Nhức nhối nạn quấy rối tình dục trên mạng

Chủ Nhật, 12/07/2020, 13:01
Trong thời đại công nghệ 4.0, không thể phủ nhận rằng Internet đem đến cho con người vô số tiện ích như: cung cấp thông tin, chia sẻ, kết nối,… Nhưng chính trên môi trường này lại tiềm tàng nhiều mối nguy hiểm, xuất hiện các dạng tội phạm mới, trong đó có quấy rối tình dục.

Không gian mạng nói chung hay mạng xã hội nói riêng chính là “mảnh đất màu mỡ” của những kẻ quấy rối tình dục. Bởi chỉ cần một tài khoản giả hoặc một lí do nghe có vẻ hợp lí khi có người tố giác là “bị hack nick”, những kẻ này sẽ ngang nhiên thực hiện hành vi xấu xa.

Tin nhắn đồi bại, cuộc gọi bất ngờ

Nạn nhân của việc quấy rối trên mạng hầu hết là các cô gái trẻ. Họ bị các đối tượng xấu tiếp cận với cách thức khá giống nhau như: lân la bắt chuyện, làm quen, sau đó là lời nói thô tục và thậm chí gửi clip đồi truỵ, gọi điện “show hàng”.

Ngọc (SN 1997, Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự việc xảy ra rạng sáng 4/7. Từ đầu tháng hai năm nay, qua mạng xã hội Instagram, cô luôn nhận được những icon, lời chào đến từ một tài khoản ảo tên Tuan. Tuy nhiên, Ngọc không hồi đáp lại bởi cho rằng đây là người lạ, chưa gặp ngoài đời bao giờ.

Tối 3/7, tài khoản trên có gọi video cho Ngọc nhiều lần. Mặc dù cô nhắn lại hỏi “Ai thế? Người đâu mà vô duyên, quen biết gì gọi miết” nhưng hắn không trả lời và tiếp tục gọi. Cuối cùng, Ngọc quyết định ấn nghe để xem rốt cuộc người này là ai cũng như muốn chấm dứt sự đeo bám dai dẳng. Ngay khi màn hình hiện lên, Ngọc giật mình và ném điện thoại ra xa. Trên điện thoại cô lúc này là hành động thủ dâm của tài khoản tên Tuan.

Cuộc gọi “show hàng” của tài khoản Tuan do bạn cùng phòng Ngọc quay lại.

Những người bạn cùng phòng của Ngọc đã nhanh chóng quay lại sự việc và nói với kẻ biến thái rằng sẽ đem clip đến trình báo Công an. Vậy mà hắn chẳng hề sợ hãi, thản nhiên thực hiện hành vi đáng ghê tởm của mình.

 Khi cuộc gọi vừa kết thúc, cô nhắn tin yêu cầu Tuan chấm dứt ngay hành động trên và đừng bao giờ làm phiền đến cô. Tưởng chừng mọi chuyện đã kết thúc nhưng ngày hôm sau kẻ quấy rối tiếp tục gửi tin nhắn đến cho cô với nội dung “xin chào”. Quá hoảng sợ, Ngọc lập tức block (chặn) tài khoản này.

“Trôi qua được mấy ngày nhưng mình vẫn thấy hoang mang. Dù biết trên mạng là ảo nhưng bây giờ ra ngoài đường mình luôn rơi vào tình trạng bất an và lo lắng có ai bám theo mình”, Ngọc chia sẻ.

Gần giống với kịch bản của Ngọc, PV đã tìm đến Ánh (SN 2001, Hà Nội) – người đã dám “đứng lên” tố cáo Mạnh, một du học sinh Hà Lan.

Sáng 14/2/2020, lúc ngủ dậy Ánh nhận được thông báo một tài khoản tên Mạnh đã có những bình luận khiếm nhã, mang tính tình dục vào trang cá nhân của cô trên Instagram. Quá bức xúc, Ánh lần đầu trả lời tin nhắn, cô yêu cầu Mạnh xin lỗi đồng thời dừng lại việc này. 

Tuy nhiên, anh ta đáp lại bằng thái độ cợt nhả và gửi kèm một clip sex. Sau một hồi tìm hiểu, Ánh phát hiện từ năm 2019 Mạnh đã dùng tài khoản thật trên Facebook để liên tục nhắn tin làm quen nhưng không được cô trả lời.

Khi Ánh quyết định đăng tải sự việc này lên Facebook, Mạnh biện minh rằng “đây không phải là mình” hay “bị hack nick”. Người này bắt Ánh phải gỡ bài viết xuống nhưng cô không đồng ý. Sau vụ việc, tài khoản của Ánh bị “đánh sập” và biến mất.

“Lúc mình công khai câu chuyện quấy rồi tình dục qua mạng, mình nhận được nhiều tin nhắn đến từ các bạn từng là nạn nhân của Mạnh. Hình thức quấy rối họ cũng giống như mình, rất dai dẳng và đeo bám”, Ánh kể.

Lên tiếng để chấm dứt

Những ngày đầu đăng tải, Ánh luôn rơi vào trạng thái mệt mỏi. Bởi ngay cả gia đình Mạnh lúc biết chuyện lại cho rằng cô muốn tống tiền, lừa đảo. Ánh còn phải nhận một số bình luận tiêu cực như “hám fame” hay “cố tình làm to chuyện”,….

Theo luật sư Ngô Quang Thắng, Công ty luật TNHH Davilaw cho biết tuỳ theo tính chất, mức độ, hành vi quấy rồi tính dục qua mạng có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt hành chính, căn cứ điểm g khoảng 3 Điều 102 nghị định 15/CP ngày 3/2/2020 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

 Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Ngoài ra, hành vi quấy rối, làm phiền người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017) hoặc vu khống người khác (Điều 156 BLHS).

Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Phạm tội 02 lần trở lên; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.

Về phía Ánh, sau khi thu thập đủ bằng chứng, cô và bố mẹ đã nhờ đến sự giúp đỡ, tư vấn của luật sư để làm đơn tố cáo. Mạnh cũng thừa nhận toàn bộ hành động do mình gây ra. Đồng thời anh cùng gia đình đã công khai xin lỗi Ánh cũng như các nạn nhân trước đó.

Thêm nữa gia đình anh phải kí cam kết rằng nếu Mạnh còn tái diễn sự việc trên sẽ lập tức bị trục xuất về nước và chịu sự xử lý của pháp luật.

“Mình lên tiếng mạnh mẽ như vậy chỉ mong Mạnh công khai nhận lỗi và chấm dứt mọi hành động quấy rối phụ nữ”, Ánh chia sẻ.

* Tên các nhân vật đã được thay đổi.

Nguyễn My
.
.
.