Hãi hùng những "mương rác thải" giữa Thủ đô

Thứ Năm, 07/04/2016, 17:09
Những bãi rác tự phát, những con mương đen đặc, nồng nặc mùi hôi thối, đó là cảnh tượng mà chúng ta bắt gặp mỗi ngày và nhiều năm nay ngay giữa Thủ đô. Tình trạng ô nhiễm rác thải sinh hoạt ở Hà Nội đang ở mức báo động nhưng sẽ khó thay đổi nếu người dân vẫn chưa có ý thức bảo vệ môi trường.


Hơn 10 năm nay, bãi rác tự phát ở mương thoát nước Dịch Vọng- Yên Hòa, quận Cầu Giấy đã trở thành nỗi ám ảnh của hàng trăm hộ dân phường Yên Hoà. Bất cứ ai đi qua khu vực này, đều cảm thấy ngán ngẩm trước sự ô nhiễm của con mương này. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm này là do rác thải sinh hoạt của chính người dân xung quanh xả xuống mương.

Anh Vũ Gia Huy, sinh sống ngay cạnh con mương này cho biết: “ Không vứt rác xuống mương, thì họ lại vứt trên đường, trời mưa rác thải trôi hết xuống mương. Ô nhiễm lắm, ruồi muỗi bay đầy nhà cực kỳ mất vệ sinh”.

Mương Thụy Khuê bị ô nhiễm nghiêm trọng, chỉ nhìn đã rùng mình.

Sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân đã khiến cho con mương vốn để thoát nước này trở thành “mương rác”, với màu nước đen kịt, luôn bốc mùi khó chịu. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của các hộ dân quanh đây.

Tuy nhiên, đây không phải là bãi rác tự phát duy nhất gây ô nhiễm ở Hà Nội. Từ lâu, mương Thụy Khuê (cạnh dốc Tam Đa, Tây Hồ, Hà Nội) đã trở thành nơi “tập kết” rác thải.

Đoạn mương kéo dài khoảng 3 km là nơi “hưởng trọn” rác thải, nước thải sinh hoạt của hàng trăm hộ dân phường Thụy Khuê sống quanh con mương này và rác thải do các tiểu thương  tại chợ Tam Đa thải ra. Nước thải của các gia đình xả trực tiếp xuống mương biến con mương thành “bể phốt lộ thiên” nồng nặc mùi xú uế.

Rác phủ kín mương thoát nước Dịch Vọng- Yên Hòa, Cầu Giấy.

Vốn đã “nổi tiếng” vì ô nhiễm rác thải, nay con mương Linh Quang - Xã Đàn (quận Đống Đa) càng trở nên ô nhiễm hơn. Đất đá, vật liệu xây dựng, cho đến rác thải sinh hoạt của người dân đều đổ hết xuống mương. Dù chỉ kéo dài khoảng hơn 1km nhưng từ xa mùi hôi thối đã bốc lên, nhiều hộ gia đình phải chuyển đi nơi khác vì sợ ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.

Ngoài ra, trong khu vực Hà Nội còn có rất nhiều con mương bị ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, như: Mương ở Văn Khê, Hà Đông, mương thoát nước ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm… Phần lớn là do nước thải sinh hoạt của các hộ dân xung quanh xả xuống gây ô nhiễm. Mặc dù có biển cấm vứt rác, xong các cán bộ lao công vừa vớt rác, nạo vét lòng mương nhưng chỉ vài ngày sau tình trạng này lại tái diễn!?

Tình trạng ô nhiễm rác thải sinh hoạt ở Hà Nội đang ở mức báo động. Muốn giải quyết tình trạng này cần nhiều giải pháp nhưng trước hết vẫn là ý thức của mỗi người dân...

Ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Ứng phó với biến đổi khí hậu: “Mọi hoạt động sống của con người đều là nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Những rác thải hữu cơ như: Cơm, canh thừa sinh ra khí metan- một loại khí nhà kính mạnh gấp 25 lần khí CO2. Trong khí quyển hiện nay, khí CO2 đã vượt quá ngưỡng 400 phần triệu (ngưỡng an toàn là 350 phần triệu), vì vậy nước ta đang ở tình trạng báo động đỏ về ô nhiễm. Thêm vào đó, rác thải sinh hoạt, túi ni lông không thể phân hủy được sẽ không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí và cả ô nhiễm nguồn đất. Với mức hiện nay thì khí hậu sẽ tăng lên khoảng hơn 2 độ C, nếu chúng ta cắt giảm dần lượng khí thải phải mất 30- 40 năm mới có thể ổn định được khí hậu”.

Một số hình ảnh rùng mình về những "con mương rác" ở Hà Nội:


Trần Thúy
.
.
.