Người dân Hải Phòng đang bị “đầu độc” bởi nguồn nước ô nhiễm
- Làm rõ nguồn nước nhiễm mặn ở gần bãi xỉ nhiệt điện Vĩnh Tân
- Hàng trăm hộ dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm
Đua nhau “đầu độc”…
Kênh Bắc Nam Hùng dài hơn 7km, xuất phát từ đập Tây Hà (xã Bắc Sơn) qua xã Nam Sơn (cùng huyện An Dương), sang phường Hùng Vương (quận Hồng Bàng, Hải Phòng). Đây là kênh duy nhất cung cấp nước tưới cho diện tích đất canh tác và tiêu thoát cho toàn bộ đất tự nhiên khoảng 500ha của 3 xã, phường nói trên. Kênh Bắc Nam Hùng còn là một nhánh chảy ra sông Rế - nơi cung cấp nước thô sản xuất nước sạch phục vụ nội thành Hải Phòng.
Một số hộ dân dọc tuyến kênh Bắc Nam Hùng phản ánh, những ngày gần đây tình trạng cá chết nổi trắng mặt kênh, bốc mùi khó chịu. Tại đoạn kênh thuộc địa phận phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, bằng trực quan có thể thấy nước kênh có màu đen, mùi hôi nồng nặc. Ông Phạm Văn Hải, nhà ngay sát mép bờ kênh cho biết cả tuần nay, cá chết nổi lên thành từng mảng, bốc mùi hôi thối, các hộ dân sinh sống xung quanh phải bảo nhau vớt cá rồi đem đi chôn.
Theo ông Trần Quang Hoạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi An Hải - đơn vị quản lý tuyến kênh Bắc Nam Hùng cho biết cùng với hiện tượng lấn chiếm hành lang, lòng kênh, xả thải trực tiếp xuống lòng kênh ngày càng công khai, trắng trợn hơn.
Cụ thể từ năm 2010 đến nay, có hơn 50 trường hợp vi phạm là các tổ chức, cá nhân xây tường, làm lối đi trên bờ kênh, thậm chí đổ bê tông, xây dựng móng nhà, xưởng, công trình phụ và làm cả… cầu qua kênh. Mặc dù công ty phối hợp với các trạm thủy nông và chính quyền địa phương phát hiện, lập biên bản, xử lý, song đến nay vẫn còn 27 trường hợp chưa được giải tỏa.
Cũng theo ông Hoạt, với lưu lượng xả thải ngày càng nhiều của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dân cư hai bên bờ kênh đã khiến nước tại đây chuyển màu, bằng mắt thường cũng nhìn rõ khi thì đen kịt, hôi thối, khi thì vàng đỏ, tanh nồng. Để đánh lừa mắt, công ty phải khử màu, mùi bằng biện pháp thủ công rắc vôi bột, song thực chất thì nước kênh… ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm.
Kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Hải Phòng cho thấy, nhiều cơ sở sản xuất không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc nếu có thì rất sơ sài, không đủ công suất, công nghệ xử lý không phù hợp, dẫn đến nước thải xả ra môi trường không đạt quy chuẩn cho phép.
Theo ông Phạm Quốc Ka, Giám đốc Sở TNMT Hải Phòng, quá trình kiểm tra ngẫu nhiên 12 cơ sở sản xuất thì chỉ có 2 cơ sở xả nước thải đạt quy chuẩn, còn lại các thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần và đặc biệt nghiêm trọng.
Cụ thể như Công ty TNHH Vikky mẫu nước thải theo tiêu chuẩn cột A (vùng bảo hộ lấy nước phục vụ cấp nước sinh hoạt) có BOD5 vượt 2,83 lần, COD vượt 2,25 lần, tổng ni-tơ vượt 1,89 lần, kinh khủng hơn cả là Coliform (vi khuẩn bẩn gây bệnh) vượt tới… 8.000 lần.
Hay như Công ty TNHH sản xuất Hưng Thịnh: BOD5 vượt 2,53 lần, COD vượt 1,67 lần, tổng phốt pho vượt 8,77 lần và Coliform vượt 933,3 lần. Công ty CP nội thất 190, trong nước thải có COD vượt 1,08 lần, tổng phốt pho vượt 2,37 lần và Coliform vượt 300 lần.
Cùng với 3 đơn vị trên là Công ty in mực Á châu, Công ty CP nhựa Bạch Đằng, Công ty TNHH Công nghiệp Doosan Hải Phòng và Bệnh viện GTVT… cũng có các thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn.
Kênh Bắc Nam Hùng đang bị ô nhiễm khiến cá chết nổi trắng mặt nước. |
Xử lý thiếu kiên quyết
Theo ông Trần Quang Hoạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi An Hải, trước đây kênh có nhiều nhánh tiêu ra hệ thống sông Rế, song do bị ô nhiễm nên nhiều năm nay Công ty đã có giải pháp ngăn các điểm tiêu thoát từ tuyến kênh này ra sông Rế để bảo vệ nguồn nước thô của toàn thành phố.
Công ty chỉ tiến hành mở cống tiêu An Trì sau khi mở đập Cái Tắt và lấy nước bổ sung cho kênh qua đập Tây Hà. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi theo thời gian và mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng thì việc thẩm thấu nước bẩn sang nguồn nước sông Rế là điều khó tránh.
Trước thực trạng ô nhiễm đáng báo động trên, Sở TNMT Hải Phòng đã đề xuất xem xét đóng cửa 2 cơ sở xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng là Công ty TNHH Sản xuất Hưng Thịnh và Công ty TNHH Vikky. Đồng thời xem xét di dời Công ty TNHH Phúc Tiến ra khỏi khu vực hành lang bảo vệ nguồn cung cấp nước ngọt cho Nhà máy Nước Vật Cách. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có một quyết định, một phương án nào được thực thi để giảm tình trạng ô nhiễm tại kênh Bắc Nam Hùng. Các phương án đề xuất, như xử phạt vi phạm hành chính hay yêu cầu ngừng hoạt động xả thải… vẫn chỉ nằm trên giấy.
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Thanh Sơn thẳng thắn cho rằng nguyên nhân một phần do trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp. Theo đó cùng với việc nạo vét, thau rửa kênh thì các cơ quan chức năng, trong đó lực lượng Cảnh sát môi trường, Sở TNMT, NN&PTNT phải là nòng cốt phối hợp kiểm tra xử lý các “điểm nóng”.
Nếu phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng như xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra tuyến kênh thì tiến hành xử phạt nghiêm, thậm chí nếu đầy đủ yếu tố sẽ tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự để làm gương cho các doanh nghiệp khác.