Hỏa hoạn trong quán Karaoke: Thấy quan tài nhưng chưa... đổ lệ!
- Nhiều phố Karaoke "xơ xác" sau trận hỏa hoạn kinh hoàng1
- Kỹ năng thoát hiểm sẽ giảm hậu quả trong những vụ cháy
Xác định được mối nguy hiểm do cháy, từ cấp Trung ương tới địa phương đều đã có chỉ đạo tăng cường lãnh đạo, quản lý đối với công tác PCCC. Thế nhưng, số vụ cháy nghiêm trọng vẫn xảy ra. Hậu quả nặng nề vẫn tiếp diễn.
Chưa bao giờ vấn đề đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong các điểm vui chơi giải trí như karaoke được nhắc đến nhiều như thời gian vừa qua, sau khi có tới 13 người tử vong trong cơ sở karaoke 68 Trần Thái Tông, Hà Nội. Biết nguy hiểm nhưng vẫn coi thường - nguyên nhân đều xuất phát từ ý thức của những người trong cuộc.
Khách hát chạy tán loạn trong vụ cháy quán Karaoke trên phố Nguyễn Khang (Hà Nội). |
“Kỷ lục” hỏa hoạn trong các cơ sở karaoke
Theo thống kê từ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Bộ Công an, từ đầu năm đến nay cả nước đã có 23 vụ cháy quán karaoke, một con số có thể nói là "kỷ lục" về hỏa hoạn đối với loại hình kinh doanh này. Trong đó, vụ cháy quán karaoke 68 ở phố Trần Thái Tông, Hà Nội đặc biệt nghiêm trọng, làm 13 người chết. Tuy nhiên, đây không phải là vụ cháy cơ sở karaoke đầu tiên có số lượng người tử vong cao.
Năm 2014, cả Thủ đô cũng bàn tán xôn xao, hoang mang, thương xót 5 người thiệt mạng trong vụ cháy quán karaoke Nhật Thực 43G Giảng Võ.
12h trưa 3-5-2014, quán karaoke Nhật Thực cháy dữ dội. Khi xảy ra cháy, trong quán có nhiều người. 3 người đã chạy kịp ra ngoài, một số người còn lại chạy lên trên tầng 5 để trèo qua nhà hàng xóm theo lối ban công. 5 người tử vong gồm chủ quán và 4 nhân viên.
Quán karaoke này cao 5 tầng, nằm cách mặt đường Giảng Võ hơn 10m, ngõ nhỏ. Nguyên nhân được cho là do chập điện từ tầng 1 sau đó lan rộng lên các tầng trên.
Vụ cháy tại cơ sở kinh doanh karaoke 168 Trần Thái Tông gây thiệt thại vô cùng nặng nề. |
Cũng trong năm 2014, khoảng 16h ngày 6-11, quán karaoke NonStop (ở phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn) xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng. Đám cháy bùng phát từ tầng hai, sau đó lan lên tầng ba nơi có 2 phòng 9 người đang hát. Trong 4 người tử vong có hai vợ chồng và con nhỏ khoảng 4 tháng tuổi đều ở phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn.
Ngoài ra, vụ cháy 8 căn nhà trên đường Trần Quốc Thảo (TP Hồ Chí Minh) lúc 21h ngày 30-12-2014 từng khiến nhiều người hoảng sợ. Nguyên nhân vụ việc do chập điện ở bảng quảng cáo của số nhà 180 Trần Quốc Thảo (quán karaoke New) rồi lan sáng quán karaoke Idol và 6 căn nhà khác.
Tại thời điểm xảy ra hỏa hoạn có 6 người trong quán karaoke Idol kịp chạy ra ngoài, anh Đỗ Ngọc Cư (quê Khánh Hòa) tử vong trong vụ hỏa hoạn này.
Hình ảnh kinh hoàng từ vụ cháy Karaoke trên đường Trần Thái Tông. |
Gần đây hơn, 15h ngày 31-8-2016, quán karaoke trên đường Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân, Hà Nội xảy ra vụ cháy lớn. Hơn 40 Cảnh sát và 7 xe chuyên dụng tham gia dập lửa. 2 xe thang được sử dụng để phun nước từ trên cao.
Nguyên nhân được xác định là do công nhân hàn xì phía mặt sau quán karaoke, lửa bị bắt vào đồ đạc và gây cháy. Tiếp đó, khoảng 17h45 ngày 17-9, vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại quán karaoke cao 8 tầng ở số 85 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Khoảng 20 nhân viên nam nữ từ các tầng ồ ạt chạy ra ngoài, tạo nên cảnh hỗn loạn. May mắn không có thương vong.
Ảnh: vne |
Nhậu xỉn rồi đi hát: Biết nguy hiểm vẫn coi thường
Nhìn lại hàng loạt vụ việc trên với hậu quả vô cùng khủng khiếp thấy thật đáng sợ. Chỉ cách đó vài tiếng, thậm chí là vài phút thôi, những nhân viên, người quản lý vẫn đang tất bận phục vụ khách.
Cũng bằng chừng ấy thời gian, những vị khách cả nam lẫn nữ đang hồ hởi, phấn khích bia rượu, ca hát. Vậy mà, thoáng một cái họ vĩnh viễn rời bỏ cuộc sống này. Cơ sở vui chơi ca hát bỗng chốc tan hoang, và có thể còn tàn phá thêm cả những ngôi nhà liền kề.
Hậu quả khủng khiếp của các vụ cháy quán karaoke ngoài việc gây thiệt hại lớn về tài sản, quan trọng hơn tất thảy là sự mất mát, đau đớn của một số gia đình bỗng chốc mất đi người thân.
Như trường hợp của nạn nhân Trần Quốc Khánh (23 tuổi), trú tại Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội - một trong 13 nạn nhân tử vong trong phòng hát tầng 5, quán karaoke 68.
Theo gia đình kể lại, Khánh là con đầu. Hàng ngày, Khánh đi làm công việc phụ xe chở rác cho Công ty môi trường. Hôm xảy ra hỏa hoạn, Khánh vừa mới mua xe máy cùng mấy chú cháu ruột sau khi ăn giỗ đi đến quán karaoke 68 để hát.
Tại tầng 6, mọi người vào phòng đang gọi đồ uống chưa kịp hát thì phát hiện ra cháy, 5 trong số 6 người thuộc nhóm của Khánh vội chạy ra ngoài thoát bằng cầu thang phía sau quán, riêng em do đi vệ sinh nên không biết đường thoát nạn ở đâu…
Nhiều khách đi hát karaoke sau khi đã uống nhiều bia, rượu. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) |
Ghi nhận tại các quán karaoke chúng tôi thấy rằng, hầu hết khách vào hát đều đã ở tình trạng phấn khích hoặc nửa say nửa tỉnh sau những chầu nhậu. Vào hát, họ tiếp tục uống bia quên trời đất.
Họ có thể nhậu nhẹt, hát ca từ sáng đến chiều, từ chiều đến đêm. Người hát, kẻ nằm ngủ ngon lành trên ghế, hoặc thậm chí là nôn ọe ngay trong phòng hát là hình ảnh thường thấy trong các quán karaoke.
Và đương nhiên, đối với những người đã không còn tỉnh táo, nếu chẳng may xảy ra cháy, liệu họ có còn biết đường mà chạy? Đó là còn chưa kể đến tinh thần hoảng loạn, lối thoát hiểm bị bịt kín bởi biển bảng quảng cáo, nguyên vật liệu cách âm dễ cháy…
Ảnh zing.vn |
Hàng loạt tác nhân làm cho vụ cháy lan nhanh, người trong quán dễ bị hoảng loạn, không biết cách thoát nạn… Có mấy ai tỉnh táo đến mức vào phòng hát quan sát trước lối thoát nạn và nơi để thiết bị PCCC?
Bên cạnh đó, chính chủ nhân của cơ sở karaoke chỉ tính đến lợi nhuận, tìm mọi cách thu lợi mà không chú trọng đến PCCC. Họ gia cố, mở thêm phòng hát, thay đổi công năng sử dụng của ngôi nhà, làm biển quảng cáo phủ kín tòa nhà, chặn lối thoát hiểm…
Và cũng bởi sự cải tạo, gia cố không đảm bảo an toàn lao động đã dẫn đến hàng loạt vụ việc bắt cháy từ hàn xì, chập điện từ biển quảng cáo. Cả chủ và khách đều phớt lờ an toàn, phó mặc cho sự nguy hiểm, cuối cùng thì chính họ trở thành nạn nhân của hiểm họa xuất phát từ kinh doanh và vui chơi giải trí.
Kỹ năng thoát hiểm khỏi đám cháy Cúi thấp người khi di chuyển (có thể bò khom) vì khói luôn bay lên cao, bám theo tường để tránh lạc hướng. Sử dụng khăn, vải nhúng ướt bịt mũi hoặc trùm chăn ướt lên người trong quá trình di chuyển. Cần nhanh chóng di chuyển đến lối thoát nạn an toàn, là lối ra không bị khói, bụi, cháy. Lối này có thể là cửa đi, hành lang dẫn tới các khu vực an toàn hoặc lối dẫn tới cầu thang bộ, lối ngang dẫn sang công trình liền kề... Ngừng chuyển động khi lửa làm cháy quần áo vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm, che mặt, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa dập tắt. Không nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị lửa làm nóng.
|