Những công trình trăm tỷ thiết kế theo kiểu “trời ơi”

Thứ Năm, 22/04/2021, 09:13
Đắk Nông đang bước vào mùa khô, những ngày này, khu vực xã biên giới Đắk Ngo, huyện Tuy Đức nắng khô khốc, chỉ có những cơn gió chướng cuốn theo bụi đường đỏ quạch.


Anh Phan Xuân Thủy (một người dân sinh sống tại xã Đắk Ngo) cho biết: “Hằng năm, cứ bước vào đầu mùa khô thì người dân nơi đây lại thiếu nước tưới cho cây trồng trầm trọng. Nhiều diện tích cà phê, điều... đã bắt đầu bị cháy khô. Hàng trăm hécta lúa của bà con không canh tác được, ruộng đồng bỏ hoang chỉ để chăn trâu, thả bò”.

Theo chính quyền xã Đắk Ngo, 100% người dân của xã là dân kinh tế mới nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hồng (trú xã Đắk Ngo) cho hay: “Hơn bao giờ hết, người dân nơi đây vẫn trông ngóng hồ thuỷ lợi Đắk Ngo hoàn thành để có nước tưới tiêu. Bà con đã chờ đợi gần 10 năm nay rồi, nếu có nước tưới thì cuộc sống người dân sẽ “thay da đổi thịt” ngay”.

Kênh công trình thủy lợi Suối Đá, huyện Đắk Glong thiết kế thấp nên không dẫn được nước vào ruộng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hồ thuỷ lợi mà bà Hồng cũng như hàng nghìn hộ dân của xã vùng sâu Đắk Ngo mong ngóng chính là công trình thuỷ lợi Đắk Ngo. Thấu hiểu được nỗi khổ của người dân nơi đây, đầu năm 2012, UBND tỉnh Đắk Nông đã có quyết định cho xây dựng hồ thuỷ lợi Đắk Ngo với số vốn lên đến hơn 130 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là sau khi hoàn thành sẽ cung cấp nước tưới tiêu cho hơn 200ha cà phê, hoa màu và 250ha lúa của người dân quanh vùng.

Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát, thiết kế chọn địa điểm để xây dựng công trình này, chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án huyện Tuy Đức) lại chọn nơi không có đất canh tác, không có ruộng lúa nước để xây dựng. Không chỉ vậy, trong quá trình thi công, chủ đầu tư cũng như nhà thầu thi công đã để xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. Liên quan đến những sai phạm này, Công an tỉnh Đắk Nông đã vào cuộc điều tra và khởi tố hàng loạt người liên quan, như: Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Tuy Đức, Giám đốc, Phó Giám đốc nhà thầu thi công...

Một công trình thuỷ lợi khác cũng đang gây xôn xao dư luận tại tỉnh này là công trình thuỷ lợi Suối Đá tại xã Quảng Hoà, huyện Đắk Glong. Công trình được xây dựng với số vốn hơn 90 tỷ, do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành vào ngày 31/3/2021, mục đích tưới tiêu cho hơn 1.000ha cây nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho 1.750 hộ dân trong khu vực. Tuy nhiên, theo kiểm tra mới đây của UBND tỉnh Đắk Nông, công trình này đã được thiết kế xây dựng một số hạng mục “không giống ai”.

Trao đổi với phóng viên, anh Tráng A Tống (trú tại thôn 12, xã Quảng Hòa) cho biết, tuyến kênh không thể cung cấp nước đến tận ruộng của người dân bởi kênh được đặt sâu dưới lòng đất, thấp hơn mặt ruộng. 

“Những năm trước, khi còn con kênh cũ, miệng kênh luôn cao hơn mặt ruộng, nước từ hồ chứa dẫn về là đổ trực tiếp vào ruộng. Tuy nhiên, gần 3 năm nay, khi thi công công trình thủy lợi Suối Đá, kênh lại được đặt dưới lòng đất, thấp hơn 3m so với mặt ruộng nên nước không chảy vào được. Cả cánh đồng rộng gần chục hécta gần như bị bỏ hoang vì nước không thể dẫn về”, anh Tống nói.

Lãnh đạo UBND huyện Đắk Glong cho biết: “Chúng tôi cũng đã làm việc với chủ đầu tư, họ cho rằng đây là hệ thống dẫn nước chứ không phải kênh dẫn nước. Nước sẽ được dẫn về nơi tập trung, sau đó người dân sẽ tự lấy nước về ruộng của mình. Tức là không còn hệ thống mương dẫn xương cá như trước đây nữa”. 

Theo như lời lý giải của vị lãnh đạo này thì việc thiết kế, làm kênh chỉ để mục đích duy nhất là dẫn nước từ hồ chứa về chỗ tập trung, còn nước có vào được ruộng của bà con thì bà con phải tự xoay xở.

Ngoài công trình thuỷ lợi trên, một công trình thuỷ lợi khác cũng đang gây bức xúc cho người dân. Đó là dự án nâng cấp công trình thủy lợi phòng chống hạn hán trên địa bàn xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô. Công trình này có tổng mức vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Đường Việt tư vấn thiết kế và Công ty cổ phần Xây dựng Đắk Lắk thi công. Giai đoạn 1, công trình được bố trí 166 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và các nguồn vốn khác. 

Theo dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành 12/2020 với mục đích tưới tiêu cho hàng nghìn hécta lúa nước trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay công trình này không chỉ chậm tiến độ, mà một số hạng mục thi công không đúng như thiết kế, dẫn đến nhiều diện tích lúa nước của người dân không thể có nước để tưới tiêu. 

Qua kiểm tra của ngành chức năng cho thấy, tại trạm bơm số 1, dù có 2 máy bơm nhưng chỉ chạy được 1 máy (thiếu khoảng 40% nước); trạm bơm số 3 cũng chỉ chạy được 1 máy (thiếu khoảng 50% nước). Nguyên nhân được xác định là trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi công suất của máy bơm khiến trạm biến áp không đủ công suất để cung cấp nguồn điện. Chính sự thay đổi thiết kế này dẫn đến hơn 30% diện tích lúa nước của người dân bị ảnh hưởng, không thể có nước để tưới tiêu...

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND tỉnh đã thành lập đoàn đi kiểm tra và thực tế cho thấy những công trình này còn quá nhiều bất cập trong quá trình thi công. 

“Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư phải sớm rà soát, khắc phục những bất cập trong thiết kế, thi công tại các công trình. Việc này phải làm ngay để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho người dân nhưng bên cạnh đó, việc khắc phục những bất cập này phải đảm bảo tính bền vững của công trình, không vì nóng vội mà để xảy ra sai sót. Nếu đơn vị nào để xảy ra sai phạm sẽ xử lý nghiêm”, ông Yên nhấn mạnh.

Văn Thành
.
.
.