Giải quyết chính sách người có công – tiếng nói từ những “hồ sơ trong ngăn tủ”

Bài 4: Khắc phục vướng mắc, giải quyết “món nợ” với người có công

Thứ Năm, 06/04/2017, 07:42
Làm sao để người có công được đãi ngộ xứng đáng? Làm cách nào để giải quyết toàn bộ hồ sơ tồn đọng? Không bỏ sót hồ sơ trong ngăn tủ?... Nhiều câu hỏi đặt ra và đó cũng là trăn trở của người đứng đầu ngành Lao động Thương binh và Xã hội, là bức xúc của những cựu chiế n binh chưa được hưởng chế độ ưu đãi vì nhiều lý do khác nhau. Với nhiều cựu chiến binh, quỹ thời gian còn rất ngắn ngủi để có thể chờ đợi.

Bài cuối: Không thể chậm trễ

Khắc phục vướng mắc

Ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, có nhiều hồ sơ bị tồn đọng do cán bộ làm chính sách tắc trách hoặc do chuyển giao công việc dẫn đến hồ sơ bị “bỏ quên trong ngăn tủ” là có thật.

Nói về con số hơn 5.000 hồ sơ tồn đọng, ông Kiên cho biết, đây là các hồ sơ đã lập trước năm 2016 và không giải quyết theo quy định cũ. Như vậy là do thay đổi cơ chế, hồ sơ đã làm rồi nhưng bị ách lại nên giờ cho giải quyết nốt số hồ sơ đó. Nhưng đây cũng chưa phải là con số chính xác vì nhiều địa phương chưa hiểu rõ khái niệm “tồn đọng”.

Ông Kiên lý giải, có những việc có thể giải quyết theo quy định mới nhưng chưa làm được thì họ cho đó là tồn đọng. Bản chất không phải là như thế, tồn đọng là cơ chế không cho làm nữa mà hồ sơ đã hoàn thiện, thiếu một vài giấy tờ vào thời điểm đó nhưng cơ quan nhà nước chậm trễ không làm kịp. Có những hồ sơ lẽ ra phải được xem xét, giải quyết kịp thời theo quy định hiện hành nhưng lại xếp vào hồ sơ tồn đọng. Thế nên số lượng hồ sơ chưa được giải quyết rất lớn.

Một trường hợp ở tỉnh Thái Bình chưa được công nhận thương binh cho phóng viên xem phim chụp mảnh đạn trong cơ thể.

Năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chốt số liệu tại các địa phương. Có những địa phương, số lượng hồ sơ tồn đọng thực giảm từ 30-40% thậm chí là 90% so với ban đầu. Điều đó có nghĩa là, nếu như không có việc rà soát thì nhiều hồ sơ lẽ ra có thể giải quyết ngay tức khắc thì lại bị xếp vào diện “tồn đọng do cơ chế”, dẫn đến việc người lẽ ra được hưởng chế độ ưu đãi lại tiếp tục phải chờ đợi. Đây là lỗi của chính những người làm chính sách.

Nói về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, ông Nguyễn Duy Kiên cho biết, vướng mắc lớn nhất chính là việc phải xác minh các căn cứ để lại đã bị mờ. Việc xác minh phải huy động các cấp từ xã phường, tổ dân phố…

Bên cạnh đó, hồ sơ tồn đọng khá lâu, nhiều trường hợp tư liệu và nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn, có những hồ sơ khá phức tạp nên cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét thận trọng. Trong 4 tháng cuối năm 2016, tại 10 tỉnh trên cả nước đã giải quyết được 86 hồ sơ trong đó có 75 hồ sơ liệt sỹ và 11 hồ sơ thương binh.

Qua thực tế tìm hiểu một số vụ việc đề nghị hưởng chế độ người có công, chúng tôi cũng thấy rằng, một trong những yếu tố để giải quyết kịp thời chính là trách nhiệm và tâm huyết của cán bộ làm chính sách. Cán bộ trực tiếp giải quyết hồ sơ tồn đọng phải khai thác tối đa mọi thông tin liên quan đối với từng trường hợp cụ thể, không qua loa thì mới tránh được sai sót cũng như tránh bỏ lọt trường hợp người có công không được hưởng chính sách.

Giải quyết “món nợ” với người có công

Ngày 20-3-2017, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã ký quyết định ban hành Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Với quy trình này, ngành LĐTB&XH phấn đấu trong năm 2017 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đang lưu trữ tại Sở LĐTB&XH, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, TP và Công an tỉnh, TP trở lên.

Trước khi triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng trên cả nước, Bộ LĐTB&XH đã triển khai thí điểm ở 5 tỉnh, TP là Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng và Long An. Đến cuối tháng 11-2016, các địa phương chọn làm điểm đã kết thúc.

Trong 5 tỉnh làm thí điểm thì Thái Bình là tỉnh có lượng hồ sơ tồn đọng nhiều nhất (370 hồ sơ, trong đó có 88 hồ sơ liệt sỹ và 282 hồ sơ thương binh). Quá trình thí điểm cho thấy phần lớn đã giải quyết được các hồ sơ tồn đọng. Đặc biệt, các cán bộ làm chính sách có nỗ lực khắc phục khó khăn.

Nhiều hồ sơ tồn đọng khá lâu, tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn nên địa phương phải tích cực khai thác tối đa thông tin từ các nguồn khác nhau. Có nơi như ở tỉnh Long An phải thu thập thêm thông tin từ Ban liên lạc tù Phú Quốc hoặc mời tất cả các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy các thời kỳ cùng các đồng chí lão thành cách mạng để lắng nghe ý kiến trước khi Ban chỉ đạo cấp tỉnh họp xét, đề nghị.      

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017 của Cục Người có công, Bộ LĐTB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu toàn ngành tập trung cao độ triển khai kế hoạch kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ với tinh thần là năm đền ơn đáp nghĩa, tri ân của cả nước đối với thế hệ những người đã ngã xuống, tập trung giải quyết cơ bản hồ sơ đang tồn đọng theo quy trình đã được thí điểm tại 5 tỉnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, năm 2017 sẽ là năm giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng của người có công. Từ thời điểm 2018 trở ra sẽ mở rộng giải quyết các đối tượng người có công là thanh niên xung phong, người nhiễm chất độc hóa học, con nhiễm chất độc hóa học…

Ngày 5-2, trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ: “Chúng tôi còn nợ dân nhiều lắm. Quyết tâm hàng đầu của chúng tôi là tập trung giải quyết món nợ này nhanh. Hơn 5.000 hồ sơ đó đang nằm trong ngăn kéo nơi này, nơi kia, làm sao để giải quyết nhanh. Bởi nhiều người có công đã già lắm rồi, nếu chúng ta không giải quyết nhanh thì họ không có cơ hội được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi được Đảng, Nhà nước giao cho thực hiện nhiệm vụ này thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước để trả “món nợ” với dân”.

Hy vọng rằng, với quyết tâm của người đứng đầu ngành LĐTB&XH, những hồ sơ tồn đọng, những trường hợp vướng mắc sẽ được giải quyết kịp thời, đúng tinh thần đền ơn đáp nghĩa, tri ân những người đã cống hiến vì nền hòa bình hôm nay.

Khai thác mọi nguồn tin, mọi căn cứ

Việc xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng phải được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, đảm bảo các yêu cầu của pháp luật về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện; về thủ tục cần xem xét, vận dụng cụ thể cho từng trường hợp, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, đồng thời tích cực tìm kiếm, khai thác mọi nguồn thông tin, mọi căn cứ có cơ sở phục vụ việc xác nhận người có công.

(Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công – Ban hành kèm theo QĐ 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20-3-2017)

Hiện cả nước còn tồn đọng khoảng 5.000 hồ sơ cần xác minh là thương binh, liệt sỹ; 63.000 hồ sơ đăng ký người có công cần được xử lý; cần xây dựng 291.000 căn nhà cho đối tượng chính sách; hơn 2.000 mộ liệt sỹ chưa được quy tập; khoảng 300.000 liệt sỹ cần xác định danh tính.

Việt Hà – Nguyễn Hương
.
.
.