Phát hiện hàng loạt sai phạm tại nhiều dự án nạo vét luồng hàng hải

Thứ Sáu, 18/08/2017, 07:53
Chỉ sau 6 tháng tiến hành thanh tra hơn 10 Dự án nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển, kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách Nhà nước trên toàn quốc, đến nay hàng loạt tồn tại, cũng như kẽ hở đã được Thanh tra Bộ GTVT làm rõ.

Điều này cho thấy, nếu không có những quy định, biện pháp siết chặt quản lý, thì sớm hay muộn, việc thất thoát, tham nhũng cũng xảy ra…

Theo quy định hiện hành, đối với các dự án nạo vét luồng kết hợp tận thu sản phẩm không sử dụng vốn ngân sách, nhà đầu tư sẽ tự bỏ tiền để thực hiện nạo vét các tuyến hàng hải ven bờ. Đổi lại, họ sẽ được bán các sản phẩm nạo vét (cát, sỏi) để bù đắp chi phí sau khi đóng thuế tài nguyên. 

Mặc dù khi xin cấp phép, Cục Hàng hải Việt Nam đều viện dẫn lý do “cấp bách”, nhưng tính đến thời điểm Thanh tra Bộ GTVT vào cuộc, có tới 11/12 dự án bị chậm tiến độ từ 1 - 2 năm.

Hình ảnh nạo vét duy tu luồng hàng hải. (Ảnh minh họa)

Theo ghi nhận của Thanh tra Bộ GTVT, Dự án nạo vét luồng vào cảng Cửa Việt (đoạn từ phao P4B đến cảng Cửa Việt và khu neo đậu chuyển tải) do Công ty TNHH Phát triển khoáng sản Duy Tân thực hiện có tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng, theo giấy phép, thời gian thực hiện trong dự án là từ năm 2015 đến quý II-2017, nhưng hiện mới thi công được 12,51% khối lượng; 

Dự án nạo vét, duy tu luồng hàng hải sông Đồng Nai (đoạn từ rạch Ông Nhiêu đến hạ lưu cầu Đồng Nai) do Công ty cổ phần Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước có tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng, sau 2 năm thi công mới đạt 6,7% khối lượng. 

Không chỉ chậm tiến độ, tại các dự án nạo vét luồng do Cục Hàng hải Việt Nam quản lý, tại nhiều địa phương, thậm chí, đã xuất hiện hiện tượng “xí phần”, nhận công trình xong đắp chiếu để đấy như trường hợp Dự án Nạo vét, nâng cấp tuyến luồng hàng hải Lệ Môn - Thanh Hóa có tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng do Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Thăng Long thực hiện; 

Dự án Nạo vét luồng hàng hải sông Thị Vải (đoạn thượng lưu từ Vàm Bà Riêu đến sông Quán Chim) do Công ty TNHH Thương mại Đàn Thành thực hiện. 

“Năng lực hạn chế của các nhà đầu tư là một trong lý do khiến các dự án nạo vét luồng bị chậm tiến độ so với cam kết”, kết luận thanh tra nêu rõ và cho biết thêm: “Các nhà đầu tư đều chưa có kinh nghiệm trong quản lý dự án thi công dự án nạo vét luồng hàng hải. Một số nhà đầu tư có năng lực tài chính còn thiếu so với quy mô dự án; không có hoặc không đủ phương tiện, nhân lực tổ chức thi công như Bình Minh Vàng - Vina (Dự án Nạo vét luồng Cửa Hội - Bến Thuỷ; Duy Tân, Duy Hiền (Dự án Nạo vét luồng Thị Vải): Hải Hưng Thịnh (Dự án Nạo vét luồng sông Đồng Tranh), Hiệp Phước (Dự án Nạo vét luồng sông Đồng Nai)”.

Theo Thanh tra Bộ GTVT, phương án tổ chức thi công trong nhiều hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư có nội dung sơ sài, chung chung; đưa ra phương án sử dụng phương tiện thi công công suất quá nhỏ, phải đưa nhiều phương tiện thi công gây ảnh hưởng đến khai thác luồng, đồng thời năng suất thi công thấp sẽ kéo dài tiến độ thi công gây phức tạp khu vực. 

Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến cát tặc dễ dàng trà trộn khai thác trái phép. Bên cạnh đó, các dự án chưa tính toán, hoặc tính toán chưa đầy đủ hiệu quả kinh tế (chỉ tính chi phí mà không tính toán doanh thu; đưa ra đơn giá thuê phương tiện, đơn giá tiêu thụ sản phẩm tận thu không có căn cứ). 

Trách nhiệm trong việc thẩm định sơ sài nêu trên thuộc trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam. Được biết, kẽ hở tại các dự án nạo vét luồng hàng hải còn xuất phát từ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ GTVT ban hành. 

Hiện Thông tư 25/2013/TT - BGTVT và 28/2015/TT - BGTVT về việc “quy định trình tự, thủ tục thực hiện nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách Nhà nước” còn một số tồn tại, bất cập như: chưa có quy định lựa chọn năng lực nhà đầu tư; chưa có quy định tài chính và đánh giá hiệu quả dự án và chưa quy định phải lắp đặt các thiết bị định vị, camera để phục vụ công tác giám sát thi công…

Trước hàng loạt tồn tại, sai phạm kể trên, lãnh đạo Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức kiểm điểm; rà soát rút kinh nghiệm và khắc phục. 

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam phải sớm có biện pháp khắc phục những tồn tại, sai sót để quản lý và thực hiện các dự án đúng quy định hiện hành. Đối với các dự án hợp đồng đang còn hiệu lực phải xử lý theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GTVT, xử lý phù hợp với mức độ sai phạm đối với các nhà đầu tư, tư vấn có tồn tại, sai phạm.

Đặng Nhật
.
.
.