Công ty CP Vận tải ôtô Hàng không cần tuân thủ Luật Lao động

Thứ Sáu, 08/07/2016, 09:38
Mặc dù đã nhận quyết định nghỉ việc ở Công ty cổ phần Vận tải ôtô Hàng không, nhưng chị Phạm Thị Anh Phương ở tổ 11, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội không được nhận sổ bảo hiểm. Hết tháng 6-2016 cũng là hết 3 tháng theo quy định phải nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị Phương vẫn không được nhận giấy tờ. Ai sẽ chịu trách nhiệm khi quyền lợi của người lao động bị xâm hại?

Phản ánh tới Báo CAND, chị Phạm Thị Anh Phương cho biết, chị làm chuyên viên phòng Kế toán, Kế hoạch tại Công ty Vận tải ôtô Hàng không (gọi tắt là công ty) được hơn 19 năm. Do chủ trương thoái vốn Nhà nước và cổ phần hóa công ty, ngày 30-3-2016 công ty đã có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với chị. 

Tại Quyết định số 167/QĐ-CPVTHK ngày 30-3 có thể hiện ở Điều 2: “Công ty thanh toán mọi chế độ, quyền lợi của bà Phạm Thị Anh Phương đến hết ngày 31-3-2016”. Tuy nhiên, công ty này đã không thực hiện các phần việc như đã thể hiện trong quyết định.

Phóng viên Báo CAND đã tìm hiểu và được biết, công ty giữ sổ bảo hiểm của chị Phương là do còn một số khúc mắc trong hợp đồng thuê nhà. Do có cống hiến lâu năm nên chị Phương được công ty cho thuê 1 gian nhà kho cũ của tập thể trong thời gian 3 năm kể từ ngày 1-6-2014 để ở và sinh hoạt. Giá thuê 800.000 đ/tháng. Để ở và sinh hoạt được, vợ chồng chị đã xin phép công ty cho sửa chữa, cải tạo lại nhà với chi phí 125 triệu đồng. 

Trước đó, chồng chị là anh Nguyễn Trọng Mai có thuê của công ty gian kiốt 12m² mặt ngõ 200 phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên cùng một gian nhà xe và sân liền kề sau 28m2 để kinh doanh dịch vụ từ tháng 6-2013. Thời gian ký hợp đồng đến tháng 11-2016. 

Theo phản ánh của chị Phương, trong quá trình sử dụng, vợ chồng chị Phương cũng phải bỏ ra 35 triệu đồng để sửa chữa, cải tạo lại kiốt. Việc cải tạo, sửa chữa đã được công ty chấp thuận.

Tuy nhiên, kiốt của vợ chồng chị Phương đã thuê lại nằm trong diện giải tỏa để mở rộng đường. Mặc dù vậy, trong quá trình giải phóng mặt bằng, công ty không đưa kiốt trên vào diện kiểm đếm để được hưởng đền bù. Bởi vậy, vợ chồng chị không được bồi thường, hỗ trợ chi phí đã bỏ ra cải tạo, sửa chữa. 

Đầu năm 2016 công ty lại có văn bản điều chỉnh đơn giá thuê nhà gấp đôi đơn giá cũ (1.650.000đ), không tôn trọng các điều khoản đã ký của Hợp đồng thuê nhà trước đây. Đó chính là lý do người thuê nhà chưa nộp tiền thuê trong những tháng gần đây dẫn đến việc công ty này đã giữ giấy tờ bảo hiểm của chị Phương khiến chị không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo quan điểm của chúng tôi, việc vi phạm hợp đồng thuê nhà, thuê kiốt giữa hai bên là Công ty CP Vận tải ôtô Hàng không và người lao động phải được giải quyết riêng rẽ. Còn khi người lao động đã bị nghỉ việc thì họ cần được hưởng những chế độ chính sách dành cho người lao động thất nghiệp. Bởi vậy, công ty phải chịu trách nhiệm với việc mất quyền lợi hưởng trợ cấp thất nghiệp của chị Phương, đồng thời phải giải quyết sự việc một cách thỏa đáng, không để người lao động bị thiệt thòi.

Việt Hà
.
.
.