Bài 3: Vạch mặt những kẻ lợi dụng hưởng chính sách

Thứ Tư, 05/04/2017, 09:53
Để người có công không bị thiệt thòi, ở mỗi thời điểm khác nhau, Đảng và Nhà nước đã có điều chỉnh về chính sách phù hợp với tình hình thực tế với mục đích nhân văn, không để người có công bị thiệt thòi. Thế nhưng, vẫn còn nhiều trường hợp chưa được hưởng chế độ vì các lý do khác nhau.


Bài 3: Vạch mặt những kẻ lợi dụng hưởng chính sách

Một số kẻ lợi dụng kẽ hở của pháp luật lập đường dây làm giấy tờ giả để trục lợi. Trong số đó, có cả những người đi chiến đấu thật nhưng phải làm giấy chứng nhận giả chỉ vì vướng mắc làm thủ tục. Đây là một sự thật khá đau lòng.

Những đường dây “phù phép” làm chế độ

Sau chiến tranh, ở nhiều địa phương đã xuất hiện những đường dây làm giả chế độ thương binh, nạn nhân chất độc da cam. Có một thời, người ta rỉ tai nhau, mách nhau “đường đi” có thể được ngồi nhà hưởng chế độ ưu đãi trong khi họ chưa từng đi chiến đấu. Thế nên, đã có nhiều đơn tố cáo, đã có nhiều đường dây  “phù phép” hồ sơ thương binh, nạn nhân chất độc da cam bị lực lượng Công an bóc gỡ.

Năm 2016, 12 bị can ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định bị truy tố về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức để hưởng chế độ chất độc da cam. Sự việc được bắt đầu từ tố cáo của một cựu binh đã từng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Các đối tượng chính làm giả tài liệu để hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam ở Nam Định bị truy tố năm 2016. Ảnh: Bích Mận.

Ông Đặng V.L ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định do thiếu giấy tờ làm thủ tục được hưởng ưu đãi của nhà nước nên ông phải nhờ một người ở địa phương làm giấy tờ. Tuy nhiên, sau đó ông nhận thức việc làm giấy tờ đó là sai nên đã rút hồ sơ và tố cáo hành vi làm giả hồ sơ hưởng chế độ.

Qua điều tra, xác minh, Công an tỉnh Nam Định đã xác định, năm 2014 Nhà nước tiến hành tổng kết Pháp lệnh người có công, trong đó có nội dung tiếp tục rà soát, kiểm tra, giải quyết, xét duyệt chế độ ưu đãi cho những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nhưng chưa được hưởng tiền trợ cấp. Lợi dụng chính sách này, nhiều người không tham gia chiến đấu tại những vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học làm hồ sơ giả đề nghị hưởng chế độ.

Để hoàn thiện thủ tục, các đối tượng phải làm giả hồ sơ thanh niên xung phong, thương binh. Quá trình điều tra, cơ quan Công an phát hiện một đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Phát hiện nhiều người không tham gia chiến trường B, C, K lại được hưởng chế độ trợ cấp chất độc hóa học. Thậm chí có người bị tai nạn lao động cũng được hưởng trợ cấp thương tật…

Sau 7 tháng, Công an tỉnh đã kết thúc điều tra giai đoạn 1, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 12 bị can. Trong đó có 3 đối tượng Nguyễn Văn Hà, Đồng Hải Thịnh, Nguyễn Thanh Thảng bị truy tố về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. 9 đối tượng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản do tự làm giả hồ sơ hoặc thuê người khác làm giả hồ sơ. Tổng số tiền mà cơ quan chức năng đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi là hơn 1 tỷ đồng.

Trước đó, trong năm 2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt khẩn cấp Phạm Văn Quý (quê ở xã Phong Châu, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình) thường trú tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Đối tượng này đã có nhiều tiền án, tiền sự, đã từng nhận án phạt 10 năm tù về tội giả mạo thương binh để lừa đảo. 

Kết quả khám xét, cơ quan Công an đã thu giữ được nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan trực tiếp đến hành vi giả mạo hồ sơ, khai man lý lịch để được hưởng các chế độ, chính sách đối với người có công, người bị nhiễm chất độc hóa học như: trang phục quân đội nhân dân Việt Nam, các thẻ hội viên, giấy chứng nhận, các Huân chương Chiến công giải phóng, nhiều ảnh chụp với lãnh đạo có mặt Quý mặc quân phục trên ngực đeo nhiều huân, huy chương…

Quý đã bịa ra một lý lịch hoàn hảo từ lúc nhập ngũ từ năm 1959 đến khi ra quân năm 1983. Khi nhiều tuổi, Quý tìm cách xin vào các Hội Cựu chiến binh để sinh hoạt, nhằm dễ dàng làm giả hồ sơ để được hưởng các chế độ ưu đãi người có công. Tính đến ngày bị bắt, Quý nhận được hơn 170 triệu đồng từ việc giả mạo lý lịch, làm giả tài liệu.

Tiếp tay cho gian dối

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã ngăn chặn được rất nhiều vụ việc giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu đãi, thu về cho Nhà nước khoản tiền lớn, phát hiện và đình chỉ nhiều trường hợp hưởng chế độ sai…

Trong năm 2015, chỉ riêng tỉnh Nghệ An đã phát hiện hàng ngàn hồ sơ, giấy tờ giả liên quan đến việc giải quyết chế độ thương tật cho thương binh tại nhà ông Đặng Hồng Tư ở phường Lê Mao, TP Vinh. Trong số hồ sơ phát hiện, có nhiều hồ sơ đã hoàn thiện, còn hầu hết là các hồ sơ mới đóng dấu khống của các cơ quan quân đội, hội đồng giám định y khoa. Bên cạnh tài liệu, hồ sơ giả, tại nhà ông Tư còn cất giấu một số con giấu giả của các cơ quan, tổ chức.

Trước đó, Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Giám định kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng) kiểm tra ngẫu nhiên 15.000 hồ sơ thương binh và phát hiện 195 trường hợp làm giả hồ sơ và 51 hồ sơ bị nghi ngờ có dấu hiệu làm giả.

Việc để xảy ra những trường hợp thương binh giả, hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước không đúng đối tượng còn phải nhắc đến trách nhiệm của một bộ phận cán bộ làm chính sách của ngành Lao động thương binh và xã hội.

Trong vụ án truy tố 12 đối tượng ở Nam Định làm giả hồ sơ, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Nam Định khẳng định, khi nhận được đơn tố cáo về vụ việc trên, Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định lập đoàn thanh tra để xác minh làm rõ và xử lý.

Nhưng đoàn thanh tra Bộ và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định chưa làm hết trách nhiệm, vẫn để nhiều trường hợp không đủ tiêu chuẩn tiếp tục được hưởng chính sách trợ cấp hoặc không vận dụng chính sách mà tiến hành đình chỉ chế độ hưởng trợ cấp. Vì thế, sự việc được lan truyền rộng rãi, gây dư luận xấu, giảm lòng tin, bất bình trong quần chúng nhân dân. Cơ quan An ninh điều tra cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của đoàn thanh tra trong việc thanh tra đơn tố cáo của công dân.

Thực tế cho thấy, đã có những bài học đắt giá cho các cán bộ làm chính sách thiếu trách nhiệm, thậm chí là tiếp tay cho hành vi sai trái. Điển hình như ở tỉnh Thái Bình đã từng mất nhiều cán bộ khi được giao làm nhiệm vụ giải quyết chính sách cho người có công.

Hành vi mua bán, làm giả huân, huy chương Chiến sỹ giải phóng, các loại giấy tờ khác như quyết định phục viên, xuất ngũ, giấy chứng nhận quá trình công tác, giấy chứng nhận bị thương, bệnh án… để đưa vào hồ sơ làm căn cứ xét duyệt hưởng chế độ không đúng tiêu chuẩn, điều kiện được hưởng chính sách gây ra tình hình phức tạp, ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước tại địa phương, làm tổn hại, xúc phạm đến danh dự, uy tín, sự công bằng của những người có công với cách mạng. 

V.Hà – N.Hương
.
.
.