Bài 2: Chính sách bất cập hay cán bộ hành sự máy móc?

Thứ Ba, 04/04/2017, 09:00
Đã có nhiều hồ sơ bị xếp trong ngăn tủ nhiều năm, thậm chí cả mấy chục năm. Đã có những cựu binh, những người thân mòn mỏi chờ đợi một sự ghi nhận xứng đáng. Thế nhưng, họ thất vọng, nản chí khi mọi nỗ lực dường như bị chặn lại bởi “rào cản” của các thủ tục hành chính.

Có khi đường đi của hồ sơ lại bị “tắc” do quy định, do bất cập của các văn bản chính sách ưu đãi người có công. Cũng không tránh khỏi nhiều trường hợp cán bộ hành sự máy móc.

Vượt nghìn cây số xin xác nhận

Báo CAND đã từng phản ánh về một trường hợp điển hình ở tỉnh Thái Bình. Đó là ông Hà Duy Nguyên  ở xã Thái Dương, huyện Thái Thụy - một người cựu binh bị thương gần nửa thế kỷ với mảnh đạn găm trong đầu nhưng chưa được công nhận là thương binh. Trong bộ hồ sơ mà ông Nguyên cung cấp cho chúng tôi đã thể hiện rõ quá trình chiến đấu của ông.

Năm 1973, ông bị thương khi đang chiến đấu tại rừng Tám Ngàn và được đưa vào điều trị ở trạm xá dã chiến rừng U Minh cùng mảnh đạn găm trong đầu. Sức khỏe ổn định, ông về đơn vị H5, Đoàn 195, Quân khu 9, tiếp tục chiến đấu ở An Giang cho đến ngày giải phóng. Sau 30-4-1975, đơn vị ông đóng ở Cần Thơ rồi hơn 1 năm sau ông phục viên trở về địa phương.

Năm 2007, ông làm đơn gửi UBND xã Thái Dương kèm theo một số giấy tờ như giấy chứng nhận bị thương, chứng thực của đồng đội cùng chiến đấu… đề nghị chứng nhận thương binh. 

Mặc dù còn mảnh đạn trong đầu, nhưng ông Hà Duy Nguyên chưa được công nhận là thương binh sau nhiều năm làm hồ sơ đề nghị.

Nhiều năm chờ đợi trong mòn mỏi, đến năm 2014, cán bộ xã mới hướng dẫn ông hoàn thiện giấy tờ để làm thủ tục. Thế rồi, qua các cấp xét duyệt và thẩm định, hồ sơ của ông vẫn chưa hoàn thiện chỉ vì giấy chứng nhận bị thương của ông do đơn vị nơi ông công tác dấu mờ, một số nội dung không rõ.

Để “xác nhận” lại giấy chứng thương, giữa năm 2016, một cựu binh nay đã gần 70 tuổi , sức khỏe yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn mang theo khoản lộ phí ít ỏi phải lặn lội hàng ngàn cây số từ Thái Bình vào Cần Thơ, tìm đến Quân khu 9 để xin giấy xác nhận theo hướng dẫn.

Ngày 11-7-2016, Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Quân khu 9 có Văn bản số 03/GXN xác nhận quá trình công tác của ông Nguyên trong quân đội do Đại tá Phan Văn Chương, Tham mưu trưởng Cục Hậu cần ký. 

Theo xác nhận, thời gian công tác của ông Nguyên có trong hồ sơ lưu trữ của đơn vị đúng như ông đã trình bày. Sau khi có xác nhận trên, ông Nguyên đã gửi hồ sơ đến UBND xã Thái Dương để tiếp tục làm chế độ.

Ở xã Thái Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình còn có 4 người khác đề xuất giải quyết chính sách cùng đợt với ông Hà Duy Nguyên là ông Đinh Văn Mạnh, ông Đào Hồng Chương, ông Đào Văn Thắng và ông Phạm Tiến Dũng. Nhưng trong đó có trường hợp khó có căn cứ giải quyết, có trường hợp có thể giải quyết được nhưng còn nhiều thủ tục giấy tờ.

Chậm do cả chính sách và người thực hiện

Tỉnh Thái Bình là một trong những địa phương còn tồn đọng nhiều hồ sơ người có công nhất trên cả nước. Trong hai năm 2014 - 2015, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.

Kết quả tổng rà soát cho thấy, toàn tỉnh có 100.666 đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chế độ, chính sách, chiếm tỷ lệ 98,37%; 292 trường hợp hưởng chưa đầy đủ chế độ, chính sách, chiếm tỷ lệ 0,28%; 1.342 trường hợp đề nghị xác nhận người có công, chiếm tỷ lệ 1,31%; có 30 trường hợp hưởng sai chế độ, chính sách, chiếm tỷ lệ 0,029%.

Nói về những khó khăn trong quá trình giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng, ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, vấn đề khó khăn nhất chính là người tham gia quân đội phục viên, xuất ngũ nhưng lại không giữ được giấy tờ và không có người làm chứng.

Để giải quyết tình trạng này, liên bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Quốc phòng đã ban hành Thông tư 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP hướng dẫn xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ.

Đối với hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sỹ, theo ông Bái, nhiều trường hợp danh sách thờ cúng liệt sỹ ở cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh thì có tuy nhiên giấy báo tử, Bằng Tổ quốc ghi công lại không có. Đặc biệt, một số văn bản của Trung ương quy định không phù hợp với phong tục tập quán của địa phương nên khó giải quyết chế độ cho người đề nghị.

Dẫn ra một trường hợp đề nghị truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở Thái Bình, ông Bái cho biết, theo quy định thì con gái có quyền đứng ra làm hồ sơ đề nghị cho liệt sỹ. Tuy nhiên, trường hợp này, 2 người con gái sau nhiều lần họp gia đình vẫn chưa thể thống nhất ai sẽ là người đứng ra làm hồ sơ trong khi người thờ cúng lại là cháu đích tôn. Đó cũng là vướng mắc khi giải quyết chính sách.

Ngoài vướng mắc về chính sách, không thể nói đến một nguyên nhân khác đó là trách nhiệm của bộ phận những người thực thi công vụ chưa cao. Họ  tắc trách, vô cảm trước hoàn cảnh của các cựu binh, những người đã bỏ xương máu cho nền hòa bình mà họ đang được hưởng.

Theo dõi toàn bộ quá trình đề nghị công nhận chế độ thương binh kéo dài đã ròng rã gần 10 năm của ông Hà Duy Nguyên ở xã Thái Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, chúng tôi nhận thấy rằng, cách giải quyết của một số cán bộ cấp huyện và cấp xã còn thiếu tích cực, chưa làm tròn trách nhiệm.

Ngay từ năm 2007, ông Hà Duy Nguyên đã làm đơn gửi UBND xã Thái Dương kèm theo một số giấy tờ như giấy chứng nhận bị thương, chứng thực của đồng đội cùng chiến đấu… đề nghị chứng nhận thương binh. Nộp đơn và chờ đợi nhiều năm ông không thấy hồi âm. Ngót nghét 7 năm sau, năm 2014, cán bộ xã mới hướng dẫn ông hoàn thiện giấy tờ để làm thủ tục.

Trả lời Báo CAND về sự chậm trễ này, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thái Thụy cho biết, trước năm 2014, đơn vị này không nhận được hồ sơ hoặc ý kiến của ông Nguyên mà việc đề nghị mới dừng ở cấp xã.

Trước đó nhiều năm, ông Nguyên đã có đơn đề nghị gửi UBND xã Thái Dương nhưng không được giải quyết mà ông được trả lời là “chưa có đợt”. Nếu như ông Nguyên cứ chờ đợi thì chẳng biết hồ sơ của ông sẽ bị cất vào tủ đến bao giờ, và chẳng biết đến cuối đời liệu ông có được hưởng chế độ mà lẽ ra ông phải được bù đắp từ lâu hay không?

Cũng chính vì sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chuyên trách trong việc giải quyết hồ sơ người có công nên không ít người đã chọn cho mình đường tắt để tránh thiệt thòi mà vô tình tiếp tay cho đối tượng vi phạm pháp luật. Vì thế mà một số người lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước, gây tội để rồi phải đứng trước vành móng ngựa. Vấn đề này chúng tôi sẽ phản ánh ở bài sau.

Ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình cho biết, trong số 1.342 hồ sơ người có công tồn đọng của tỉnh Thái Bình có 276 hồ sơ đề nghị truy tặng, phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 91 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sỹ ; 282 hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh; 2 hồ sơ đề nghị xác nhận bệnh binh… Tính đến thời điểm hiện nay, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình đã giải quyết 799 hồ sơ, đạt tỷ lệ 70,3%. 
Nguyễn Hương – Việt Hà
.
.
.