Kỳ lạ chuyện cấp sổ đỏ ở quận Tây Hồ (Hà Nội)

Chủ Nhật, 17/06/2018, 09:13
Cùng một thửa đất thừa kế cho ba chị em, trong khi hai miếng đất của các em đã được cấp sổ đỏ từ năm 2003 nhưng miếng đất của gia đình bà Vân vẫn không được cấp sổ đỏ. 

Hệ lụy của việc không có sổ đỏ khiến cuộc sống của gia đình bà gặp bao trắc trở. Khi quận Tây Hồ giải phóng mặt bằng xây dựng Dự án cải tạo môi trường vệ sinh khu dân cư xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê, trong khi gia đình hai người em trai được bồi thường 100% giá trị tài sản nhà ở và các công trình xây dựng trên đất, thì gia đình bà Vân chỉ được bồi thường 10%.

Mất gần hết tài sản vì không được cấp sổ đỏ

Theo đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Vân (số 22, ngõ 253 Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội), bố mẹ chồng bà là cụ Chiêm – Thành có mảnh đất 245m² ở địa chỉ bà đang ở. 

Nhà bà Vân (nhà treo bạt) phải phá dỡ một phần diện tích để thi công dự án.

Năm 2000-2001, bố mẹ chồng bà lần lượt qua đời, không để lại di chúc. Ngày 8-6-2003, 7 người con của cụ Chiêm – Thành họp, phân chia tài sản bố mẹ để lại, thống nhất chia mảnh đất 245m² thành ba phần, cho vợ chồng bà Vân và hai người em trai chồng. 

Ngay sau khi thống nhất chia đất, vợ chồng bà Vân đã xây dựng căn nhà 3 tầng trên diện tích 50m² và bị UBND phường Thụy Khuê phạt 500 nghìn đồng vi phạm hành chính về trật tự xây dựng (xây dựng không phép).

Ngày 26-9-2003, ba anh em nhà chồng bà Vân cùng tiến hành kê khai hồ sơ cấp GCN quyền sử dụng đất (sổ đỏ), nhưng chỉ hai người em được cấp sổ đỏ, còn mảnh đất của vợ chồng bà Vân không được cấp sổ đỏ với lý do tự chuyển đất nông nghiệp thành đất ở và tự xây nhà trên đó. 

Theo bà Vân thì nguồn gốc thửa đất chia cho ba anh em giống hệt nhau, hai em chồng bà được chuyển đất nông nghiệp thành đất ở vì trong Quyết định số 1848 của UBND quận Tây Hồ lúc đó trong đó ghi rõ 2 em chồng bà được chậm nộp 100% tiền sử dụng đất để chuyển đất nông nghiệp thành đất ở. 

Gia đình bà chỉ vi phạm xây nhà không phép và đã nộp phạt, vậy tại sao không được cấp sổ đỏ?

Bà Vân cho biết, do không có sổ đỏ, gia đình bà gặp nhiều khó khăn như không thể nhập hộ khẩu cho con cháu ăn học đúng tuyến. 

Năm 2016, quận Tây Hồ thực hiện dự án Cải tạo môi trường vệ sinh khu dân cư xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiện hành với 3 gia đình cùng hoàn cảnh nói trên có sự khác biệt trong tính toán bồi thường về nhà ở và các công trình xây dựng gắn liền với đất. 

Hai gia đình em chồng bà được bồi thường 100% giá trị tài sản là nhà ở và các công trình xây dựng gắn liền với đất ở, nhưng gia đình bà chỉ được bồi thường có 10% giá trị tài sản. Bà Vân không chấp nhận với phương án bồi thường trên và đã viết đơn kêu cứu.

Không cấp sổ đỏ cho gia đình bà Vân là sai

Theo Ban quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng quận Tây Hồ thì phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư là dựa trên căn cứ hồ sơ nguồn gốc đất và mức tính cho gia đình bà Vân là đúng. 

Sở dĩ mức tính của gia đình bà thấp hơn hai người em là đất nhà bà Vân chưa được cấp sổ đỏ và công trình xây dựng không phép trong thời điểm sau năm 1994 và trước năm 2003.

Tuy khiếu nại nhưng gia đình bà Vân vẫn chấp hành bàn giao mặt bằng để đảm bảo cho việc thi công dự án. Đến nay, dự án đã hoàn thiện và đi vào hoạt động nhưng bà Vân vẫn chưa nhận tiền đền bù và tiếp tục khiếu nại. Vậy việc không cấp sổ đỏ cho bà Vân là đúng hay sai?

Trong Văn bản 668/QĐ-CT trả lời khiếu nại của bà Vân, UBND quận Tây Hồ cho biết: Ngày 26-9-2003, vợ chồng bà Vân tiến hành kê khai hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mảnh đất này và UBND phường Thụy Khuê đã họp xét duyệt, phân loại hồ sơ. Tuy nhiên, do tại thời điểm kê khai, gia đình bà Vân đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở không phép. 

Thời điểm tự chuyển đổi mục đích từ đất vườn sang đất ở của gia đình bà Vân là năm 2003, sau ngày 9-4-2002 (ngày ban hành Chỉ thị 17/2002/CT-UB của UBND TP Hà Nội) về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý đất đai, ngăn chặn, xử lý việc mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp trái pháp luật) nên hồ sơ của gia đình bà Vân thuộc diện bất khả kháng.

Tuy nhiên, theo luật sư Trương Tiến Hùng, Công ty Luật TNHH Hồng Phú thì UBND quận Tây Hồ đã kết luận xác minh, cụ Chiêm là bố chồng bà Vân đã chuyển đổi một phần mục đích sử dụng đất vào năm 1960 và làm nhà trên phần đất vườn. 

Như vậy, phần đất gia đình bà Vân làm nhà là phần đất cụ Chiêm đã chuyển đổi mục đích sử dụng từ năm 1960 nhưng chưa làm nhà. Nay UBND quận Tây Hồ kết luận gia đình bà Vân làm nhà trên đất vườn là chưa có căn cứ, đẩy bà Vân vào tình trạng pháp lý bất lợi.

Ông Hùng cho rằng, giả sử bà Vân làm nhà trên đất vườn thì cũng được cấp sổ đỏ theo khoản 3 điều 5 quyết định 69/1999, vì phần đất xây nhà phù hợp quy hoạch đất ở đô thị mà 2 gia đình em chồng bà Vân ở liền kề đã được cấp sổ đỏ. 

Hơn nữa, UBND quận Tây Hồ viện dẫn Chỉ thị 17/2002/CT-UB để từ chối cấp sổ đỏ cho bà Vân là sai căn cứ pháp luật, vì tới ngày 18-2-2006, Chỉ thị 17 đã hết hiệu lực và Quyết định 23/2005/QĐ-UB-HN thay thế thì gia đình bà Vân lại thuộc đối tượng được cấp sổ đỏ, vì gia đình bà Vân có được văn bản thỏa thuận phân chia tài sản có giá trị pháp luật, cụ Chiêm đã chuyển đổi một phần diện tích đất ở và xây dựng nhà trên đó từ năm 1960, nghĩa là trước ngày 1-12-1980 thì toàn bộ phần đất, vườn ao trên thửa đất có nhà ở đó thỏa mãn đầy đủ các điều kiện để cấp sổ đỏ (theo khoản 2, điều 11, Quyết định 23/2005/QĐ-UB-HN).

Liên quan đến vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường nhìn nhận, mảnh đất mà vợ chồng bà Vân đang ở thuộc thửa đất chung của bố mẹ để lại. 

Nội bộ gia đình đã có biên bản phân chia thừa kế, được các cấp có thẩm quyền chấp nhận, nên rất kỳ lạ khi cùng một hoàn cảnh về đất đai, hai người được cấp sổ đỏ còn một người thì không.

Trần Hằng
.
.
.