Phát hiện nhiều sai phạm trong bảo trì đường bộ ở Hòa Bình

Thứ Hai, 03/02/2020, 08:53
Bộ GTVT vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đối với các quốc lộ được giao quản lý của Sở GTVT tỉnh Hòa Bình. Qua đó, nhiều sai phạm đã được phát hiện.

Sở GTVT Hoà Bình được giao quản lý 3 tuyến quốc lộ và đường 229 với tổng chiều dài 288,54km, công trình cầu trên tuyến là 42 cầu. Phần lớn vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ trên tuyến chưa được chính quyền địa phương phối hợp xử lý dứt điểm. Về công tác quản lý công trình đường bộ, trong công tác bảo dưỡng thường xuyên của hơn 288km quốc lộ, Sở GTVT Hòa Bình cập nhật thông tin chưa đầy đủ trong hồ sơ quản lý. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công công trình thiết yếu chưa đảm bảo quy định đối với 21 trường hợp.

Quốc lộ qua tỉnh Hoà Bình.

Bên cạnh đó, lập, trình, phê duyệt dự toán bảo dưỡng thường xuyên còn có tồn tại, nội dung hợp đồng chưa quy định chặt chẽ, còn thiếu các nội dung về tiêu chí chấm điểm; Công tác nghiệm thu, thanh toán chưa đúng quy định hợp đồng và quy định hiện hành, nghiệm thu chấm điểm chưa đánh giá đúng kết quả thực hiện của đơn vị nhận đặt hàng, nhà thầu thực hiện. 

Qua kiểm tra hiện trường trên một số đoạn tuyến QL12B, QL21, QL70B và đường 229 cho thấy, công tác phát quang, lề đường còn một số vị trí lề cao; một số vị trí lề lún lõm; lề bị xói, mép đường bị hư hỏng. Cùng đó, hệ thống báo hiệu đường bộ có một số đoạn tuyến không có vạch sơn tim đường hoặc vạch sơn tim đường bị mờ; hệ thống cọc tiêu không đồng nhất về độ cao. Tình trạng nền, mặt đường ở một số vị trí mặt đường bị đọng nước; cục bộ xuất hiện ổ gà, mặt đường rạn nứt; mặt đường bẩn.

Đối với công tác sửa chữa đường bộ, kết luận thanh tra cho biết, giai đoạn 2017 - 9-2019, Sở GTVT Hòa Bình tổ chức triển khai thực hiện tổng số 44 dự án sửa chữa công trình đường bộ với tổng giá trị công trình là trên 438 tỷ đồng. 

Trong quá trình thực hiện, Sở GTVT Hòa Bình còn một số tồn tại trong công tác lập, trình, thẩm định phê duyệt dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự toán dẫn đến phê duyệt chưa đúng một số định mức, đơn giá, khối lượng hoặc áp dụng chưa thống nhất hệ số điều chỉnh trong chi phí quản lý dự án, chi phí lập báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc chưa đúng với quyết định phê duyệt dự án của cấp quyết định đầu tư trong công tác đánh giá lựa chọn nhà thầu, dẫn đến nội dung đánh giá hồ sơ mời thầu chưa chặt chẽ và đầy đủ theo quy định. Một số dự án tổ chức nghiệm thu chưa đảm bảo quy trình, nghiệm thu chưa đúng khối lượng. 

Hợp đồng không quy định về khấu trừ kinh phí quản lý nhưng khi nghiệm thu cơ bản tổng điểm chấm đều cao hơn 96 điểm và thanh toán 100% tại hợp đồng nhà thầu. 

Cùng với đó Sở GTVT còn “bỏ qua” khâu rà soát để giảm trừ chi phí vệ sinh, sửa chữa nhỏ mặt đường trong thời gian thi công và bảo hành các dự án sửa chữa trong giai đoạn từ 2018-2020 trên các tuyến  như  Dự án sửa chữa cải tạo cống, sửa chữa cục bộ nền mặt đường đoạn km0+-Km4; Dự án sửa chữa nền mặt đường và bổ sung rãnh thoát nước dọc các đoạn Km8-km10 tuyến C; Dự án sửa chữa hư hỏng nền mặt đường bổ sung rãnh dọc hệ thống ATGT QL12B; QL21…

Theo kết luận thanh tra về xử lý trách nhiệm, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT Hòa Bình tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ, bảo trì công trình đường bộ đối với các quốc lộ được giao quản lý.

Sở GTVT Hoà Bình được yêu cầu thu hồi nộp về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ số tiền trên 217 triệu đồng. Bộ GTVT cũng yêu cầu Sở GTVT Hòa Bình tăng cường chỉ đạo nhà thầu thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên đúng quy định hợp đồng, quy định của pháp luật. Khi kiểm tra, nghiệm thu công tác bảo dưỡng thường xuyên phải xác định cụ thể các lỗi của nhà thầu để đánh giá nghiệm thu, khấu trừ kinh phí theo quy định và yêu cầu nhà thầu khắc phục tồn tại theo quy định hợp đồng. 

Phạm Huyền
.
.
.