Ngang nhiên tàn phá rừng, kiểm lâm quản không xuể

Thứ Sáu, 19/04/2019, 10:56
Rừng tự nhiên ở Bến Giằng và Pà Căng, thuộc xã Cà Dy, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, bị “lâm tặc” ngang nhiên vào khai thác gỗ trái phép trong thời gian dài, khiến rừng bị tàn phá nghiêm trọng. 

Lực lượng kiểm lâm cho biết vẫn nắm tình hình nhưng tại sao rừng vẫn bị tàn phá?

Sau nhiều ngày thu thập thông tin, sáng 17-4, chúng tôi chuẩn bị lương thực, thức uống để tiếp cận khu vực rừng tự nhiên thôn Bến Giằng, nơi các đối tượng “lâm tặc” ngang nhiên lập giàn cưa xẻ bề thế, quy mô để hạ sát cánh rừng nguyên sinh này. 

Từ Quốc lộ 14D, bên trên cầu Bến Giằng, xã Cà Dy, chúng tôi cuốc bộ theo con đường mòn sau trung tâm hành chính cũ huyện Nam Giang tiếp cận hiện trường. Lần theo còn đường dốc sâu hoắm do “lâm tặc” kéo gỗ lâu ngày tạo thành, chúng tôi đi chừng nửa cây số thì gặp một người đàn ông khoảng 30 tuổi đang dùng trâu kéo gỗ từ khu vực rừng ra bên ngoài. 

Khu vực rừng ở Bến Giằng và Pà Căng bị “lâm tặc” tàn phá.

Phát hiện có người lạ, người này nhanh chóng rút dao mang theo trên lưng chặt đứt dây kéo gỗ dẫn trâu tháo chạy vào rừng. Dừng lại khu vực này, chúng tôi nghe rõ mồn một tiếng cưa máy hạ cây rền vang cả khoảng rừng… 

Tiếp tục đi sâu vào rừng, chúng tôi càng bất ngờ bởi bên trong rừng tự nhiên còn có rất nhiều “cung đường bậc thang” như một khu du lịch sinh thái được tạo nên do gần 1000 thanh gỗ do “lâm tặc” cắt, lót theo các triền dốc tạo thành. 

Nhìn những cung đường bậc thang mòn lịn và con đường lõm xuống do dấu vết vận chuyển gỗ, có thể thấy cây rừng ở đây bị tàn phá ở mức độ lớn và trong thời gian dài. 

Càng đi sâu vào vùng lõi rừng, chúng tôi quan sát thấy có rất nhiều cây gỗ bị đốn hạ, gỗ nằm ngổn ngang ở khắp các nơi, từ bờ suối cho đến cuối những con đường mòn. Khi chúng tôi tiến vào khu vực “lâm tặc” đang dùng cưa máy hạ sát cây, thấy “động”, các đối tượng nhanh chóng vứt lại đồ đạc lẩn vào rừng. 

Theo quan sát, chỉ tại một khoảnh nhỏ đã có đến 10 cây gỗ bị cưa hạ, trong đó có 3 cây gỗ vừa mới bị cắt chưa ráo nhựa. Tại đây có khoảng 20 phách gỗ, gỗ tròn chưa mang ra khỏi rừng. 

Một số can xăng vẫn còn đầy được cất giấu trong gốc cây; vật dụng dùng để phá rừng như xà beng, thước, đồ nghề thợ mộc; đồ ăn, nước uống… bỏ lại hiện trường. Đi quanh khu vực rừng này, chúng tôi đếm sơ bộ, có khoảng 40 cây rừng đường kính từ 70-120cm bị “lâm tặc” đốn hạ. 

Tại hiện trường, có rất nhiều gỗ phách, gỗ tròn, nhiều cây gỗ được cắt theo kiểu “ván phản” được xẻ sẵn chưa mang ra khỏi rừng. Nhiều cây gỗ “lâm tặc” đã cưa xẻ và chuyển đi chỉ còn lại trơ gốc, nhiều cây chỉ để lại ngọn và các thân gỗ rỗng, vỏ gỗ sau khi cắt lõi… 

Theo tìm hiểu, “lâm tặc” đốn hạ cây rừng rồi dùng trâu vận chuyển gỗ theo các con đường được tạo sẵn, sau đó tập kết ở khu vực Bến Giằng và thả gỗ trôi sông, hoặc dùng thuyền vận chuyển về xuôi, đưa đi tiêu thụ.

Nhưng không chỉ rừng Bến Giằng, khu vực rừng tự nhiên thôn Pà Căng, xã Cà Dy, cũng bị “lâm tặc” ngang nhiên vào khai thác, vận chuyển gỗ đi tiêu thụ.

Từ đầu cầu Xơi trên đường Hồ Chí Minh, chúng tôi men theo con đường đất vừa mới mở tiếp cận hiện trường rừng Pà Căng và phát hiện khu vực rừng tự nhiên này có một con đường rộng khoảng 3m, dài hơn 2,5km, dẫn tới trại chăn nuôi trâu của một số người dân. 

Khi thấy chúng tôi, một số chăn giữ đàn trâu đưa ánh mắt nhìn nghi hoặc, dò xét. Chúng tôi lần theo con đường mòn do trâu kéo gỗ tạo ra sâu hoắm vào sau trong rừng và phát hiện nhiều gốc cây đường kính hơn 1m đã bị cắt hạ, gỗ đã bị lấy đi chỉ còn lại bìa gỗ bỏ lại hiện trường. 

Tại khu vực này, tiếng cưa máy do “lâm tặc” đốn hạ cây cũng rền vang. Lần theo các con đường mòn và tiếng cưa máy, sau nhiều giờ đồng hồ lội bộ, chúng tôi tiếp cận được hiện trường một khu vực rừng bị tàn phá, hiện trường gỗ nằm ngổn ngang. 

Tại một khoảnh nhỏ chúng tôi quan sát thấy 3 cây gỗ lớn đường kính gần 1m vừa mới bị cưa hạ, 2/3 lượng gỗ đã bị cưa xẻ và mang đi. Còn nhiều phách gỗ, gỗ tròn còn bỏ lại. Men theo những con đường khác đi tiếp chúng tôi ghi nhận có rất nhiều cây gỗ bị cưa hạ. Trong đó có 7 cây gỗ mới bị cưa hạ vẫn còn nhựa cây, một số cây gỗ lâm tặc cưa hạ từ lâu, nhưng dấu xẻ gỗ còn rất mới…

Tại sao rừng Bến Giằng và Pà Căng bị “lâm tặc” ngang nhiên tàn phá trong thời gian dài, với quy mô lớn mà lực lượng Kiểm lâm (KL) không hay biết? 

Ông Đinh Anh Tuấn, Hạt trưởng Hạt KL Nam Giang, nói rằng, khu vực rừng thôn Pà Căng và thôn Bến Giằng đều là rừng sản xuất. Rừng thôn Pà Căng đã giao cho UBND xã Cà Dy quản lý, thực hiện giao khoán cho các hộ gia đình. 

Một đối tượng dùng trâu kéo gỗ đã đốn hạ, cưa xẻ từ rừng Bến Giằng ra ngoài.

Một số hộ dân tại đây đã cải tạo trồng rừng, nuôi trâu nên làm đường để vận chuyển nông sản và kéo trâu. Đối với rừng Bến Giằng, ông Tuấn cho rằng tại đây không có “lâm tặc” quy mô, chủ yếu là người dân làm nhà và dùng trâu kéo ra ngoài bán cho một số đối tượng. 

“Khi phát hiện người dân kéo gỗ anh em vẫn bắt, nhưng người dân kéo trâu ra, thấy lực lượng KL liền cắt dây, đánh trâu nhảy và bỏ chạy khỏi hiện trường. Hiện lực lượng Hạt KL Nam Giang mỏng, chỉ có 10 người, quản lí 40.000ha rừng ở thị trấn Thạnh Mỹ và xã Cà Dy nên không thể đi kiểm tra thường xuyên được. Sau khi tiếp nhận thông tin rừng bị tàn phá sẽ cử lực lượng kiểm tra hiện trường”(!?), ông Tuấn nói.

Xác định 2 đối tượng phá rừng phòng hộ Đắk Mi

Sau khi Báo CAND có bài điều tra thực tế về tình trạng phá rừng phòng hộ Đắk Mi, xã Phước Đức (huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), Công an huyện Phước Sơn đã khẩn trương điều tra và bước đầu đã xác định 2 đối tượng khai thác gỗ trái phép ở khu vực rừng này.

Chiều 18-4, Thượng tá Lê Nho Tâm, Trưởng Công an huyện Phước Sơn cho biết, lãnh đạo Công an huyện đã chỉ đạo tất cả các lực lượng, phương tiện vào cuộc điều tra vụ phá rừng phòng hộ Đắk Mi. 

Qua kiểm tra, xác định khu vực rừng bị tàn phá thuộc khoảnh 12, tiểu khu 675 thuộc rừng phòng hộ Đắk Mi, có 5 gốc cây bị cưa hạ. Trong đó 1 cây mới bị cưa hạ, 4 cây còn lại đã bị cưa hạ lâu ngày, chỉ còn gốc. Cây gỗ mới bị chặt hạ là loại xoan đào (thuộc nhóm VI), có khối lượng 17,914m³ gỗ tròn. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện điều tra xác định 2 đối tượng Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Long (cùng trú thôn 4, xã Phước Đức) đã khai thác gỗ trái phép tại khu vực nói trên. 

Qua đấu tranh ban đầu, các đối tượng khai nhận vào tháng 3-2019, các đối tượng rủ nhau vào rừng phòng hộ Đắk Mi khai thác cây xoan đào. Hồ Văn Thanh là người trực tiếp cưa hạ cây, xẻ gỗ và thuê Hồ Văn Long phụ cưa xẻ, với tiền công 200 nghìn đồng/ngày. Tại nhà đối tượng Thanh, tổ công tác thu giữ 0,624m³ gỗ xẻ, 1 máy cưa là công cụ Thanh dùng để cưa hạ cây. Hiện, Công an huyện Phước Sơn đang tiếp tục điều tra mở rộng, xử lý vụ phá rừng theo quy định pháp luật.

Hà Vy
.
.
.