Bất cập trong tái định cư cho người dân tại một vùng kinh tế trọng điểm

Thứ Ba, 16/08/2016, 08:57
Việc xây dựng các khu tái định cư để người dân ổn định chỗ ở sau khi bị thu hồi đất là hợp lý. Song một thực tế hiện nay là nhiều hộ dân sau khi nhận đất lại chưa thể định cư. Một trong những bất cập lớn đó chính là việc các hộ dân sau khi nhận đất tái định cư bắt buộc phải xây nhà theo mẫu kiến trúc quy định.


Bài 1: Nhức nhối nhà xây theo thiết kế mẫu

Huyện Tân Thành là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là trung tâm phát triển các khu công nghiệp, cảng biển và hậu cần sau cảng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 

Từ năm 2007 đến nay, huyện Tân Thành đã thu hồi hơn 4.700 hécta đất. Trong đó diện tích thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp hơn 1.800 hécta; dự án xây dựng cụm cảng và dịch vụ hậu cần bến bãi, dịch vụ Logistic hơn 900 hécta; dự án xây dựng các cụm công nghiệp hơn 90 hécta; các dự án khác hơn 700 hécta với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ hơn 1.700 tỷ đồng. 

Thế nhưng kéo theo sự phát triển ấy là những bất cập trong việc định cư của người dân tại các khu tái định cư trên địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam này.

Khu tái định cư trên địa bàn huyện Tân Thành có nhiều bất cập.

Huyện Tân Thành là một địa phương cửa ngõ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo phê duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch chung đô thị Phú Mỹ đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1113 ngày 9-7-2013 thì huyện Tân Thành có tính chất là đô thị mới, giữ vai trò là trung tâm công nghiệp, cảng, dịch vụ, du lịch, là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng. 

Để phục vụ các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, từ năm 2007 đến nay, huyện Tân Thành đã thu hồi hơn 4.700 hécta đất. Toàn huyện đã có khoảng 6.281 hộ dân đang sử dụng đất phải giải tỏa, di dời.

Để bố trí nơi ở cho người dân sau khi bị thu hồi đất, huyện Tân Thành đã đầu tư xây dựng khu tái định cư 26,5 hécta Mỹ Xuân, khu tái định cư 44 hécta Phú Mỹ, khu tái định cư 15 hécta Vạn Hạnh, khu tái định cư 2 hécta Mỹ Xuân và khu tái định cư 25 hécta Vạn Hạnh. Hiện 5 khu tái định cư này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với 195 căn hộ liền kề, 3.432 nền đất. Trong số này, huyện đã bố trí 3.213 suất tái định cư cho các hộ dân.

Hiện huyện đang tiếp tục bố trí phân nền đất cho các hộ dân tại khu tái định cư xã Hắc Dịch với tổng diện tích hơn 14 hécta gồm 457 nền đất; khu tái định cư Phước Long - Phước Hiệp với 201 nền đất. Như vậy, tính đến thời điểm này, 90% hộ dân thuộc diện tái định cư trên địa bàn được bố trí tái định cư. 

Việc xây dựng các khu tái định cư để người dân ổn định chỗ ở sau khi bị thu hồi đất là hợp lý. Song một thực tế hiện nay là nhiều hộ dân sau khi nhận đất lại chưa thể định cư. Một trong những bất cập lớn đó chính là việc các hộ dân sau khi nhận đất tái định cư bắt buộc phải xây nhà theo mẫu kiến trúc quy định.

Chị Lâm Thị Cẩm Thoa (trú tại thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành) cho biết, sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp, gia đình chị được bố trí một lô đất tại khu đô thị mới Phú Mỹ. Tuy nhiên việc xây nhà bắt buộc phải tuân theo thiết kế xây dựng của dự án. Mặc dù được cấp đất đã lâu nhưng gia đình chị Thoa vẫn phải đi ở nhờ nhà người quen. 

Theo tính toán của Chị Thoa để xây dựng căn nhà trên lô đất tái định cư phải có từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Trong khi đó, gia đình chị lại rất khó khăn, bản thân chị không có việc làm, chồng chị chạy xe ba gác mỗi ngày cũng chỉ kiếm được trên dưới 100 ngàn đồng. Tiền ăn không đủ, lấy đâu ra tiền xây nhà.

Đáng nói nhất ở đây là hoàn cảnh của gia đình anh Nguyễn Văn Bốn ở tổ 9, ấp Phước Lập, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành. Anh Bốn với công việc là bảo vệ tại một trường học, vợ làm công nhân, thu nhập của 2 vợ chồng anh 1 tháng trung bình khoảng 5 triệu đồng trong khi đó phải nuôi 2 con ăn học. Sau khi được giao đất tại khu tái định cư 26,5 hecta xã Mỹ Xuân, vì không có tiền để xây nhà nên cả gia đình phải thuê nhà trọ để ở. 

Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, hiệu trưởng trường nơi anh Bốn làm bảo vệ đã cho gia đình anh mượn tạm một phòng kho trong trường làm nơi ăn chốn ở. Sau nhiều năm tích cóp, gia đình anh Bốn dành dụm được gần 40 triệu và đã làm móng nhà trước. Thế nhưng từ ngày xây móng cho đến nay cũng đã hơn 3 năm mà gia đình anh vẫn chưa có đủ tiền để xây nhà.

“Tôi chỉ mong sao gia đình được chính quyền, địa phương giúp đỡ thêm chứ nếu không thì gia đình không biết đến bao giờ mới có đủ tiền để xây được nhà và cũng mong địa phương xem xét vì xây nhà cấp 4 chúng tôi còn không có tiền nói gì tới việc xây nhà cấp 3 theo mẫu kiến trúc”, anh Bốn chia sẻ.

Để hiểu rõ hơn việc các hộ dân được phân đất tái định cư nhưng không đủ tiền xây nhà theo đúng như mẫu thiết kế, PV Báo CAND đã gặp và trao đổi với ông Ngô Trung Tín, Phó trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Tân Thành để tìm hiểu về việc căn cứ vào đâu huyện đưa ra mẫu kiến trúc khiến người dân nghèo không với tới, ông Tín cho biết, căn cứ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu tái định cư đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt và chủ trương cho phép chuyển đổi hình thức giao nhà xây thô bằng hình thức giao đất nền cho các hộ dân tái định cư xây dựng theo thiết kế mẫu. 

Theo đó, UBND huyện Tân Thành đã giao cho phòng kinh tế và hạ tầng huyện ký hợp đồng với đơn vị tư vấn lập các mẫu thiết kế theo các chỉ tiêu của quy hoạch được phê duyệt và các quy định hiện hành. 

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sau khi đơn vị tư vấn hoàn thành thiết kế mẫu (dự thảo), đơn vị chuyên môn kiểm tra, UBND huyện Tân Thành ban hành văn bản gửi Sở Xây dựng có ý kiến về phương án thiết kế mẫu nêu trên. 

Sau khi được Sở Xây dựng chấp thuận các thông số chủ yếu của các mẫu thiết kế kiến trúc nhà ở, UBND huyện Tân Thành đã ban hành Quyết định phê duyệt bản vẽ và giao các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước về quy hoạch xây dựng. 

Thế nhưng ông Tín nhấn mạnh, cho đến nay, chỉ có khoảng 10% số hộ dân trong các khu tái định cư là xây nhà đúng theo mẫu kiến trúc yêu cầu.

Ông Hồ Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thành  (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết: “Đối với việc bất cập trong việc các hộ dân bắt buộc xây nhà theo đúng mẫu thiết kế, huyện cũng đã có hướng điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh của các hộ dân, theo đó, một số trường hợp người dân điều kiện kinh tế khó khăn thì chỉ cần xây móng đảm bảo còn phần xây dựng nhà sẽ tùy từng hoàn cảnh để cấp phép xây dựng cho các hộ dân tại các khu tái định cư”.

Hải Âu
.
.
.