Bến cảng tàu du lịch ở Quảng Ninh: Quá tải và xuống cấp

Thứ Bảy, 10/10/2009, 10:43

Sở hữu vùng vịnh là di sản thế giới, bất kỳ thời điểm nào, TP Hạ Long vẫn là địa danh hấp dẫn du khách du lịch. Có thể đây là lý do khiến cung không đủ cầu, hạ tầng phục vụ du lịch nhất là hệ thống cảng tàu đưa đón khách tham quan vịnh thường xuyên trong tình trạng quá tải, xuống cấp. Hệ lụy kèm theo đó là việc tổ chức các hoạt động du khách cũng không thể hấp dẫn, làm hài lòng du khách.

Nếu không sớm điều chỉnh quy hoạch, tích cực đầu tư xây dựng hệ thống bến, cảng tàu du lịch, chắc chắn Hạ Long dù đẹp đến đâu thì cũng dễ bị du khách quay lưng.

Từ lâu, Quảng Ninh tự ý thức được tầm cỡ, vị thế, tiềm năng về du lịch của mình là có những ưu thế vô song. Trong đó, sở hữu vùng vịnh Hạ Long nổi tiếng thế giới nên du lịch biển luôn chiếm thế mạnh của toàn ngành. Ước tính mỗi năm có hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến Quảng Ninh cốt chỉ để thăm vịnh.

Cũng vì vậy, Quảng Ninh đã sớm nghĩ đến các giải pháp quy hoạch, đầu tư, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, sớm có chỉ đạo về quy hoạch lại hệ thống cảng, bến tàu chuyên phục vụ khách du lịch. Vấn đề quy hoạch cảng chuyên du lịch cũng từng là đề tài được tranh luận sôi nổi nhằm tìm ra tiếng nói chung, quy hoạch đến đâu, như thế nào và ở đâu.

Cuối cùng đã xác định cảng khách Hòn Gai sẽ được đầu tư nâng cấp thành cảng khách du lịch hiện đại, đáp ứng tất cả nhu cầu về lâu dài của khách du lịch biển. Mở màn cho chủ trương này là sự xuất hiện tàu du lịch Hoa Sen do Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Vinashin đầu tư. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn khai thác, số lượng du khách thưa thớt dần rồi vắng hẳn. Giờ đây, gọi là cảng khách du lịch nhưng đối tượng phục vụ chính lại là các đoàn xe container có chứa hàng, chuyển tải vào cảng Tân Thuận - TP HCM.

Bến tàu Bãi Cháy dù rất nhiều hạn chế nhưng vẫn là "cảng" du lịch lớn nhất Quảng Ninh.

Cảng Cái Lân, cảng nước sâu lớn nhất hiện đại nhất Quảng Ninh cũng có quy hoạch bố trí một số cầu cảng chuyên đón khách du lịch biển quốc tế. Song, dường như người ta không thể hiểu rằng, việc tận dụng hạ tầng cảng hàng hoá để làm cảng tàu du lịch là điều gần như tối kỵ đối với khách du lịch biển quốc tế. Thực tế cho thấy, rất nhiều đoàn, đến Hạ Long bằng những con tàu "sao hạng" danh tiếng lẫy lừng đã gặp phải những tức không nói nên lời khi vừa xuống tàu, vừa tự cảnh giác trước nguy cơ va chạm với đủ loại phương tiện, thiết bị làm hàng.

Một khi cảng chính không làm tròn nhiệm vụ thì bến phụ tại Bãi Cháy mặc nhiên là nơi khai thác tốt nhất hoạt động du lịch biển, tham quan vịnh Hạ Long. Dù đã có nhiều lần Quảng Ninh có ý định giải toả khu vực này nhưng vẫn có trên 500 chiếc tàu với đủ loại quy mô cùng đua tranh khai thác. So với công suất thiết kế ban đầu không vượt quá 300 tàu vỏ gỗ loại nhỏ, sự quá tải đã gần gấp đôi, nắm giữ đa số tuyệt đối thị phần du lịch tham quan vịnh Hạ Long (chiếm 97%). Mà đã quá tải thì khó có thể quản lý tốt, nói gì đến việc tổ chức các dịch vụ phục vụ du khách theo hướng chu đáo, văn minh, lịch sự. Đây chính là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều du khách bày tỏ sự bực bội, không hài lòng mỗi khi có nhu cầu đến thăm vịnh Hạ Long.

Ngoài ra, khu vực thị xã Cẩm Phả cũng có tới 8 cảng vừa là nơi vận chuyển hàng hoá, vừa là điểm đưa đón khách du lịch ra thăm vùng Bái Tử Long, bãi biển Cô Tô, Vân Đồn, Quan Lạn... tuy nhiên, do số lượng du khách ít, các bến bãi nhếch nhác, tạm bợ nên không thể gọi đó là cảng tàu du lịch, chỉ du lịch theo đường này khi không còn đường khác.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc cho phép tồn tại quá nhiều cảng có chức năng khai thác khách du lịch chẳng những không giải quyết hết vấn đề quá tải mà còn gây ra sự lộn xộn, cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể đầu tư, chủ các du thuyền. Các cơ quan chức năng cũng rất khó quản lý về chất lượng dịch vụ, kiểm tra các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, tổ chức mạng lưới cứu hộ

Lê Minh Triết
.
.
.