Rừng Tây Nguyên đang thoi thóp vì chảy máu dữ dội

Thứ Sáu, 22/04/2016, 07:08
Đi về những vùng hạn ở Ea Súp, Buôn Đôn, Chư Pưh, Chư Prông, Sa Thầy, Ia HDrai... của các tỉnh Tây Nguyên mùa này khí hậu khắc nghiệt khó tả. Những vùng đất khi xưa ngút ngàn rừng nhưng bây giờ xơ xác.


Bà Rơ Châm HDeo - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Gia Lai, một người con gắn bó mật thiết với buôn làng, núi rừng Tây Nguyên trong bao năm tháng chiến tranh ở chiến trường này xót xa: “Rừng mất gần hết rồi!”. Bà kể, hồi chiến tranh, quân đội Mỹ rải chất độc da cam xuống núi rừng Tây Nguyên để xóa sạch cây rừng, tìm nơi trú ngụ của bộ đội Việt Nam. 

Ấy vậy mà những cây rừng còn sót lại vẫn gượng dậy vươn mình che bóng cho buôn làng... Sau ngày giải phóng, những cánh rừng già vẫn còn khá nhiều ở Tây Nguyên nhưng bây giờ thì đã cạn kiệt. Nắng cao nguyên trút xuống những cánh đồi không bóng cây che đỡ thì không thể đủ lượng nước cứu được cây trồng, đất không thể không hóa bạc...”

Vụ khai thác gỗ trái phép quy mô lớn ở Đắk Nông.

Những điểm rừng cuối cùng ở các Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên trên đất Tây Nguyên và vùng lân cận còn sót lại đang trở thành điểm “nóng” của lâm tặc. Vùng đất KBang, Gia Lai đang bị lâm tặc xâu xé từng ngày. Từ gỗ hương đến gỗ dổi... năm nào lâm tặc cũng tàn sát ở tận rừng sâu. Trong khi đó công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều lỏng lẻo, lâm tặc phá rừng bất chấp và đe dọa, khống chế cả lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ.

Ông Đinh Ích Hiệp - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kbang, Gia Lai cho biết, vụ chống người thi hành công vụ xảy ra ở khoảnh 4, Tiểu khu 94, thuộc rừng phòng hộ do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa quản lý khi phát hiện một nhóm lâm tặc dùng cưa xăng “xẻ thịt” gỗ hương là nghiêm trọng. Năm 2015, Công ty TNHH MTV Krông Pa đã có 104 cây gỗ hương (nhóm I) “biến mất” khỏi rừng lúc nào không biết mà không ai chịu trách nhiệm. Gỗ hương tiền tỷ ở rừng quý Kbang ấy có chủ mà như vô chủ.

Hay vụ ông Tô Văn Quỳ - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm trường Trạm Lập ở xã Sơn Lang (Kbang, Gia Lai), treo cổ tự tử tại chòi rẫy gần trụ sở công ty, để lại nhiều câu hỏi về tình trạng khai thác gỗ trái phép ở đây, với hàng trăm gốc cây gỗ dổi “biến mất” khỏi rừng mà chưa tìm ra thủ phạm. 

Đầu tháng 4-2016, khu vực rừng sản xuất của huyện Kon Plông (Kon Tum) tiếp giáp với huyện Kbang (Gia Lai) lại bị lâm tặc xâu xé ở khu vực cách vị trí chốt liên ngành huyện Kbang (Gia Lai) chừng 2km. Điểm phá rừng ở khu vực Tiểu khu 502 nằm ở vị trí giáp ranh rừng giữa Gia Lai - Kon Tum với nhiều cây gỗ lớn bị lâm tặc đốn hạ xẻ hộp rồi vận chuyển tiêu thụ...

Trong 3 năm thực hiện phương án chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, toàn tỉnh Kon Tum đã phát hiện và xử lý 1.893 vụ vi phạm với 6.382,8m3 gỗ trái phép và 185,6ha rừng bị thiệt hại. Tỉnh Kon Tum cũng thừa nhận việc vi phạm lâm luật còn nhiều, các địa phương chưa quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy ổn định lâu dài cho dân, một số chủ rừng chưa có biện pháp ngăn chặn và xử lý dứt điểm những đối tượng phá rừng ở các khu vực giáp ranh với tỉnh Gia Lai và dọc quốc lộ 24...

Trong khi đó, tình trạng phá rừng ở Đắk Lắk và Đắk Nông cũng phức tạp không kém. Ở Vườn Quốc gia Yok Đôn đã đưa ra con số trong tháng 3-2016, lâm tặc đã đột nhập khai thác trái phép 117 cây gỗ quý như giáng hương, căm xe, cà chít… ở khu vực quản lý của các trạm số 5, 7, 11 và Đrang Phốk, tăng 30 cây so với cùng kỳ năm ngoái.

Vụ phá rừng, khai thác gỗ quy mô lớn ở Đắk Nông với khối lượng thu giữ trên 250m3 tập kết ở địa bàn xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong cũng đang gây bức xúc dư luận. Hàng loạt cán bộ kiểm lâm ở địa phương đang bị tạm đình chỉ công tác để giải trình sự bất minh của hàng trăm mét khối gỗ trái phép tập kết về địa bàn mà không phát hiện kịp thời. Đến khi lực lượng Cảnh sát kinh tế của Bộ Công an vào cuộc thì sự việc mới vỡ lở...

Sự tan hoang của rừng Tây Nguyên không chỉ do sự thiếu trách nhiệm của cấp chính quyền, cơ quan chức năng và lực lượng quản lý bảo vệ rừng mà còn có nguyên do của khe hở pháp lý và cơ chế chính sách trong việc quản lý bảo vệ rừng hiện nay.

Vì vậy, rừng mất từng ngày, nguy cơ hạn hán, bão lũ đang đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống con người, nhưng sự giàu có nhờ rừng chỉ mang lại cho những cá nhân “đặc biệt” mà pháp luật vẫn chưa thể tìm ra tận gốc để tiêu diệt.

Ngọc Như
.
.
.