Viết tiếp bài “An toàn giao thông đường thủy”:

Mất an toàn giao thông đường thủy ở Quảng Ninh

Chủ Nhật, 12/06/2016, 09:11
Một số bến tàu hoạt động không phép, không đảm bảo an toàn; phương tiện vận tải hàng hóa, chở khách không đủ các trang thiết bị theo quy định; chở hàng quá tải, quá khổ; chở quá số người quy định; người điều khiển phương tiện không có bằng cấp chuyên môn; ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế… tiềm ẩn mất ATGT đường thủy.


Tiềm ẩn nỗi lo cháy, chìm tàu du lịch

Theo Phòng CSGT Đường thủy, Công an tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn hiện có 47 tuyến, luồng với chiều dài gần 800km; 215 cảng bến, 11.526 phương tiện thủy (trong đó trên 1000 phương tiện chở người). 

Tuyến đường thủy nội địa Quảng Ninh có cấu tạo địa lý đặc thù: Là tuyến pha sông biển, nhiều điểm chồng lấn, giao cắt với tuyến hàng hải, bị thủy triều và thời tiết chi phối mạnh, hệ thống luồng quanh co, phức tạp bởi nhiều đồi núi, đảo đá chen lấn… gây nguy hiểm cho các phương tiện thủy tham gia giao thông.

Tàu du lịch bị chìm trên Vịnh Hạ Long.

Những ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần, du khách đến Quảng Ninh tham quan du lịch trên tuyến đường thủy tăng cao. Một số bến hoạt động không phép, không đảm bảo an toàn; phương tiện vận tải hàng hóa, chở khách không đủ các trang thiết bị theo quy định; chở hàng quá tải, quá khổ; chở quá số người quy định; người điều khiển phương tiện không có bằng cấp chuyên môn; ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế… tiềm ẩn mất ATGT đường thủy.

Năm 2015, Quảng Ninh xảy ra 2 vụ va chạm giao thông đường thủy, làm đắm 2 phương tiện do vi phạm quy tắc tránh, vượt. Ngoài ra, giông lốc làm đắm 7 phương tiện, làm chết 6 người, mất tích 5 người; 1 vụ cháy tàu du lịch…

Từ đầu năm 2016 đến nay, trên Vịnh Hạ Long xảy ra 4 vụ tai nạn (trong đó có 1 vụ cháy tàu và 3 vụ đắm tàu do lỗi chủ quan của thuyền viên trông coi khi tàu neo đậu tại bến), tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm 2015. Điển hình, hồi 11h ngày 6-5, tàu QN 6299 của Công ty TNHH MTV Du lịch VIT do ông Nguyễn Xuân Thiêm là thuyền trưởng vừa cập âu 12, cầu cảng Tuần Châu (TP Hạ Long, Quảng Ninh) sau hành trình lưu trú trên Vịnh Hạ Long bất ngờ xảy ra cháy lớn. Trên tàu QN 6299 có 37 khách du lịch (36 người nước ngoài, 1 người Việt Nam) được đưa vào bờ an toàn. Tàu QN 6299 bị cháy hoàn toàn và chìm tại chỗ.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức tuần tra kiểm soát, lập biên bản xử lý trên 3000 trường hợp vi phạm gồm: Tàu vận tải hành khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long, tàu cao tốc chở khách tuyến cố định đi các đảo, đò chở người đi làng chài, các xã đảo và đi lễ…, xử phạt trên 1 tỷ đồng. Đồng thời, đơn vị còn yêu cầu tạm dừng hoạt động 40 lượt cảng bến, 133 phương tiện (tàu vận tải hành khách du lịch, đò chở người); tước 6 bằng thuyền trưởng.

Các lỗi vi phạm phổ biến: Đưa bến thủy nội địa vào hoạt động mà không có giấy phép, người làm việc không có bằng, cấp chứng chỉ chuyên môn; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ trang thiết bị an toàn kỹ thuật của phương tiện; không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, phương tiện hoạt động không đảm bảo an toàn…

Siết chặt quản lý hoạt động tàu du lịch

Trên Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long hiện có 534 tàu du lịch hoạt động. Tuy nhiên, tàu lưu trú hoạt động khoảng 50% công suất, tàu tiếng khoảng 42% công suất. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, tới năm 2025, 534 tàu du lịch trên mới hoạt động hết công suất. Các chủ tàu cắt giảm chất lượng phục vụ, nhân sự, trang thiết bị cho tàu...

Các trang thiết bị thiếu, chất lượng kém, dễ gây chập cháy. Các luồng tuyến hoạt động trên Vịnh Hạ Long khá phức tạp, tàu hàng xen kẽ tàu du lịch. Đội tàu du lịch đông, nhiều phương tiện xuống cấp; ý thức, trách nhiệm của thuyền trưởng, thuyền viên chưa cao; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, xảy ra tai nạn.

Trong mùa du lịch, lượng khách đến Cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn tăng đột biến, dẫn đến quá tải, lộn xộn. Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, các tàu du lịch hoạt động hết công suất, tăng chuyến, quay vòng nhanh.

Theo ông Phạm Hoàng Ngọc, Trưởng đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh tại Cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn, Cảng Cái Rồng hiện có 70 tàu du lịch (vỏ sắt, vỏ gỗ, tàu cao tốc) vận chuyển khách ra các xã đảo huyện Vân Đồn và huyện đảo Cô Tô, gồm từ 30 đến 132 ghế ngồi. 

Ngày thường có từ 60 đến 70 chuyến tàu với khoảng 3.000 khách du lịch; ngày cao điểm có 140 chuyến với trên 10.000 khách du lịch. UBND huyện Cô Tô yêu cầu các cơ quan chức năng của huyện phối hợp với Cảng vụ đường thủy nội địa rà soát, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp tàu cao tốc chở quá số người quy định. Nếu phát hiện thấy trường hợp nào vi phạm sẽ không ký lệnh xuất bến.

Theo Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỉnh Quảng Ninh, phần lớn các vụ cháy tàu vỏ gỗ trên vịnh Hạ Long đều do chập cháy điện, sử dụng khí gas không an toàn... Do hệ thống đường dây dẫn điện tàu vỏ gỗ rất khó kiểm tra, giám sát nên các vụ cháy xảy ra âm ỉ từ bên trong, khi bùng phát ra ngoài trở thành đám cháy lớn rất khó dập tắt cháy. Ngọn lửa chỉ kéo dài từ 40-60 phút là có thể thiêu trụi một chiếc tàu.

Được biết, tàu vỏ gỗ có 2 lớp bằng gỗ, là nhóm gỗ dễ cháy, ở giữa có lớp cách âm, cách nhiệt làm bằng vật liệu dễ bắt lửa, nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Trong các vụ tàu vỏ gỗ cháy, công tác cứu hỏa gặp nhiều khó khăn, tàu bị cháy hoàn toàn.

Trước tình hình trên, Cảnh sát PCCC Quảng Ninh tham mưu với tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các tàu du lịch lắp đặt hệ thống báo và dập lửa tự động. Do các tàu vỏ gỗ đóng từ nhiều năm, các doanh nghiệp đưa ra lý do khó cải tạo, lắp đặt thêm hệ thống này nên không thực hiện.

Theo Đại tá Đặng Văn Thịnh, Trưởng Phòng CSGT Đường thuỷ, Công an tỉnh Quảng Ninh: Để lập lại TTATGT trên tuyến đường thủy, đảm bảo sự an toàn cho các du khách, tránh xảy ra các sự cố xảy ra, lực lượng Cảnh sát thủy Quảng Ninh tăng cường tuần tra, kiểm soát các phương tiện, người điều khiển phương tiện đường thủy. Tập trung xử lý các lỗi về điều kiện trang thiết bị an toàn như: Hệ thống cứu hỏa, phao, bè cứu sinh… Đơn vị kiên quyết xử lý những phương tiện không thực hiện quy định an toàn khi tham gia giao thông đường thuỷ.

Đồng thời, tuyên truyền tới các chủ tàu, thuyền trưởng, chủ doanh nghiệp có phương tiện vận tải chấp hành Luật ATGT đường thuỷ nội địa; vận động người đi tàu, đò… sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân để đảm bảo an toàn.

Đăng Hùng
.
.
.