Cả cánh rừng thông bị đầu độc

Thứ Tư, 08/05/2019, 07:49
Hàng nghìn cây thông khoảng 20 năm tuổi tại tiểu khu 292, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) do Ban Quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà, trực thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn giấy Tân Mai (Công ty Tân Mai) quản lý, đã bị đầu độc, chết trắng.


Tại hiện trường, hàng nghìn cây thông bắt đầu khô và rụng lá. Cánh rừng thông bị các đối tượng đầu độc xảy ra cách đây nhiều tuần. Cơ quan chức năng xác định đối tượng đã dùng máy, khoan lỗ sâu vào từng gốc thông sau đó bơm thuốc hóa học có nồng độ độc cao vào từng lỗ. 

Những cây thông bị “hành quyết” bằng cách này nhanh chóng trúng độc, chết trắng trong vài tuần. Với hình thức tàn sát rừng trên, gần như không một cây thông nào bị đầu độc có thể sống xót.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, diện tích rừng do Công ty Tân Mai trồng, quản lý trên địa bàn huyện Lâm Hà thường xuyên bị các đối tượng đầu độc, lấn chiếm để lấy đất sản xuất hoặc sang nhượng qua tay lấy tiền. Nhiều vụ phá, lấn chiếm đất rừng trước đây doanh nghiệp này đã báo cáo với cơ quan chức năng địa phương, đề nghị cùng phối hợp, làm rõ nhưng công tác xử lý lại không đem lại kết quả khả quan.

Rừng thông tại tiểu khu 292, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) bị đầu độc.

Vụ đầu độc rừng thông lần này được xác định là gây thiệt hại lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn huyện Lâm Hà, lâm phần do Công ty Tân Mai quản lý. Toàn bộ rừng thông bị đầu độc chết trắng được doanh nghiệp trên trồng cách đây khoảng 20 năm, hiện đường kính gốc mỗi cây dao động từ 25-40cm.

Trước khi bị tàn sát, đây là khu vực rừng trồng được đánh giá có chất lượng tốt, phát triển đồng đều và nhanh. Cánh rừng thông nổi bật giữa bao quanh là nương rẫy trồng cà phê, hoa màu của người dân trong khu vực. Ước tính, vụ tàn phá rừng thông đã gây thiệt hại khoảng 10ha. Số lượng cây thông bị đầu độc chết lên tới hàng nghìn cây san sát nhau.

Tại tiểu khu 292, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, Công ty Tân Mai có gần 60ha rừng trồng còn trụ lại nhưng liên tục bị các đối tượng đầu độc, lấn chiếm. Diện tích rừng tự nhiên khác xung quanh khu vực này đã bị lấn chiếm để làm nương rẫy từ nhiều năm nay nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp hữu hiệu để giải tỏa, trồng lại rừng. Khu vực xảy ra đầu độc rừng thông hàng loạt có địa hình khá bằng phẳng, đất đai màu mỡ, lại nằm gần quốc lộ 28 và tuyến tỉnh lộ ĐT275. Mục đích của việc phá rừng chủ yếu là lấn chiếm lấy đất sản xuất, sang nhượng bất hợp pháp.

Liên quan đến vụ đầu độc rừng thông đặc biệt nghiêm trọng này, ông Trần Đức Tài, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, ông đã nắm bắt được sự việc ngay khi xảy ra vụ hủy hoại rừng trên. “Tôi đã giao cho Công an huyện phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành xác minh, sớm đưa các đối tượng liên quan ra xử lý, làm rõ!...”, ông Trần Đức Tài nói.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 481/CĐ-TTg ngày 26-4-2019 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách quản lý, bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng. Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và cơ quan chức năng tăng cường triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong đó có việc yêu cầu UBND các huyện chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội và các đơn vị quản lý rừng, chủ đầu tư những dự án liên quan đến rừng tăng cường tuần tra, phát hiện và kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ phá rừng trên địa bàn...

Khắc Lịch
.
.
.