Hệ lụy từ việc nuôi tôm trái phép tràn lan

Thứ Năm, 30/04/2015, 15:07
Những năm trước đây, nhiều hộ dân ở vùng ven biển các tỉnh Quảng Nam đã không ngần ngại triệt phá những rừng thông phòng hộ ven biển là lá chắn sóng, ngăn gió bão để đào ao nuôi tôm trái phép. Đến khi đất đai hoang hóa, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng thì việc nuôi tôm bị thua lỗ nặng nề.

Vài năm về trước, khi phong trào nuôi tôm phát triển rầm rộ, nhiều hộ dân ven biển của tỉnh Quảng Nam đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tận dụng đất vườn, đất trồng cây lâu năm, đất hoa màu để đào ao hồ nuôi tôm. Hệ lụy là làm nhiễm mặn nguồn nước sinh hoạt của khu dân cư; nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển bị chặt phá để lấy đất đào ao nuôi tôm...

Xin nêu dẫn chứng, như dọc đường Thanh Niên, từ huyện Thăng Bình vào huyện Núi Thành, những cánh rừng thông chắn sóng biển xâm thực, chắn cát lấn làng đã bị đốn hạ; cùng với đó, nạn lấn sông làm hồ nuôi tôm đã thu hẹp nhiều đoạn của dòng sông Trường Giang, gây thay đổi dòng chảy, xói lở bờ sông...

Mặc dù cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với các địa phương nhiều lần tổ chức kiểm tra, tịch thu các phương tiện làm hồ nuôi tôm trái phép, xử phạt hành chính người vi phạm nhưng vẫn không ngăn chặn triệt để. Chỉ cần một đêm, sáng ra vườn nhà đã thành hồ nuôi tôm.

Nhiều hồ nuôi tôm khô cạn, tôm ế hàng loạt.

Tại xã Bình Hải có con đê dài hơn 1km tồn tại từ lâu đời, chắn cát, chắn sóng, gió bão đã bị người nuôi tôm phá nhiều đoạn… Tại xã Tam Tiến, chính quyền xã cho biết, có lúc số người đào ao nuôi tôm trái phép ở địa phương lên đến 225 hộ, với diện tích gần 20ha. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Nam, cách đây 1 năm, diện tích nuôi tôm trái phép ở hai huyện Núi Thành và Thăng Bình đã lên đến 222ha, với hàng trăm hộ nuôi…

Nhưng, việc “đổi đời” từ nuôi tôm trái phép không như mong muốn, khi rừng phòng hộ ven biển bị tàn phá; sông, hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng đã khiến tôm chết hàng loạt. Ông Nguyễn Cường, ở xã Tam Hiệp, Núi Thành, cho biết, dành dụm vốn liếng nuôi 15 sào hồ tôm. Nay tôm chết hàng loạt, đành bỏ hồ không, gia đình nợ nần chồng chất.

Anh Phạm Văn Minh ở xã Tam Phú, nói như mếu: “Gia đình tui lập nghiệp ở Tây Nguyên đang yên lành, nghe quê nhà nuôi tôm phát giàu, thế là quay về gom trên trăm triệu mua 2 hồ tôm. Qua 2 năm nuôi tôm, vốn liếng bay sạch, lại còn nợ ngân hàng trên 50 triệu đồng”…

Dọc theo con đường nắng chói chang ven biển, đến khu làng nào chúng tôi cũng nghe những tâm sự chát đắng của bà con nuôi tôm; chứng kiến hàng trăm hồ nuôi tôm bỏ hoang, trơ đáy. Nguyên nhân dẫn đến người nuôi tôm lâm nợ khốn khó, chủ yếu do “bí” đầu ra, tôm bị tư thương ép giá. Đặc biệt, nguồn nước bị ô nhiễm nặng khiến tôm chết hàng loạt.

Ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, địa phương có gần 300 hộ thả nuôi cả ngàn ao tôm thừa nhận rằng, tại các hồ nuôi tôm dọc sông Trường Giang, người nuôi tôm cứ vài ngày thay nước là xả nước ra sông và bơm nước từ sông trở lại. Trong khi đó, nước trong hồ cùng các loại hóa chất và các chất cặn bã trong thức ăn của tôm được xả thẳng ra sông. Sau khi hòa vào nước triều lên lại được bơm trở lại ao tôm khiến tôm thường xuyên bị dịch bệnh.

Ông Giúp khẳng định: “Việc xả nước thải trực tiếp từ ao tôm ra sông khiến nước sông bị ô nhiễm ở mức đáng báo động. Chất thải từ ao tôm chắc chắn sẽ thấm xuống đất, người dân địa phương chính là người sử dụng nguồn nước bị ảnh hưởng đầu tiên”.

Có một thực tế chua chát là không chỉ người nuôi tôm mà cả người bán thức ăn cho tôm đều ôm nợ. Có người mắc nợ trên cả tỉ đồng, có đại lý phải ôm nợ đến trên trăm tỉ đồng. Thống kê sơ bộ của Phòng Kinh tế huyện Núi Thành cho thấy, số nợ từ khoản vay của người nuôi tôm từ các ngân hàng ước tính đã lên đến trên 30 tỷ đồng. Đó là chưa kể khoản vay mượn từ các nguồn khác…

Thành Nhân
.
.
.