Công an điều tra vụ đấu thầu xây dựng Trung tâm Người có công Quảng Trị

Thứ Năm, 19/05/2016, 09:09
Ngày 18-5, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, về đơn thư một số doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn khiếu nại đơn vị tổ chức đấu thầu gói thầu số 9 (thuộc dự án xây dựng Trung tâm Điều dưỡng người có công Quảng Trị, tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) và sau phản ánh sự việc trên Báo CAND, các cơ quan chức năng của tỉnh, trong đó có cơ quan điều tra Công an tỉnh, đã vào cuộc điều tra…


Phóng viên Báo CAND đã có buổi làm việc, tìm hiểu quá trình mời thầu, chấm thầu này với Ban quản lý (BQL) dự án Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Đơn vị tổ chức đấu thầu này đưa ra bộ hồ sơ dự thầu dày 167 trang… 

Ông Đoàn Văn Lai, Giám đốc BQL dự án Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn cho biết, bộ hồ sơ này do đơn vị của ông hợp đồng với Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng TLD (Công ty TLD, địa chỉ TP Đông Hà, Quảng Trị) lập nên, dựa vào các biểu mẫu đấu thầu, ngoại trừ phần nội dung do đơn vị này điền vào phù hợp với tiêu chí gói thầu được mời đấu. 

Điều kiện trúng thầu: Bên cạnh việc nhà thầu điền đầy đủ thông tin vào các mẫu, chương, phần của hồ sơ và phải đúng tuyệt đối theo các yêu cầu cụ thể có trong từng mẫu, chương, phần của hồ sơ này; thông tin của nhà thầu phải thỏa mãn các tiêu chí đặt ra của gói thầu đang được đấu… 

Trung tâm Điều dưỡng người có công Quảng Trị được xây dựng tại thị trấn Cửa Việt.

Ông Lai kết lại: “Việc đấu thầu giống như việc học sinh làm bài thi; trong trường hợp đọc không hiểu đề dẫn đến làm lạc đề; hoặc đọc hiểu nhưng làm sai so với đề ra thì bị đánh trượt”. 

Ông Lai đi vào sự việc: “Có 3/4 đơn vị tham gia đấu thầu gói thầu số 9 bị đánh trượt do không làm được bài và làm lạc đề. Trong đó, Liên danh Công ty CP Xây dựng số 6 và Công ty TNHH Tuấn Tiến (có địa chỉ tại Quảng Trị) bị đánh trượt do làm lạc đề. Cụ thể, liên danh 2 công ty trên bố trí ông Nguyễn Xuân Kỳ, kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp phụ trách chung về kỹ thuật hiện trường, nhưng các giấy tờ liên quan do ông này ký chỉ ghi cán bộ kỹ thuật mà không có từ phụ trách. Thêm vào đó, liên danh 2 công ty trên không có hợp đồng tương tự  lớn hơn, hoặc bằng 15,5 tỉ đồng”. 

Theo ông Lai, việc chấm thầu giống như thầy giáo chấm bài thi; trong đó, đề thi viết “phụ trách” nhưng học sinh trả lời “cán bộ” là không đúng với đáp án bài làm; mà toàn bộ giấy tờ liên quan tới công việc của ông Kỳ do các đơn vị trên bổ sung sau này cũng không tìm thấy từ “phụ trách” nào cả(!?). 

Hỏi, còn hợp đồng “tương tự” được hiểu như thế nào? Ông Lai bảo: “Tức là tính chất công việc và quy mô công việc phải bằng hoặc lớn hơn gói thầu đáng xét; ở đây, cụ thể phải bằng hoặc lớn hơn 15,5 tỉ đồng”. Nhưng Liên danh Công ty CP Xây dựng số 6 và Công ty TNHH Tuấn Tiến đã chứng minh bằng nhiều gói thầu tương tự có giá trị lớn hơn 15,5 tỉ đồng? “Cái đó là toàn bộ giá trị gói thầu, trong khi công trình đang xét là công trình phụ trợ nên chỉ xét đến tính tương tự của riêng hạng mục phụ trợ này”, ông Lai trả lời.  

Ông Lai trả lời là vậy, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, chính đơn vị tổ chức đấu thầu, chấm thầu và thẩm định trúng thầu gói thầu trên đã có sự hiểu biết không thông suốt về pháp luật và Luật Đấu thầu nói riêng. 

Cụ thể, tại Thông tư số 03/BKHĐT ngày 6-5-2015 hướng dẫn về đấu thầu xây dựng, nêu rõ: Hợp đồng tương tự là hợp đồng đã thực hiện toàn bộ, trong đó công việc xây lắp có các tính chất tương tự với gói thầu đáng xét, bao gồm tương tự về bản chất và độ phức tạp, tương tự về quy mô công việc (có giá trị công việc xây lắp bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét). 

Trong tài liệu chứng minh các hợp đồng tương tự của Liên danh Công ty CP Xây dựng số 6 và Công ty TNHH Tuấn Tiến cung cấp cho đơn vị tổ chức đấu thầu, có rất nhiều công trình có giá trị công việc xây lắp lớn hơn 15,5 tỉ đồng. Nhưng việc đơn vị tổ chức đấu thầu tính phần “quy mô công việc” chỉ phần công việc xây lắp của hạng mục phụ trợ mà không tính bằng 70% của toàn bộ gói thầu xây lắp, là không đúng với thông tư hướng dẫn trên. 

Việc đơn vị tổ chức đấu thầu đánh rớt nhà thầu do ghi đúng bản chất công việc nhưng không trùng khớp tên gọi giữa các từ phụ trách kỹ thuật và cán bộ kỹ thuật, là hoặc máy móc, hoặc cố tình sắp đặt trước nhằm lợi ích riêng. Điều “thú vị” nữa, chúng tôi phát hiện ra rằng, trong cả hai mục “phụ trách” (kỹ thuật) và “hợp đồng tương tự” của Liên danh Công ty CP Bạch Đằng và Công ty Tư vấn và xây dựng Việt Hưng, đều ghi “chuẩn” tới… mức 100%. Trong đó, hợp đồng tương tự có giá trị công việc xây lắp đúng bằng 15,5 tỉ đồng(!). Điều này khiến các đơn vị dự thầu bị đánh rớt nghi ngờ.

Ngoài ra, ông Phan Văn Huy, Giám đốc Công ty LTD chỉ là thành viên tư vấn lập nên hồ sơ mời thầu, chứ không phải chủ đầu tư gói thầu kể trên, lại gửi công văn yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu đối với Liên danh Công ty CP Xây dựng số 6 và Công ty TNHH Tuấn Tiến, là trái với Mục 3, Điều 16 của nghị định trên quy định chỉ đơn vị chủ đầu tư mới được yêu cầu này. 

Chưa hết, việc ông Lai cho rằng, Công ty LTD lập hồ sơ mời thầu, có người của công ty này tham gia chấm thầu, xét thầu (cụ thể ông Huy và một nhân viên của ông Huy) là đúng pháp luật, là điều hết sức ngớ ngẩn, vi phạm ngay tại các điều cấm của chính đơn vị lập hồ sơ mời thầu trên lập ra và vi phạm Mục 6, Điểm d, Điều 89 Luật Đấu thầu xây dựng, nghiêm cấm người tham gia lập hồ sơ mời thầu tham gia chấm thầu, xét thầu…

Phan Thanh Bình
.
.
.