Ngăn chặn đánh bắt hải sản kiểu “tận diệt”

Thứ Năm, 16/06/2016, 08:52
Mặc dù xác định, đánh bắt hải sản ở vùng biển gần bờ bằng giã cào là kiểu đánh bắt “tận diệt”, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển, song tình trạng này đã diễn ra suốt một thời gian dài và chưa được cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để. Vì thế, đến nay, tàu giã cào vẫn tiếp tục hoành hành trên vùng biển gần bờ. Nơi nào tàu giã cào quét qua thì ở đó, ngư dân vùng lộng phải chịu thiệt hại đủ đường...


Giữa cái nắng như đổ lửa của một ngày trung tuần tháng 6, chúng tôi tìm về vùng biển Vinh Thanh (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) và nghe bà con ngư dân nơi đây kể như than về vấn nạn tàu giã cào. Cùng vợ ngồi vá lại mảnh lưới bị tàu giã cào cắt đứt, ông Nguyễn Công Lam (trú thôn 6, Vinh Thanh) bức xúc cho biết, gia đình ông cùng 2 hộ dân khác trong thôn cùng đầu tư đóng chiếc thuyền, công suất lắp máy dưới 90CV để đánh bắt vùng lộng gần bờ. Bình quân mỗi ngày ra khơi đánh bắt được lượng lớn cá, mực, ghẹ, thu về từ 1-1,5 triệu đồng. Thế nhưng, gần 2 năm nay, gia đình ông rơi vào cảnh điêu đứng, do tàu giã cào cắt phá ngư lưới cụ, đánh bắt cạn kiệt các loại hải sản. 

Chỉ tay ra vùng biển trước mặt, người đàn ông gần 50 tuổi này tiếp tục câu chuyện: “Vào cuối tháng 5-2016, tàu tui bủa lưới cách bờ chưa đầy 1 hải lý thì bị 2 tàu giã cào ở địa phương khác đến đánh bắt và quét luôn hàng trăm mét lưới. Cuối năm ngoái, tàu giã cào cũng phá hoại, cuốn gần 4.000m lưới mực của tàu anh em tui, gây thiệt hại trên 50 triệu đồng”.

Tàu giã cào quét sạch cá nhỏ đến cá lớn, làm cạn kiệt nguồn lợi hải sản.

Chung cảnh ngộ, ở xã biển Vinh Thanh có hàng chục ngư dân khác rơi vào cảnh khó khăn, mất sạch ngư lưới cụ khi bị tàu giã cào quét qua vùng lộng gần bờ. Anh Huỳnh Văn Mơ (ở thôn 4, Vinh Thanh) cho biết, mới đây, trong lúc thả lưới đánh bắt mực cách bờ hơn 1km, tàu của anh đã bị 2 tàu giã cào mang số hiệu tỉnh Quảng Ngãi kéo mất 600m lưới. Để có thể tiếp tục ra khơi, vợ chồng anh vay mượn sắm thêm gần 1.000m lưới khác phục vụ đánh bắt hải sản gần bờ, nhưng sau đó tàu giã cào cũng kéo mất số lưới này. 

“Gia cảnh khó khăn nên sau khi mất hết ngư lưới cụ ấy, vợ chồng tui đành chuyển sang làm nghề khác, đến khi nào có đủ tiền sắm ngư lưới cụ mới tiếp tục ra khơi”, anh Mơ buồn bã nói. 

Ông Trần Văn Hà, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá xã Vinh Thanh cho hay, hiện toàn xã có khoảng 300 hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản gần bờ với 95 tàu công suất từ 24-90CV. Tuy nhiên thời gian qua, cùng với tình trạng cá biển chết hàng loạt thì hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân cũng gặp nhiều khó khăn do vấn nạn tàu giã cào. Tính từ năm 2013 đến nay, qua thống kê, ngư dân địa phương gánh chịu thiệt hại hơn 2 tỷ đồng do bị tàu giã cào cắt, phá và lấy ngư lưới cụ; trong đó riêng năm 2015 có 40 hộ dân chịu thiệt hại hơn 800 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Trường Chính, Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh, ngao ngán: “Ngư dân địa phương cùng các lực lượng chức năng đã nhiều lần tổ chức đẩy đuổi tàu giã cào khi phát hiện nhưng vẫn không ăn thua. Trong quá trình truy đuổi, các đối tượng trên tàu giã cào còn dùng dao, mác manh động chống trả”.

Tìm hiểu được biết, ngoài xã biển Vinh Thanh, thời gian qua, các tàu giã cào công suất lớn đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... thường xuyên hoạt động đánh bắt trái phép ở vùng biển gần bờ thuộc địa bàn các xã như Vinh An, Phú Diên, Phú Hải, Thuận An (huyện Phú Vang) và địa bàn huyện Phú Lộc, huyện Phong Điền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản, thiệt hại nặng nề đối với bà con ngư dân. 

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Thanh Bôn, Trưởng phòng Thanh tra- Pháp chế, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, để tránh lực lượng chức năng, các tàu giã cào thường hoạt động vào thời điểm khuya đến rạng sáng và các ngày nghỉ lễ; còn khi bị phát hiện thì các tàu này vứt luôn cả lưới kéo để chạy thoát. 

“Do lực lượng đơn vị quá mỏng, chế tài pháp chế còn nhiều vướng mắc, trong khi tàu giã cào là tàu lớn có mã lực từ 350-400CV, trên tàu có từ 15-17 ngư dân... nên việc tổ chức kiểm tra, bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn. Đó là chưa kể đến việc lực lượng chức năng bị các ngư dân đi tàu giã cào đe dọa, tấn công lại”, ông Bôn thẳng thắn nói. 

Để ngăn chặn các tàu giã cào lấn chiếm vùng khai thác gần bờ, thời gian qua, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với lực lượng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các chi hội nghề cá địa phương và ngư dân tổ chức liên tiếp nhiều cuộc tuần tra, kiểm tra vùng biển gần bờ. Qua đó phát hiện bắt giữ 10 tàu giã cào, xử phạt tổng số tiền 240 triệu đồng, về hành vi đánh bắt sai vùng khai thác theo Nghị định số 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định: “Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục nỗ lực trong công tác kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng để bắt giữ và xử lý tàu giã cào từ các địa phương khác đến, qua đó giúp ngư dân yên tâm khai thác có hiệu quả trên vùng lộng, vùng biển gần bờ, góp phần đảm bảo môi sinh, môi trường biển”.

Anh Khoa
.
.
.