Tái phạm và thời hiệu xử lý kỷ luật lao động

Thứ Tư, 02/10/2013, 16:52
Hỏi: Một người lao động trong công ty tôi đã có hành vi vi phạm kỷ luật lao động nhưng chưa bị xử lý kỷ luật. Gần đây, người này lại thực hiện hành vi vi phạm đó. Xin hỏi, trường hợp này có được hiểu là tái phạm không? Thời hiệu xử lý kỷ luật được pháp luật quy định như thế nào? (Ông Lê Đức Cường, quận Ba Đình, Hà Nội)

Trả lời: Theo Điều 118, Bộ luật Lao động năm 2012 thì vi phạm kỷ luật lao động được hiểu là sự vi phạm những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh trong nội quy lao động của công ty đã có hiệu lực pháp luật.

Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 126, Bộ luật Lao động năm 2012 thì “Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này”. Do vậy, trong trường hợp người lao động trong công ty bạn đã có hành vi vi phạm kỷ luật lao động nhưng công ty chưa xử lý kỷ luật lao động, và người này lại thực hiện hành vi vi phạm đó thì sẽ không xem xét coi là tái phạm theo quy định của pháp luật lao động.

Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động theo quy định tại Điều 124, Bộ luật Lao động năm 2012 như sau: 1. Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 6 tháng, kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 12 tháng; 2. Khi hết thời gian quy định tại các điểm a, b và c khoản 4 Điều 123 (Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; đang bị tạm giữ, tạm giam; đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật Lao động năm 2012), nếu còn thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động tiến hành xử lý kỷ luật lao động ngay, nếu hết thời hiệu thì được kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên. Khi hết thời gian quy định tại điểm d khoản 4 Điều 123 (Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi), mà thời hiệu xử lý kỷ luật lao động đã hết thì được kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên. 3. Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được ban hành trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này

Thạc sỹ, Luật sư Lê Việt Nga (Công ty Luật số 5 Quốc gia, Website: www.luatsuvietnam.vn)
.
.
.