Nhức nhối nạn ô nhiễm tiếng ồn

Thứ Bảy, 03/09/2016, 11:38
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đã và đang trở nên phổ biến trên địa bàn tỉnh Bình Định; thực trạng này gây tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt của nhiều người dân. Trong khi đó, chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan chưa có biện pháp hiệu quả để kiểm tra, xử lý.


Ồn từ thành phố đến thôn quê

Gần đây, trên địa bàn TP Quy Nhơn nở rộ tình trạng nhiều cửa hàng kinh doanh, mua bán điện máy, điện thoại di động, quần áo… đua nhau mở thông tin quảng cáo, khuyến mại và nhạc với công suất âm thanh cực lớn để thu hút sự chú ý của khách hàng. 

Trong đó, đáng kể nhất là các cửa hàng thuộc hệ thống Thế Giới Di Động, Viễn Thông A, Điện Máy Xanh, VinPro+… nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Những cửa hàng này bố trí dàn loa hướng thẳng ra đường, phát ra âm thanh cực đại, dội đến tức ngực, nhất là vào thời điểm từ 4h chiều trở đi.

Một người dân có nhà ở đường Trần Hưng Đạo - đoạn gần cửa hàng Viễn Thông A, tọa lạc tại số 438 Trần Hưng Đạo, than thở: “Cửa hàng đang có chương trình bán hàng khuyến mại, hằng ngày mở âm thanh quảng cáo sản phẩm và nhạc với âm lượng rất lớn khiến người dân không thể nào nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả. Thậm chí, một gia đình có cụ già vì không chịu nổi tiếng ồn nên phải “di tản” đến nơi khác”.

Các cửa hàng điện thoại, điện máy, shop quần áo thường đặt loa hướng ra đường, mở nhạc với âm thanh lớn để thu hút khách hàng.

Ngoài ra, trên các tuyến đường như: Nguyễn Thái Học, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, nhiều cửa hàng mua bán điện máy, điện thoại, shop quần áo, kinh doanh cà phê giải khát… cũng đua nhau mở những loại nhạc sôi động, âm thanh ầm ĩ, chát chúa. Bên cạnh đó, tại các quán nhậu trên đường Xuân Diệu, Hoa Lư, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Tất Thành…, vào buổi tối, “các ban nhạc kẹo kéo” thường xuyên “trình diễn” những ca khúc sôi động, ồn ào. 

Thực trạng này khiến mức độ ô nhiễm tiếng ồn tại nội thành Quy Nhơn trở nên nghiêm trọng; người dân thường xuyên căng mình chịu đựng “dàn hợp xướng” âm thanh xập xình, hổ lốn.

Tương tự, tại địa bàn thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát), thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ), phường Bình Định (thị xã An Nhơn), tình trạng tiếng ồn phát ra từ các cửa hàng mua bán điện thoại thuộc hệ thống Thế Giới Di Động; các điểm kinh doanh điện máy; xe máy; shop quần áo… cũng trở nên phổ biến và nghiêm trọng, gây nhiều tác động tiêu cực đến đời sống của nhiều người dân.

Còn tại khối 4 và khối Liêm Bình, thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn), các quán cà phê Nhật Mỹ, RuBi, New HP kinh doanh dịch vụ “nhạc sống”, “hát với nhau” thường xuyên mở nhạc có âm thanh lớn, gây ồn ào, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập của người dân và các cháu học sinh ở khu vực xung quanh.

Cần biện pháp kiểm tra, xử lý hiệu quả

Mức độ tiếng ồn đã và đang ngày càng phổ biến, nghiêm trọng, nhưng qua làm việc với UBND các xã, phường, thị trấn - những nơi có tình trạng tiếng ồn, hầu hết các địa phương đều “than” khó xử lý. Bởi khi nghe âm thanh bằng tai, tiếng ồn gây bức xúc, khó chịu cho nhiều người; nhưng nếu cơ quan chuyên môn kiểm tra, tiến hành đo mà tiếng ồn nằm trong mức quy định cho phép thì không thể xử phạt. Thậm chí, khi xác định các đơn vị gây tiếng ồn vượt mức quy định cho phép, việc xử lý cũng phải theo… quy trình.

Ông Nguyễn Lương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bồng Sơn, cho biết: “Địa phương đã nhận được kết quả ban đầu từ Trung tâm Quan trắc môi trường về mức độ ồn từ các quán cà phê kinh doanh dịch vụ “nhạc sống”, các quán đều có tiếng ồn vượt mức quy định cho phép trong khoảng dưới 5dBA. Tuy nhiên, xử lý như thế nào thì UBND thị trấn phải báo cáo cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, UBND huyện để xin ý kiến chỉ đạo cụ thể”.

Liên quan đến việc kiểm tra, xử lý tiếng ồn, ông Nguyễn Khắc Minh, Phó trưởng Phòng TN-MT TP Quy Nhơn, cho rằng: Đối với các cửa hàng mua bán điện máy, điện thoại mở nhạc gây tiếng ồn, chủ yếu UBND các phường kiểm tra, nhắc nhở là chính; còn việc xử lý, xử phạt thì phải có cơ quan chuyên môn thực hiện đo mức độ tiếng ồn.

Ông Lê Anh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết thêm: “Việc kiểm tra mức độ âm thanh gây tiếng ồn tại các cửa hàng kinh doanh mặt hàng điện tử viễn thông gặp nhiều khó khăn, bởi họ thường điều chỉnh cường độ âm thanh khi có đoàn kiểm tra. Sau khi kiểm tra cũng chỉ dừng ở việc vận động, nhắc nhở các đơn vị mở âm thanh vừa phải, đúng quy định trong quá trình hoạt động”.

Còn theo bà Hà Thị Thanh Hương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - thuộc Sở TN-MT Bình Định thì: Theo quy định, các cơ sở kinh doanh mặt hàng điện máy, điện tử, điện thoại di động không bắt buộc phải có hồ sơ bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quá trình hoạt động phải tuân thủ các quy định của pháp luật và phải đảm bảo an ninh, trật tự. 

Trước thực trạng nhiều cửa hàng mở nhạc gây ồn như hiện nay, sắp tới, Chi cục sẽ có văn bản đề nghị UBND TP Quy Nhơn và các địa phương tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn kiểm tra đột xuất mức độ tiếng ồn tại các cửa hàng để có cơ sở xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Hoàng Nguyên
.
.
.