Thừa Thiên - Huế tiếp nhận nhiều đơn tố cáo công ty Thiên Ngọc Minh Uy

Chủ Nhật, 10/04/2016, 18:59
Với các chiêu thức đánh vào lòng tham như “kinh doanh lãi suất cao”, “không làm gì cũng có tiền”, không ít người dân ở tỉnh Thừa Thiên- Huế đã sập bẫy góp vốn từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng vào các công ty đa cấp. Hậu quả là nhiều người phải gánh một khoản nợ lớn do vay mượn, thế chấp tài sản để lao vào đa cấp...


Hiện nay, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiếp nhận hàng loạt đơn tố cáo liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy (trụ sở chính tại TP Hà Nội và 3 cơ sở ở Huế) có dấu hiệu lừa đảo khi công ty này đã mời người dân tham gia dịch vụ khám chữa bệnh bằng hình thức huy động vốn. 

Theo đó, sau khi đóng vào số tiền 11,8 triệu đồng, khách hàng sẽ được cấp một mã nhận hàng; hoặc được sử dụng dịch vụ massage 4 lần/tháng và kéo dài trong 3 tháng. Sau 2 năm, người nộp số tiền sẽ nhận được lãi suất “khủng” 200% là 25 triệu đồng và nhận được 1 triệu đồng, nếu mời được một người khác tham gia…

Vì hám lãi suất cao nên đã có hàng trăm người ở tỉnh Thừa Thiên - Huế tham gia vào mạng lưới của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy với số tiền đóng vào từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng. Bà Đào N.H., một nạn nhân của Công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy cho biết, qua lời giới thiệu “hấp dẫn” của một người bạn, bà H. đã vay mượn tiền để đóng vào công ty này 220 triệu đồng.
  
Một cơ sở của Công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy ở TP Huế.

“Sau khi đóng tiền, tôi được công ty tặng 3 hộp thuốc Hoàng Sào, một bộ áo ngực, một máy rửa rau quả. Cứ tưởng số quà này được phía công ty tặng nên tôi đưa về sử dụng. Thế nhưng, khi tôi có ý định rút tiền đặt cọc ra thì công ty bảo tôi đã sử dụng quà, phải trả 120 triệu đồng cho số sản phẩm trên nên đến nay vẫn chưa thu lại số tiền đã góp”, bà H. bức xúc.

Qua tìm hiểu được biết, bà H chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân của Công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy. Ngoài công ty này, hiện ở Thừa Thiên - Huế xuất hiện nhiều công ty đa cấp hoạt động dưới hình thức chào mời khách hàng tham gia nộp tiền huy động vốn với lãi suất cao. 

Điển hình như đầu năm 2016, Công ty TNHH Đầu tư thương mại TT (trụ sở tại Hà Nội) tổ chức hội nghị khai trương chi nhánh ở một khách sạn 5 sao của TP Huế.

Với chiêu bài “không làm gì cũng có tiền”, “góp vốn nhận lãi khủng” nên chỉ sau một thời gian ngắn, công ty này huy động được gần 1.000 người tham gia góp vốn với số tiền nhiều tỷ đồng, mức chia lợi nhuận theo ngày với tỉ lệ: 25 triệu đồng được chia lợi nhuận 3%; 50 triệu đồng được chia lợi nhuận 5%; mức đầu tư 100 triệu đồng được chia lợi nhuận 7%... 

Theo lũy kế này, nếu người hợp tác đóng 100 triệu đồng, ngoài phần trả hoa hồng thì mỗi ngày sẽ lãi 300.000 đồng, mỗi tháng 9 triệu đồng, 12 tháng được 108 triệu đồng và sau 3 năm sẽ nhận được 324 triệu đồng. Vì muốn lãi suất cao nên nhiều người ở TP Huế đã cố vay mượn tiền bạc để nộp vào Công ty TNHH Đầu tư thương mại TT và kết cục phải nhận “quả đắng”.

Vì tin vào lợi nhuận khủng như thế này của Công ty TT mà nhiều người dân ở Huế phải ôm nợ.

Bà Nguyễn T.T. (ở TP Huế), một nạn nhân của Công ty đa cấp TT cho biết, do được nhân viên Công ty TT giới thiệu công ty đang huy động vốn để xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng trị giá hàng ngàn tỷ đồng, chỉ cần đóng vào 5 triệu đồng sẽ trở thành “nhà đầu tư” nên bà T đã trực tiếp đóng 150 triệu đồng, với hy vọng “đổi đời”. 

Bà T. còn huy động hơn 60 người thân, bạn bè cùng tham gia hùn vốn vào công ty này với số tiền hàng trăm triệu đồng. “Tuy nhiên khi biết bị lừa, tôi đã liên lạc với người đại diện công ty để xin rút tiền lại thì phía công ty nại nhiều lý do để khất khiến gia đình đứng ngồi không yên...”, bà T. chia sẻ.

Ông Phan Hùng Sơn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau khi nhận được đơn tố cáo của người dân liên quan đến dấu hiệu lừa đảo của các công ty đa cấp, UBND tỉnh đã chỉ đạo đơn vị và Chi cục Quản lý thị trường tiến hành thanh, kiểm tra đối với 25 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn. 

“Các công ty bán hàng đa cấp thường tổ chức hội nghị, tham gia mua bán các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và khám chữa bệnh, nhưng không được các cơ quan chức năng cho phép. Đây là những dấu hiệu của việc kinh doanh, bán hàng đa cấp trái phép. Tuy nhiên, do các công ty không có chi nhánh đại diện, không đăng ký địa điểm hoạt động nên quản lý rất khó...”, ông Sơn cho hay. 

Đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế còn cho biết thêm, tình trạng biến tướng của mô hình kinh doanh đa cấp đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và hệ lụy. Những công ty quảng cáo chỉ bỏ tiền một lần rồi hưởng lãi suất cao gấp nhiều lần là loại hình kinh doanh mang tính chất lừa đảo.

“Qua một số vụ việc nổi lên trong thời gian qua dễ dàng nhận thấy, các công ty này chẳng đầu tư kinh doanh gì, chỉ lấy tiền của người sau trả cho người trước, đến khi không thể chiêu dụ thêm người hoặc chủ công ty ôm tiền bỏ trốn thì sự việc mới vỡ lẽ. Vì thế người dân cần tỉnh táo và lường trước hậu quả khi đầu tư tiền vào các công ty này”, Đại tá Minh khuyến cáo.

Anh Khoa
.
.
.