Xây dựng khu tái định cư tiền tỷ để... bỏ hoang

Thứ Năm, 21/01/2016, 08:56
Nhằm giúp cho 295 hộ dân mới tách hộ có cuộc sống ổn định, đầu năm 2003, UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng khu tái định cư giãn dân tại buôn Ea Kal, xã Vụ Bổn. 

Theo đó, dự án sẽ được đầu tư xây dựng với đầy đủ hệ thống điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa cộng đồng, khai hoang cánh đồng nước... Mỗi hộ dân chuyển đến sẽ được cấp 400m2 đất ở, từ 3-5 sào ruộng nước. Riêng về nhà ở, mỗi hộ được cấp 1 căn nhà tường xây, mái lợp tôn trị giá hơn 20 triệu đồng, trong đó được ngân sách hỗ trợ 12 triệu đồng, số tiền còn lại hơn 8 triệu đồng bà con phải vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH. Trong năm đầu tiên, bà con được huyện hỗ trợ về giống lúa, phân bón, tiền điện bơm tưới, gạo ăn hàng tháng. Từ năm thứ hai thì bà con phải tự túc...

Hàng loạt căn nhà bị bỏ hoang tại khu tái định cư.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian dọn đến nơi ở mới, những bất cập bắt đầu phát sinh đã khiến hầu hết các hộ rời bỏ khu định cư để trở về nơi ở cũ, bỏ hoang đất sản xuất. Có mặt tại địa bàn, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những căn nhà cấp 4 thấp lè tè nằm san sát nhau, cửa đóng then cài, hoang tàn thiếu vắng bóng người. Cánh đồng phía trước lưa thưa vài vạt lúa khô cháy. Đi dọc khu dân cư hoang vắng, chúng tôi gặp chị HThủy Niê đang giữ cháu bé chừng 2 tuổi lấm lem đất cát. 

Chị cho biết, ban đầu buôn có gần trăm nóc nhà nhưng giờ chỉ còn vỏn vẹn 16 hộ sinh sống. Ruộng lúa chỉ làm được 1 vụ, mà diện tích thì ít. Nhiều hộ phải trở về buôn cũ sinh sống, giờ chỉ còn 16 hộ ở lại. Chủ yếu đi làm thuê làm mướn.

Ông Y Khen Niê (43 tuổi), một trong số những người dân ít ỏi còn bám trụ lại nơi đây giãi bày: Đất sản xuất toàn đất xấu, làm không đủ ăn, quanh năm phải làm thuê, cuốc mướn để kiếm sống, không có tiền tích lũy, làm sao sống nổi?”.

Ông Lê Viết Nhượng, Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn cho rằng, nguyên nhân khiến bà con lần lượt bỏ khu tái định cư quay về nơi ở cũ là do những bất cập như nhà ở quá chật hẹp, mùa nắng quá nóng bức, mùa mưa lại như tra tấn bởi mưa vỗ trên mái tôn. Khó khăn lớn nhất là đất đai khô cằn, thiếu nước sản xuất. Muốn làm ruộng, mỗi vụ, bà con phải nộp 120.000 đồng/1 sào cho trạm bơm nước. 

UBND xã cũng đã nhiều lần phối hợp với chính quyền các xã có dân đi tổ chức tuyên truyền, vận động bà con trở lại khu tái định cư nhưng khi những bất cập chưa được giải quyết thì khó có thể kéo dân về lại.

Văn Thành
.
.
.