Rừng pơ mu trăm năm tuổi bị tàn phá tan hoang: Có dấu hiệu bảo kê
- Hiện trường tan hoang rừng pơ mu trăm tuổi bị lâm tặc băm nát
- Vụ phá rừng pơmu ở Quảng Nam: Phát hiện thêm 5 điểm tập kết gỗ lậu
- Bất lực trước rừng pơ mu bị tận diệt
Như CAND đã đưa tin, đầu tháng 7-2016, 280 phách gỗ pơ mu quý hiếm nằm chất đống, ngay gần cột mốc biên giới 717 (giáp ranh giữa huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam và huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào) nhưng cơ quan chức năng không hề hay biết!?… Đây mới chỉ là “khơi mào” cho một sự thật chấn động hơn.
Hàng trăm phách gỗ pơmu được lâm tặc tập kết, đánh dấu chưa kịp vận chuyển ra ngoài |
Phách gỗ pơmu nằm la liệt tại hiện trường. Đây là số gỗ chưa được chuyển ra ngoài |
Vào giữa tháng 7-2016, khi lực lượng Công an và Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam khẩn cấp vào cuộc thì phát hiện không chỉ hàng loạt điểm tập kết gỗ pơ mu bị phát hiện, mà rừng cây pơ mu hàng trăm năm tuổi tại biên giới Việt – Lào đã bị lâm tặc đã đốn hạ tan hoang... Hiện dư luận không thể không đặt câu hỏi “Do quản lý lỏng lẻo, hay ai đã tiếp tay, bảo kê cho lâm tặc phá rừng pơ mu”?!
Trước diễn biến phức tạp của vụ phá rừng chấn động này, ngày 20-7, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam dẫn đầu Đoàn công tác “Kiểm tra hiện trường” đã nhận định: Đây là vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng.
Khu vực rừng bị chặt phá là vùng cấm, nằm trong khu vực biên giới giáp với nước bạn Lào; nhiều nơi cất giữ gỗ chặt phá trái phép nằm trên địa bàn 2 nước Việt Nam (huyện Nam Giang) và Lào (huyện Đắk Chưng, tỉnh Sê Kông); không loại trừ phá rừng có tổ chức, thậm chí xuyên quốc gia…
Rừng pơ mu bị chặt phá với số lượng lớn trong khi tại đây có đầy đủ các cơ quan quản lý và chủ rừng, nhưng các cơ quan quản lý không hề hay biết. Do đó, có thể khẳng định, nguyên nhân dẫn đến vụ phá rừng nghiêm trọng này không loại trừ sự quản lý lỏng lẻo, thậm chí có nghi vấn có tổ chức, cá nhân tiếp tay cho vụ phá rừng…
UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi UBND tỉnh Sê Kông (Lào) đề nghị phối hợp xử lý vụ phá rừng này; đồng thời giao Sở Ngoại vụ liên hệ với phía bạn để thống nhất lực lượng phối hợp xử lý.
Tại hiện trường, từ cột mốc 716, theo lối mòn là đường tuần tra biên giới và cũng là đường lâm tặc vận chuyển gỗ lậu ra ngoài, băng rừng đi bộ khoảng 1 tiếng rưỡi là đến khu rừng Pơmu bị chặt phá.
Ngay trung tâm của rừng pơ mu, nhiều gốc pơmu to cả 2 người ôm với tuổi đời cả trăm năm đã bị lâm tặc đốn hạ bằng cưa máy. Nhiều cây còn ứa nhựa hay vết cưa còn mới. Một cán bộ kiểm lâm cho biết, trong số 60 cây pơ mu vừa được kiểm đếm là chưa hết, còn rất nhiều cây pơ mu khác bị chặt phá nằm ngay sát khu vực nhưng lại thuộc phần đất của nước bạn Lào.
“Khi định vị thì được máy báo đã ở trên nước bạn Lào nên lực lượng chức năng không tiếp tục đo đếm nữa mà phải báo cáo với cấp trên. Bên đó có rất nhiều cây pơ mu cũng bị chặt phá nhưng chưa thể đo đếm được”, cán bộ kiểm lâm này nói.
Một cán bộ đi trong đoàn cho hay, giá gỗ pơ mu ở khu vực này khoảng 18 triệu đồng/m3. Một mét khối pơ mu vận chuyển từ khu vực đốn hạ ra bìa rừng được trả 2,5 triệu đồng. Mỗi khối khoảng 8 phách, mỗi phách nặng từ 60-70kg. Cách vận chuyển là gùi trên lưng theo con đường mòn tuần tra biên giới đi ra ngoài. Trung bình, mỗi ngày 1 người gùi 2 phách ra bìa rừng là kiếm được 600 ngàn đồng.
Theo thống kê của Công an huyện Nam Giang, đến ngày 21-7, tại khu vực giáp giới Việt – Lào (thuộc xã La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) đã kiểm đếm được tổng cộng 60 cây pơ mu bị đốn hạ (chưa kể những cây đã cưa nhưng chưa đổ) với gần 600 phách gỗ pơ mu và một số loại gỗ quý khác có tổng khối lượng hơn 44m3. Với số lượng gỗ pơ mu này để vận chuyển ra ngoài phải tốn rất nhiều thời gian và tiền của.
Trước đó, vào ngày 19-7, Tổng cục Hải quan đã thông tin cho biết: Liên quan tới việc công an phát hiện hơn 100 phách gỗ pơ mu trong khuôn viên trụ sở Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, đã yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Trung Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang.
Hiện Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam đã khởi tố vụ án, đồng thời chuyển hồ sơ cho Công an huyện Nam Giang điều tra theo thẩm quyền.
Một số hình ảnh PV CAND ghi tại hiện trường:
Cây pơ mu này to hơn 1 người ôm, vết cưa còn mới và còn chảy nhựa. Ước tính của kiểm lâm, cây này sống ít nhất cũng đã 50 năm dựa theo thớ gỗ. |
Nhiều phách gỗ pơ mu nằm chắn ngang lối vào khu vực rừng pơ mu bị phá chứng tỏ lâm tặc nghe động nên “bỏ của chạy lấy người” |
Lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam và các ngành chức năng khẩn cấp vào cuộc điều tra vụ phá rừng Pơ mu tại biên giới Việt - Lào. |
Có dấu hiệu tiếp tay cho lâm tặc Theo Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam: Cây Pơ mu là một loài cực kỳ quý hiếm còn sót lại ở khu vực biên giới của Việt - Lào. Lâm tặc phải có sự tiếp tay của nhiều đối tượng, không loại trừ khả năng từ chính người của các cơ quan, đơn vị chức năng đứng phía sau thì mới dám phá rừng như vậy. Vụ phá rừng này lại nằm trên khu vực biên giới với nước bạn Lào, trong vùng cửa khẩu nên việc điều tra phá án khá phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều lực lượng tham gia.
|
Pơ mu thuộc ngành thông, họ hoàng đàn hay họ bách, là một họ thựcvật hạt trần phân bổ rộng khắp trên thế giới. Cây gỗ pơ mu là một loại cây gỗ quý, thân thẳng, tán hình tháp, không có bạnh ở gốc, chiều cao trung bình khoảng 25-30 mét, đường kính từ 1-2 mét. Đặc biệt, pơ mu có vòng đời kéo dài lên đến hàng trăm năm. Tại Việt Nam, cây Ppơ mu không chỉ đặc biệt quý hiếm, mà còn được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là: “Cây di sản của Việt Nam”, có tập trung quần thể nhiều nhất tại một số huyện miền núi tỉnh Quảng Nam… |