương đầu tư vốn trồng rừng theo Nghị định của Chính phủ.

Một mảng núi trong vùng quy hoạch rừng đặc dụng Đèo Cả đã bị xẻ nát để khai thác đất.

Thừa biết khu vực Công ty CPTĐ Hải Thạch xác lập dự án khai thác đất chưa có trong quy hoạch khoáng sản, đặc biệt là khu vực này nằm trong rừng đặc dụng Đèo Cả cần phải được bảo tồn, thế nhưng đầu tháng 10-2010 và cuối tháng 1-2011, Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Xây dựng Phú Yên vẫn có văn bản báo cáo và đề nghị để UBND tỉnh Phú Yên ban hành quyết định phê duyệt bổ sung quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2015 và định hướng đến năm 2010, trong đó có mỏ đất tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa nằm trong rừng đặc dụng Đèo Cả. 

Theo Thanh tra Chính phủ, pháp luật không cho phép bổ sung quy hoạch khoáng sản trên diện tích rừng đặc dụng còn có chức năng bảo vệ di tích danh thắng thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản.

Không dừng lại ở đó, khi chưa có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất và sử dụng rừng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng ngày 4-4-2012 UBND tỉnh Phú Yên vẫn ban hành thông báo cho phép Công ty CPTĐ Hải Thạch vừa khai thác mỏ đất vừa hoàn tất thủ tục trong thời gian 30 ngày. 

Mặc dù Chi cục Lâm nghiệp Phú Yên cung cấp văn bản pháp lý về khu vực cấm hoạt động KTKS, nhưng Sở TN-MT Phú Yên vẫn tham mưu để UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy phép KTKS cho Công ty CPĐT Hải Thạch vào ngày 14-11-2012 trên diện tích 16ha ở rừng đặc dụng Đèo Cả với trữ lượng khai thác 642.000m³ trong thời hạn 5 năm 5 tháng. 

Trong quá trình KTKS, Công ty CPTĐ Hải Thạch làm trái với giấy phép KTKS và quyết định của UBND tỉnh Phú Yên ngày 5-9-2012 về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và cải tạo, phục hồi môi trường. 

Sai phạm rõ nét nhất là không thực hiện hình thức khai thác đến đâu hoàn trả lại mặt bằng đến đó, không giữ lại phần đất bóc tầng phủ, khai thác vượt quá độ sâu và trữ lượng quy định, không xác lập và quản lý, lưu trữ bản đồ – bản vẽ hiện trạng từ khi khai mỏ đến khi kết thúc, không lập hồ sơ thiết kế mỏ, không thống kê, kiểm kê, báo cáo trữ lượng khai thác, chưa đóng tiền cấp quyền KTKS… Những hành vi nêu trên đã vi phạm một số quy định tại Luật Đất đai năm 2003, Luật Khoáng sản năm 2010.

Hơn 3 năm kể từ khi Công ty CPTĐ Hải Thạch khai thác mỏ đất ở rừng đặc dụng Đèo Cả, đến ngày 21-7-2015 UBND tỉnh Phú Yên mới ban hành quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng 16ha đất để cho Công ty CPTĐ Hải Thạch thuê đất, trong khi diện tích đất này chưa chuyển mục đích sử dụng rừng, dự án KTKS chưa có trong quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất của huyện và tỉnh. 

Lạ lùng hơn nữa là UBND huyện Đông Hòa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 11 hộ gia đình đã ký kết hợp đồng giao khoán đầu tư trồng rừng với Ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả khi chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận cho Công ty CPĐT Hải Thạch nộp tiền trồng rừng thay thế mà không phải trồng lại cây Sao đen trên diện tích KTKS… 

Những hành vi đó đã vi phạm Luật Đất đai năm 2013, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Bảo vệ và phát triển rừng…

Từ kết quả kiểm tra, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Phú Yên tổ chức thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Thông báo 443/TB-VPCP ngày 20-9-2017 của Văn phòng Chính phủ; giữ nguyên quy hoạch rừng đặc dụng và không được điều chỉnh sang đất khác đối với 16ha đất đã bị KTKS thuộc rừng đăc dụng Đèo Cả ở thôn Hảo Sơn, xã  Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa. 

Công ty CPTĐ Hải Thạch phải thực hiện ngay việc khắc phục hậu quả sai phạm, phục hồi môi trường, trồng lại rừng trên diện tích đã khai thác đất để đảm bảo chức năng bảo vệ di tích danh thắng quốc gia và phải nộp tiền cấp quyền KTKS; kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân gây ra sai phạm theo đúng quy định pháp luật và báo cáo kết quả cho Thủ tướng…

Hữu Toàn
.
.
.