Không bàn giao đất cho doanh nghiệp chia lô, bán nền

Thứ Bảy, 15/07/2017, 07:40
Kéo dài 12 năm với hàng chồng đơn thư khiếu kiện, các cấp tòa đã xét xử nhưng Dự án Chợ văn hóa và Bến xe khách Sa Pa vẫn đang nằm im khi chưa giải phóng xong mặt bằng. 


Báo CAND nhận được đơn khiếu nại của gia đình ông Đào Đình Mùi và bà Phạm Thị Hảo ở tổ 2B thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa (Lào Cai) về việc không đồng tình bàn giao đất trong diện giải phóng mặt bằng (GPMB) cho nhà đầu tư của Dự án Chợ văn hóa và Bến xe khách Sa Pa.

Bà Hảo bức xúc cho biết, năm 1990, bà được UBND huyện Sa Pa cấp GCN quyền sử dụng đất đối với đất vườn, lâm nghiệp. Để phục vụ dự án Chợ Văn hóa và bến xe khách Sa Pa, ngày 11-9-2007, UBND huyện Sa Pa ban hành Quyết định thu hồi đất của gia đình bà với diện tích là 15.797,6m² đất gồm 10.743,3m² đất nông nghiệp và 5.054,3m² đất lâm nghiệp. Ngày 28-2-2010, UBND huyện ban hành Quyết định thu hồi bổ sung của hộ bà Hảo thêm 375,39m² đất nông nghiệp trong khu dân cư. 

Dự án xây dựng Bến xe khách Lào Cai vẫn còn dang dở.

Trao đổi với PV Báo CAND, bà Phạm Thị Hảo cho rằng, nếu diện tích đất thu hồi của gia đình bà để làm các công trình công cộng thì bà nhất trí. Tuy nhiên, theo bà tìm hiểu và được biết, đến thời điểm này, công trình Chợ Văn hóa và Bến xe khách Sa Pa đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng nên bà không đồng ý bàn giao diện tích đất của gia đình bà theo quyết định của chính quyền địa phương được doanh nghiệp sử dụng để làm khu tái định cư. 

“Doanh nghiệp muốn thu hồi đất của gia đình tôi để làm khu tái định cư với giá cao trong khi giá đất thu hồi của gia đình tôi rất thấp”, bà Hảo cho biết.

Tiếp xúc với một số hộ dân có đất nằm trong diện phải thu hồi GPMB của dự án trên, chúng tôi được biết, sở dĩ còn 19 hộ không đồng thuận bàn giao mặt bằng vì cho rằng dự án phê duyệt không đúng, thu hồi đất của người dân để bàn giao cho nhà đầu tư chia lô, bán nền. 

“Theo quyết định thu hồi đất của chính quyền địa phương để phục vụ dự án Chợ Văn hóa và Bến xe khách Sa Pa thì gia đình tôi bị thu hồi hơn 7.000m². Nhà tôi cả 5 thế hệ đều sinh sống và canh tác trên mảnh đất này, nay bảo thu hồi cho nhà đầu tư để họ bán lại là không được. Nếu nhà nước lấy đất của dân để làm đường, xây chợ, xây bến xe thì chúng tôi sẵn sàng chấp nhận”- chị Phạm Thị Nhung, đại diện cho hộ bà Bùi Thị Huyền, tổ 2B, thị trấn Sa Pa nói.

Vướng mắc lớn nhất gây khiếu kiện kéo dài nhiều năm qua của một dự án được coi là trọng điểm của huyện Sa Pa vào thời điểm năm 2005 chính là người dân không đồng thuận bàn giao đất ở cho chủ đầu tư để chia lô, bán nền. 

Lý giải về vấn đề này, theo ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Pa thì đây là dự án sử dụng quỹ đất để đổi cơ sở hạ tầng. Nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư hạ tầng thì được tỉnh trả lại bằng quỹ đất tương ứng để thu hồi vốn. Việc nhà đầu tư chuyển nhượng lại đất là bình thường theo Luật Đất đai. Theo quyết định phê duyệt dự án đất mà nhà đầu tư được hưởng sau khi bỏ vốn xây dựng hạ tầng gồm đất chia lô, đất dịch vụ và đất biệt thự là 106.588m². Tuy nhiên, người dân bị thu hồi đất trong dự án thì phản ứng vì cho rằng quy định “đổi đất lấy hạ tầng” đã bị hủy bỏ nhiều năm nay nên người dân kiên quyết không bàn giao đất cho nhà đầu tư, yêu cầu nhà đầu tư phải thỏa thuận.

Trao đổi vấn đề này với ông Hoàng Văn Hồng, Giám đốc BQL Dự án xây dựng huyện Sa Pa thì được biết: “Đất của 19 hộ chưa GPMB nằm trong phạm vi phải trả cho nhà đầu tư và tái định cư. Do vướng mắc trong công tác GPMB nên đến năm 2014 dự án mới đạt 30% giá trị xây dựng. Ủy ban tỉnh nhiều lần họp về dự án này, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ GPMB và làm lại công tác thống kê, đền bù hỗ trợ GPMB theo đơn giá hiện hành để không gây thiệt thòi cho người dân. Nhưng đến nay chưa phê duyệt điều chỉnh dự án được do chưa GPMB đối với 19 hộ dân”.

Không sớm giải quyết sẽ gây khiếu kiện kéo dài

Khu vực Chợ văn hóa và Bến xe khách Sa Pa được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2004. Năm 2005, Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ hầng và san tạo mặt bằng Chợ văn hóa và Bến xe khách Sa Pa được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt. Nhà đầu tư của dự án là Công ty TNHH Cương Lĩnh, sau chuyển sang Công ty cổ phần đầu tư VIDIFI. 

Trong quá trình thực hiện dự án, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt điều chỉnh bổ sung 3 lần, tổng mức đầu tư đã tăng so với dự án được duyệt là 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi triển khai đã vấp phải sự không đồng thuận của người dân dẫn đến khiếu kiện về sai sót trong công tác thống kê, GPMB. Năm 2013, Thanh tra tỉnh Lào Cai đã tiến hành thanh tra toàn diện dự án trên. 

Theo Kết luận số 21/KL-TT của Thanh tra tỉnh Lào Cai thì UBND huyện Sa Pa chỉ đạo công tác thống kê bồi thường GPMB của dự án trong giai đoạn đầu thực hiện công khai chưa đầy đủ, trình tự thủ tục không đảm bảo theo quy trình quy định. Thủ tục hồ sơ thống kê bồi thường không đảm bảo tính pháp lý, công tác thống kê bồi thường thực hiện không chính xác, làm phát sinh nhiều thắc mắc, bức xúc trong nhân dân dẫn đến không đảm bảo tiến độ GPMB và làm thiệt hại về kinh tế của ngân sách địa phương. 

Trong quá trình giải quyết các vấn đề bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho người dân, UBND huyện Sa Pa thực hiện một số nội dung cũng chưa hoàn toàn đúng và chưa cương quyết theo các quy định của pháp luật hiện nay. Trong vùng dự án còn nhiều hộ thắc mắc khiếu kiện, chưa chịu di dời trả mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện dự án, ảnh hưởng đến sự phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương. 

Kết luận thanh tra này cũng đã yêu cầu UBND huyện Sa Pa khắc phục những tồn tại đã nêu trong kết luận này theo đúng trình tự trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, rút kinh nghiệm và nghiêm túc thực hiện đúng nội dung kết luận và các quy định của pháp luật liên quan.

Gần 4 năm trôi qua, khiếu kiện của người dân nằm trong dự án vẫn tiếp tục “nóng”, chưa thực hiện được như kết luận số 21 của Thanh tra tỉnh Lào Cai kiến nghị. “UBND huyện Sa Pa đã có quyết định bãi bỏ điều chỉnh các quyết định thu hồi đất và bồi thường trước đây, hiện đang thực hiện lại quy trình lập hồ sơ bồi thường cho 19 hộ để chính xác về mặt số liệu, đất đai, tài sản cho đúng trình tự Luật hiện nay. Tuy nhiên các hộ chưa hợp tác. Sau khi chúng tôi thống kê lên phương án mới biết rõ cần phải giải quyết vấn đề gì. Nếu để cưỡng chế bắt buộc thì chắc chắn số liệu sẽ không chính xác” – ông Nam cho biết.

Lý do dẫn tới người dân khiếu kiện kéo dài 12 năm không phải là không có cơ sở, nếu huyện Sa Pa không đối thoại được với người dân thì việc khiếu kiện sẽ tiếp tục kéo dài, gây nguy cơ mất ANTT.

Dự án xây dựng Bến xe khách Lào Cai vẫn còn dang dở.
Trần Hằng – Nguyễn Hương
.
.
.