Lấn chiếm hẻm ở quận 4: Sáu lần lập biên bản vẫn không xử lý vi phạm

Thứ Bảy, 29/05/2021, 18:00
Trong vòng 1 năm qua, UBND phường 15, quận 4, TP Hồ Chí Minh, đã sáu lần lập biên bản, yêu cầu ông L.T.K chấm dứt việc lấn chiếm, để hàng hóa cản trở lưu thông tại khu đất hẻm giữa hai số nhà 347 và 349 đường Tôn Đản. Nhưng đến nay mọi chuyện vẫn không được giải quyết dứt điểm khiến gia đình bà Nhan và ông K. luôn trong tình trạng mâu thuẫn căng thẳng, tiềm ẩn những hệ lụy khó lường.


Biến khu đất hẻm thành nơi kinh doanh?

Theo hồ sơ, hẻm 349 dài khoảng 20m, rộng khoảng 1,5m là hẻm chung cho hai căn nhà 347 và 349. Gọi đây là con hẻm cũng đúng, gọi là khu đất “xen kẹt” cũng đúng, gọi là hành lang thoát hiểm để nhà số 347 và 349 trổ cửa phụ ra cũng đúng.

Bà Bùi Thị Nhan (SN 1959, HKTT căn nhà số 347), cho biết hẻm 349 thực tế đã có từ trước năm 1975. Hồi đó khi xây dựng, người ta chừa hẻm để làm lối thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn. Và đây là đất do Nhà nước quản lý, không giao cho riêng cá nhân nào sử dụng. Con hẻm này trước đây không phải là lối đi chính dẫn vào nhà nào, mà chạy vào tiếp giáp phần đất phía sau nhà ông K. (nhà số 353/1, đường vào nhà ông K. là lối đi khác).

Theo bà Bùi Thị Nhan thì năm 1997, ông K. xin trổ cửa sau ra hẻm 349 để tiện đi lại, buôn bán. Không rõ ông K. có xin phép chính quyền địa phương hay không. Bà Nhan và hộ 349 đồng ý. Trước đó các bên rất hòa thuận, không xảy ra xích mích.

“Từ khi ông K. làm hệ thống ống nước ra hẻm, lắp mái tôn, dựng xe, để nước đá chiếm gần hết khu đất, rỉ ra rất dơ vào hai nhà 347 và 349 thì các bên xảy ra mâu thuẫn. Xe nước đá đến nhận hàng lúc khuya còn gây ồn ào, khiến chúng tôi không thể ngủ. Ông K. còn làm cánh cửa sắt ở đầu hẻm, mỗi lần ra vào khóa lại để độc chiếm khu đất, không cho nhà 347 và 349 sử dụng làm lối đi phụ nữa. Như vậy, nhà ông K. trở thành có hai lối ra vào, có thêm diện tích khoảng 60m2 sử dụng”, bà Nhan cho hay.

Sáu lần bị lập biên bản, sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Bà Nhan có đơn phản ánh việc ông K. chiếm con hẻm, tự ý lắp cổng, UBND phường 15 xuống làm việc, yêu cầu tháo dỡ. Ông K. tháo cổng nhưng hành vi lấn chiếm con hẻm làm nơi để vật dụng, nước đá vẫn tái diễn…

Ngày 29/4/2020, UBND phường 15 đã lập biên bản, xác định: “Ông K. buôn bán trong hẻm có để đồ vật dụng lấn chiếm hẻm, gây cản trở việc sinh hoạt của bà Nhan”. Phường yêu cầu chậm nhất đến ngày 17/5/2020, ông K. phải tháo dỡ mái tôn, trả lại sự thông thoáng cho con hẻm; phải để đồ đạc buôn bán trong nhà mình, khi buôn bán không làm ảnh hưởng đến việc di chuyển trong hẻm. Phường cũng khẳng định sẽ theo dõi việc thực hiện của ông K.

Không xử phạt, chỉ liên tiếp “lập biên bản”

Hết thời hạn chính quyền yêu cầu, hẻm 349 vẫn bị ông K. lấn chiếm. Ngày 18/5/2020, phường tiếp tục lập biên bản sự việc. Đến ngày 5/6/2020, phường lập biên bản lần thứ 3, yêu cầu ông K. di dời hệ thống nước, mái che.

Sau ba lần lập biên bản, phường không xử phạt theo quy định mà tiếp tục... lập biên bản. Biên bản ngày 4/9/2020 có vẻ kiên quyết hơn khi ghi rõ sẽ “xử lý hoặc đề xuất UBND quận xử lý” nếu ông K. tiếp tục vi phạm. Sự việc tiếp tục được phường “lập biên bản” thêm hai lần nữa. Một lần vào tháng 12/2020, một lần mới đây nhất, vào tháng 4/2021.

Biên bản ngày 9/4/2021, UBND phường khẳng định “sẽ phối hợp các cơ quan liên quan tuần tra, xử phạt theo đúng quy định hành vi lấn chiếm hẻm 349 Tôn Đản trước ngày 16/4/2021 về vật dụng, kiến trúc, đậu xe cản trở giao thông”. Thế nhưng ngày 17/4/2021, ông K. vẫn tiếp tục để nhiều bao nước đá dựa vào tường nhà 349, lấn chiếm gần hết con hẻm.

Các bên gia đình xảy ra mâu thuẫn vì sự việc hẻm 349 bị lấn chiếm.

Và cho đến nay, các hành vi lấn chiếm vẫn tiếp tục xảy ra khiến gia đình bà Nhan và ông K. luôn trong tình trạng mâu thuẫn căng thẳng, tiềm ẩn những hệ lụy khó lường.

Luật sư Đào Kim Lân (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nhận xét: “Tiếp xúc hồ sơ sự việc, tôi lấy làm lạ. Theo quy định pháp luật, vi phạm hành chính lần đầu có thể nhắc nhở, yêu cầu khắc phục, lần thứ hai, thứ ba phải xử phạt. Nhưng UBND phường 15 đã lập biên bản đến 6 lần mà không xử phạt hành chính, không xử lý dứt điểm là một điều rất lạ và hi hữu”.

Luật sư Đào Kim Lân cũng lưu ý, việc người lấn chiếm đất sáu lần bị lập biên bản mà không bị xử phạt sẽ khiến cơ quan cấp trên gặp khó khi xử lý sự việc sau này. Theo Điều 228 BLHS quy định về tội “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”, hành vi lấn chiếm đất chỉ cấu thành tội khi đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà vẫn tái phạm. Việc phường 15 không xử phạt hành chính dù đã sáu lần lập biên bản, là bỏ lọt vi phạm, gây khó khăn cho quá trình cơ quan chức năng thực thi pháp luật.

P.L
.
.
.