Nhập vai để điều tra than “thổ phỉ”

Thứ Năm, 03/11/2016, 10:38
Cách đây tròn 13 năm, tôi và nhà báo Cao Hồng được tòa soạn cử đi Quảng Ninh điều tra viết bài về việc khai thác than “thổ phỉ” tại xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí (nay là TP Uông Bí). 13 năm sau, cũng từ đơn phản ánh của người dân, tòa soạn lại phân công tôi và phóng viên Việt Hà đi điều tra điểm khai thác than trái phép ở phường Hà Tu, TP Hạ Long.

Nếu nói phóng viên điều tra là một nghề nguy hiểm thì quả không có gì sai, nhất là khi phóng viên phải xâm nhập vào các điểm khai thác than trái phép đang rất “nóng” ở vùng mỏ. Và cả hai lần xâm nhập này, chúng tôi đều trải qua 2 lần đóng vai sinh động. Thành quả thu được là những bài báo có hiệu ứng xã hội, được chính quyền địa phương vào cuộc nhanh chóng.

3 năm trước, điểm khai thác than trái phép ở xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí do một người còn khá trẻ đứng ra thuê nhân công ở các miền quê, mang theo máy xúc, ôtô lên cánh rừng đại ngàn phía sau di tích Yên Tử để mở  đường lò ăn sâu vào núi đào than. Than kiếm được nhiều vô kể, mang xuống chân núi tập kết, cho lên ôtô để chở ra ngoài. Việc làm này không chỉ đánh cắp tài nguyên mà còn phá hủy môi trường sinh thái, đe dọa đến vùng đệm bảo vệ của Di tích Yên Tử, gây bức xúc trong dư luận.

Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là làm thế nào để đi vào rừng mà không bị phát hiện vì theo nguồn tin của người dân thì chủ lò than đã thuê người cảnh giới, nếu có sự xuất hiện của chúng tôi ở đây, chắc chắn họ sẽ để ý. Vì xác định chuyến đi này có thể phải ở trong rừng cả tuần nên chúng tôi chuẩn bị điện thoại, pin, máy ảnh khá cẩn thận.

Từ huyện Đông Triều, chúng tôi đi nhờ một chiếc xe chở than để vào Thượng Yên Công. Anh tài xế đương nhiên rất tò mò muốn biết hai người phụ nữ này vào “rừng sâu núi thẳm” đó làm gì? Chúng tôi nói mình đi làm Ôsin, ban đầu anh này không tin lắm, nhưng thấy mỗi người đem theo một tay nải quần áo thì không hỏi gì nữa. Chiếc xe bò trên con đường độc đạo chỉ có xe chở than đi qua, cua dốc và xóc đến mức ruột gan lộn hết cả lên.

Tới nơi trời tối sẫm, chỉ có một vài bóng đèn leo lét của mấy quán ăn phục vụ cửu vạn và công nhân của một xí nghiệp than Quân đội đóng gần đấy. Chúng tôi được nhận vào làm phục vụ tại một quán cơm.

Phóng viên Báo CAND trong một lần tác nghiệp tại vùng than Quảng Ninh.

Công việc hàng ngày là bưng bê, dọn dẹp, rửa bát trong điều kiện không có điện sinh hoạt, không sóng điện thoại. Vốn không quen làm Ôsin nên chúng tôi khá vất vả, phóng viên Cao Hồng còn lóng ngóng đánh vỡ cả phích nước. Chẳng hiểu cánh cửu vạn và công nhân, lái xe rỉ nhau thế nào mà quán đông khách đột ngột, họ đến ăn cơm nhưng cứ nhìn ngó chúng tôi, thậm chí còn trêu ghẹo.

Làm ở quán cơm được 3 ngày, chúng tôi bắt đầu tìm đường lên lò than. Từ chỗ chúng tôi ở, nhìn lên cánh rừng đối diện chỉ thấy lấp loáng một tia sáng nhỏ từ cửa lò phát ra. Làm thế nào để lên được đó chẳng khác gì đánh đố với 2 phóng viên nữ…

Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được người dẫn đường. Trong bộ quần áo công nhân như người lên rừng kiếm củi, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình. Đường đến lò than đi qua nhiều dãy núi cao, có lúc tưởng chừng không leo được nữa, tim thắt lại, mồ hôi đầm đìa. Nhưng bóng chiều sập xuống rất nhanh, buộc chúng tôi leo mà như chạy.

Cuối cùng, tiếng máy nổ cũng vang tới. Cửa lò xuất hiện, huyên náo cả một khoảng rừng. Cửu vạn đội than từ cửa lò đi ra, lán trại quanh đó người ra, kẻ vào. Cả quá trình đào bới, vận chuyển than được chúng tôi ghi lại. Than tập kết ở bãi dưới chân núi. Đằng sau mỗi xe ôtô chở than đều được buộc cành cây để đi đến đâu quét hết dấu vết tới đó.

Năm ngày nhập vai trong rừng không sóng điện thoại, gia đình chúng tôi đã lo lắng biết chừng nào. Khi ra tới ngoài an toàn, liên lạc về nhà, đứa con nhỏ của tôi òa khóc. Sau khi Báo CAND đăng bài điều tra của chúng tôi, UBND thị xã Uông Bí đã thành lập tổ kiểm tra liên ngành, huy động lực lượng, phương tiện vào tận nơi lò than trái phép này hoạt động kiểm tra, đánh sập các cửa lò.

Đầu năm 2016, tôi và phóng viên Việt Hà lại nhận nhiệm vụ đến phường Hà Tu, TP Hạ Long để điều tra điểm tái khai thác than trái phép. Ở vụ việc này, người dân tố cáo lo sợ bị trả thù nên đã không dám giúp đỡ phóng viên tiếp cận hiện trường. Việc hai phụ nữ đi xe biển số lạ xuất hiện ở khu vực đó cũng là một trở ngại và sự chú ý của các “chim lợn”. Chính vì thế chúng tôi chọn làm những người đi buôn đất để tiếp cận người nhà dân bị ảnh hưởng nứt nhà bởi điểm khai thác than này.

Người dân mất niềm tin vào cách xử lý của chính quyền nên ban đầu họ cảnh giác. Khi biết chúng tôi là nhà báo thì họ rất vui mừng vì ở nơi được cho là “khỉ ho cò gáy” này, có nhà báo tới điều tra giúp dân, họ đặt rất nhiều niềm tin. Dù cung cấp khá đầy đủ, dẫn chúng tôi đi chỉ từng vết nứt trong nhà, trên tường nhưng mặt khác họ luôn lo sợ “nhà báo đừng nói tôi cung cấp nhé. Họ mà biết là chúng tôi không sống yên được ở đây đâu”.

Khi 2 kỳ báo đăng tải, tôi nhận được điện thoại cảm ơn của nhân dân. Họ nói rằng, ngay khi báo đăng, chính quyền địa phương mang phương tiện vào kiểm tra, phá hết tường rào bao bọc xung quanh khu vực để nhân dân dễ dàng giám sát. Tuy nhiên, bên niềm phấn khởi đó thì lo lắng cũng đan xen bởi họ nhận được những cuộc điện thoại đe dọa. Chúng tôi vẫn luôn theo dõi tiến trình “hậu” của bài báo để có tiếng nói giúp nhân dân trong trường hợp họ bị những kẻ nặc danh đe dọa.

Trần Hằng
.
.
.