Biệt thự ở Khu du lịch hồ Tuyền Lâm bị rao bán thế nào?

Thứ Bảy, 23/03/2019, 06:44
Những năm qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều sai phạm tại nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng ở hồ Tuyền Lâm, trong đó vi phạm nhiều nhất là xây dựng trái phép, không phép, lấn chiếm lòng hồ, phá rừng...


Hồ Tuyền Lâm là Khu du lịch (KDL) Quốc gia được quy hoạch chỉ sử dụng vào mục đích phát triển du lịch và các dịch vụ liên quan, nghiêm cấm việc sử dụng quỹ đất được thuê để xây biệt thự làm nhà ở, hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế nhiều căn biệt thự ở không ít dự án nghỉ dưỡng cao cấp tại đây bị rao bán, chuyển nhượng qua nhiều người dưới hình thức cho thuê lên tới gần 50 năm và sử dụng làm nhà ở gia đình...

Theo Quyết định 1968/QĐ-UBND ngày 7-9-2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng, về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung KDL hồ Tuyền Lâm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đây là KDL kiểu mẫu theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam.

KDL mang tính đặc trưng riêng của TP Đà Lạt, phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, có quy mô quốc gia. Cũng theo quyết định này, hồ Tuyền Lâm là KDL hỗn hợp, kết hợp hài hòa bản sắc văn hóa phương Đông và phương Tây, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi - giải trí cao cấp.

KDL được phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, coi trọng bảo tồn và tôn tạo các yếu tố tự nhiên, bảo vệ nguồn tài nguyên nước và môi trường rừng; bảo vệ đa dạng sinh học của khu vực.

Hiện toàn KDL có 37 dự án được cấp phép với tổng số vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng. Trung bình mỗi dự án ở đây có số vốn đăng ký đầu tư gần 300 tỷ đồng. Chưa nói đến việc phần lớn các dự án bị chậm tiến độ, phải ra hạn hoặc những dự án đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”, nhiều dự án đang triển khai tại KDL này đã không tuân thủ quy định và chủ trương phát triển của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Những năm qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều sai phạm tại nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng ở hồ Tuyền Lâm, trong đó vi phạm nhiều nhất là xây dựng trái phép, không phép, lấn chiếm lòng hồ, phá rừng...

Thực tế, không ít dự án du lịch nghỉ dưỡng tại hồ Tuyền Lâm đã và đang có dấu hiệu của việc phân lô, bán nền, chuyển nhượng biệt thự trái phép dưới hình thức cho thuê dài hạn, mà thời gian thuê lên tới... gần 50 năm, bằng với thời gian UBND tỉnh Lâm Đồng cho doanh nghiệp thuê để thực hiện dự án. Nhiều biệt thự tại KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm những năm qua được công khai rao bán.

Cụ thể, ngày 25-10-2018, một người đăng trên trang “Bất động sản Đà Lạt 24h” với nội dung “Cần bán biệt thự giữa rừng thông hồ Tuyền Lâm giá chỉ 9,5 tỷ đồng”. Theo nội dung này, toàn diện tích được rao bán là 1.024m2, trong đó có 120m2 xây dựng. Đây là biệt thự được mô tả có phong cách châu Âu sang trọng, 1 trệt, 1 lầu và 1 áp mái, có 2 phòng khách và 4 phòng ngủ.

Thời gian chuyển nhượng là 50 năm. Cũng tại diễn đàn bất động sản này, ngày 5-8-2018, một người cũng rao bán biệt thự mới xây xong với diện tích 259m2, kết cấu 1 trệt và 2 lầu trên diện tích 1.700m2 tại một dự án nghỉ dưỡng cao cấp thuộc KDL Quốc gia Tuyền Lâm.

Trước đó, ngày 5-10-2017, một người cũng rao bán căn biệt thự có diện tích 160m2, gồm 1 trệt, 1 lầu và áp mái tọa lạc trên khu đất rộng 1.327m2 nằm giữa rừng thông của KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm. Thời gian chuyển nhượng 50 năm, giá bán 8 tỷ đồng.

Gần đây nhất, ngày 25-2-2019, một người cũng đã đăng trên diễn đàn “Bất động sản Đà Lạt 24h” về việc cho thuê một căn biệt thự mới xây xong ngay hồ Tuyền Lâm. Căn biệt thự được rao cho thuê có diện tích 200m2 có 7 phòng đôi, tọa lạc trên diện tích 1.200m2. Giá cho thuê là 30 triệu đồng/tháng.

Anh Nguyễn Văn Hùng, một người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Đà Lạt cho biết, thực tế việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và sở hữu nhà tại KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm đã diễn ra gần 10 năm qua.

Theo anh Hùng, có doanh nghiệp sau khi được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư, giao đất để thực hiện dự án nghỉ dưỡng cao cấp tại hồ Tuyền Lâm đã phân lô, chuyển nhượng lại cho các cá nhân hoặc xây biệt thự lên rồi bán qua tay dưới hình thức cho thuê biệt thự nghỉ dưỡng dài hạn để kiếm lời nhanh. Anh Trung, một người môi giới bất động sản tại Đà Lạt cũng cho biết, năm 2018, có một người quen đến nhờ anh môi giới để sang nhượng lại một căn biệt thự thuộc dự án nghỉ dưỡng cao cấp ở KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm khiến anh khá bất ngờ.

 Theo anh Trung, toàn bộ các dự án tại KDL này đều bị cấm sang nhượng, mà chỉ phục vụ du lịch nghỉ dưỡng. “Các bên đã “lách luật” bằng cách lập hợp đồng chuyển nhượng dưới hình thức cho thuê biệt thự dài hạn...”, anh Trung cho biết.

Trong vai một du khách, PV đã tới một khu nghỉ dưỡng cao cấp tại hồ Tuyền Lâm đặt vấn đề thuê phòng để nghỉ qua đêm nhưng bị bảo vệ của khu nghỉ dưỡng này chặn lại. Người này cho biết, các căn biệt thự trong khu nghỉ dưỡng đều đã có chủ riêng. Từ trước tới giờ chưa từng cho khách thuê ở nên người bảo vệ “khu nghỉ dưỡng cao cấp” này đã mời chúng tôi đi ra.

Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết, việc theo dõi, giám sát mọi hoạt động tại KDL này thuộc Ban Quản lý hồ Tuyền Lâm. “Nếu phát hiện vi phạm, có dấu hiệu chuyển nhượng biệt thự, dự án, BQL hồ Tuyền Lâm sẽ phối hợp với UBND TP Đà Lạt xử lý, trường hợp vượt thẩm quyền thì UBND TP Đà Lạt trình UBND tỉnh Lâm Đồng xử lý theo quy định”, ông Trung nói. Theo ông Trung, thời gian qua, Sở Xây dựng cũng đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng xử lý nhiều sai phạm được phát hiện tại một số dự án du lịch nghỉ dưỡng tại hồ Tuyền Lâm.

Ông Phạm Văn Dân, Giám đốc Ban Quản lý KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm xác nhận, thời gian qua, tại KDL này đã xảy ra rất nhiều sai phạm tại các dự án du lịch nghỉ dưỡng. Riêng lĩnh vực sang nhượng biệt thự dưới hình thức cho thuê dài hạn, ông Dân cho biết có hay tin việc rao bán biệt thự ở hồ Tuyền Lâm nhưng rất khó kiểm tra, phát hiện và xác định căn cứ để xử lý vi phạm.

“Đơn vị chỉ kiểm tra được nhà đầu tư chủ chốt được UBND tỉnh cấp chứng nhận đầu tư, còn những nhà đầu tư thứ cấp, liên kết hợp tác với doanh nghiệp dưới hình thức thuê biệt thự dài hạn chúng tôi không thể quản lý được... ”, ông Dân nói.

Khắc Lịch
.
.
.