Lâm tặc vẫn ngang nhiên phá rừng tại Đắk Lắk

Thứ Hai, 29/02/2016, 09:52
Những ngày đầu xuân mới 2016, Báo CAND nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc phản ánh về việc rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (huyện Cư Mgar, Đắk Lắk) đang bị tàn phá. Điều đáng nói là tình trạng “lâm tặc” ngang nhiên tàn phá rừng ngay trước mặt lực lượng bảo vệ rừng.


Nằm trên địa bàn 2 xã Ea Kuêh và Ea Kiết của huyện Cư Mgar, Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm được giao quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất kinh doanh hơn 8.800ha rừng và đất rừng. Đây cũng là nơi duy nhất còn sót lại khu rừng giàu trên địa bàn huyện Cư Mgar nên đã trở thành tâm điểm mà lâm tặc thường xuyên ngắm đến để khai thác gỗ trái phép. 

Tại các Tiểu khu 540, 544, 550... nằm cách Trạm kiểm soát bảo vệ rừng số 3 và số 6 chưa đầy 500 mét, trên đường đi, chúng tôi không khỏi giật mình khi chứng kiến những cây gỗ bị cưa đổ ngổn ngang. Nhiều cây vừa bị lấy đi phần thân nên gốc vẫn còn chảy nhựa. Quanh đó, những vỏ can xăng, chai nhớt vứt tràn lan, dấu vết để lại của lâm tặc có mặt tại đây vài ngày trước. Trong bán kính khoảng vài trăm mét, hiện trường còn ngổn ngang những tấm ván  ít giá trị còn sót lại, vứt tràn lan khắp rừng. 

Một xe gỗ đang được nhóm lâm tặc vận chuyển ra khỏi rừng.

Bí mật theo một nhóm lâm tặc đang kéo gỗ, chúng tôi đón lõng ở ngay con đường độc đạo duy nhất dẫn từ rừng ra tỉnh lộ 8 để tìm hiểu. Khi phát hiện có người lạ, nhóm lâm tặc khoảng 8 người dừng kéo gỗ để nghe ngóng. Khi chúng tôi tìm cách tiếp cận, một lâm tặc cầm dao đe: “Ai cho phép quay phim, gỗ này đã xin mới khai thác!”. Chúng tôi nhập vai người dưới xuôi lên muốn mua ít gỗ về để làm nhà. Ngay lập tức, nhóm lâm tặc trả lời khô khốc: “Không bán!” Có đối tượng còn vung dao lên và đe dọa: “Đi chỗ khác ngay, để bọn tao còn làm ăn, không thì biết tay...”. Trước tình hình căng thẳng đó, chúng tôi buộc phải rút lui.

Tiếp tục tiến sâu vào trung tâm lõi của rừng, nhìn thực tế những cây gỗ cổ thụ đang bị tàn phá, những lối đi phủ đầy gỗ không ít người cảm thấy đau xót. Dừng chân tại một Trạm quản lý bảo vệ rừng ngay giữa trung tâm lõi, chúng tôi chứng kiến hàng chục cây gỗ xung quanh trạm bị đốn hạ ngổn ngang, những phần “nạc” đã được lâm tặc lấy đi chỉ còn trơ cành và lá. 

Điều ngạc nhiên nhất trong suốt gần một ngày vượt rừng, chúng tôi không hề bắt gặp bóng dáng của một cán bộ bảo vệ rừng nào. Thỉnh thoảng chỉ thấy một số người dân vào rừng nhặt củi khô, hái cây thuốc hay tìm mật ong. Anh T (người dẫn đường - PV) cho biết: “Nghe đâu bọn họ và cán bộ bảo vệ rừng có “quen biết” với nhau nên chỉ cần tránh mặt nhau hoặc gọi điện thoại là xong”.

Khi làm việc, ông Dương Văn Sơn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm bình thản cho biết: “Tôi đã chỉ đạo quyết liệt cho anh em tăng cường công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc lâm tặc phá rừng thì chuyện đương nhiên và khó tránh khỏi. Việc các anh phản ánh những cây gỗ cổ thụ bị chặt phá là chưa đúng vì bây giờ rừng ở Buôn Ja Wầm chủ yếu là gỗ tạp chứ gỗ quý, gỗ cổ thụ còn ít lắm?”. 

Tuy nhiên, khi PV đưa ra những hình ảnh về việc “lâm tặc” ngang nhiên chở những cây gỗ cổ thụ ra khỏi rừng thì ông Sơn lại phân trần: “Để tôi cho anh em kiểm tra lại chứ gỗ này không có trong rừng do chúng tôi quản lý”.

Nếu cơ quan chức năng địa phương không sớm có những biện pháp giữ rừng hiệu quả thì chỉ một thời gian ngắn nữa, những cây gỗ cuối cùng sẽ bị “lâm tặc” “xẻ thịt” hết và rừng tại Buôn Ja Wầm có nguy cơ thành trở thành khu rừng… rỗng ruột.

“Hiện trong trung tâm lõi của rừng đang tồn tại một làng người dân tộc Mông từ các tỉnh phía Bắc di cư vào sinh sống. Từ con số ban đầu là 60 hộ (năm 2007) nhưng đến nay đã tăng lên trên 200 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu. Từ đây, tình trạng người dân tự ý vào rừng chặt phá, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy diễn ra với quy mô ngày càng lớn và hết sức phức tạp. Chúng tôi đã báo cáo lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết nhưng vẫn không được đáp ứng”, ông Sơn bức xúc cho biết.
Văn Thành
.
.
.