An tâm với cá đánh bắt từ khơi xa
- Đà Nẵng ra thông cáo về tình hình cá chết dạt vào bờ
- Chưa tìm thấy bằng chứng cá chết liên quan đến Formosa
- Điểm lại những vụ cá chết hàng loạt do thủy triều đỏ trên thế giới
- Mời chuyên gia quốc tế “vào cuộc” làm rõ nguyên nhân cá chết ở miền Trung
- Đà Nẵng bị “vạ lây” vì tình trạng cá chết dạt vào bờ biển1
Sáng 29-4, khu vực bãi biển Nguyễn Tất Thành (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) xuất hiện nhiều xác cá chết; phần lớn cá đã chết nhiều ngày và đang phân hủy mạnh, bốc mùi khó chịu dọc bãi biển dài hàng trăm mét. Cá chết chủ yếu là cá chình biển, cá dìa, cá xương xanh... Có nhiều con trọng lượng chừng 5-10kg. Trong khi vài ngày trước, xác cá chết đã dạt vào ven biển Sơn Trà, nhưng chủ yếu là cá nhỏ và số lượng ít.
Trước những diễn biến mới về tình trạng cá chết dạt vào bờ khiến người dân bất an, chiều 29-4, tại bến cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, Sở NN&PTNN TP Đà Nẵng đã tổ chức buổi đối thoại với ngư dân, các tiểu thương và các doanh nghiệp kinh doanh hải sản về vấn đề này.
Theo phản ánh của các ngư dân, việc cá chết chưa rõ nguyên nhân, xảy ra từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế và nay là vùng biển Đà Nẵng đã khiến người tiêu dùng lo ngại. Vì vậy, giá cả và lượng hải sản tiêu thụ đều giảm mạnh, gây nhiều thiệt hại cho ngư dân và các cá thể, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này. Tiểu thương Nguyễn Văn Tiên phản ánh cá nục do ông nhập về tươi roi rói mà không ai dám mua dù giá giảm hơn một nửa. Tình trạng này mà kéo dài thì tiểu thương gặp nhiều khó khăn, tàu thuyền cũng không dám ra khơi.
Bà Nguyễn Thị Truyền (tiểu thương chợ hải sản Thọ Quang) lo lắng, cho biết, bà chỉ nhập cá từ tàu của ngư dân đánh bắt xa bờ, nhưng ít người mua. Trước đây, mỗi ngày bà bán từ 5-7 tạ thì nay bán chưa hết một tạ cá.
Ông Võ Văn Chiến (tiểu thương phường Thuận Phước, quận Hải Châu), xót xa nói: “Hơn 30 năm nay tui chưa từng thấy cảnh khốn khổ này. Cá nục mắt trong veo bán từ 30.000 đồng/kg giảm xuống 20.000 đồng, rồi xuống 10.000 đồng, nhưng không ai mua cả. Cả tuần nay, tui đành phải bán xô để cho người ta làm thức ăn nuôi heo…”.
Người dân có thể an tâm ăn cá đánh bắt từ khơi xa. |
Không chỉ tiểu thương, chị Nguyễn Thị Vân (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), là chủ tàu cá đánh bắt xa bờ, chia sẻ: “Bản thân tôi đi đánh bắt về cũng không dám ăn cá thì sao tôi bán cá ra được. Dù cá tôi đánh ở ngoài khơi xa. Với tình hình này, tàu cá của gia đình phải nằm bờ”. Đại diện ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, bà Huỳnh Thị Thúy Vân (chủ tàu QNg 94434) cho rằng, vừa qua tàu chở đánh bắt đưa về cảng Đà Nẵng rất nhiều hải sản, nhưng bán được rất ít.
“Cá không bán được nên gia đình tui cho 4 tàu nằm bờ. Nếu tình trạng này cứ diễn ra lâu thì bạn tàu sẽ bỏ nghề, ngư dân sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn”, bà Vân nói.
Nhiều ngư dân cũng quan ngại rằng, nếu tâm lý người dân như hiện nay thì nguồn hải sản đánh vào không bán được, ngư dân sẽ gặp nhiều khó khăn… Các ngư dân đề nghị cơ quan chức năng Trung ương phải vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng tìm ra nguyên nhân cá chết và thông tin rộng rãi đối với người dân. Trong trường hợp cá chết do chất thải thì phải có biện pháp giải quyết triệt để, xử lý nghiêm minh đối tượng vi phạm; có như vậy mới thuyết phục được người tiêu dùng quay lại với tôm cá.
Trước những lo lắng của ngư dân, tiểu thương, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Đà Nẵng đã thông tin đến bà con ngư dân về kết quả xét nghiệm mẫu nước biển do Sở TN&MT TP Đà Nẵng thực hiện hôm 27-4 là đạt tiêu chuẩn an toàn. “Bà con yên tâm đánh bắt, buôn bán và thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng. TP Đà Nẵng sẽ có các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho bà con”, ông Tám động viên.
Ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Đà Nẵng cũng cho rằng, thời gian qua Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển thường xuyên tuần tra và chưa phát hiện một con cá nào chết ở ngoài khơi, vì vậy ngư dân Đà Nẵng yên tâm đánh bắt, người tiêu dùng cũng nên tin tưởng để chọn dùng. Theo ông Tứ, Chi cục cũng đã có mẫu kê khai nguồn gốc xuất xứ thủy hải sản nhập vào và bán ra và đề nghị tiểu thương, các chủ nậu cam kết thực hiện, sau đó sẽ cung cấp rộng rãi cho người tiêu dùng trên các phương tiện truyền thông. “Minh bạch hóa nguồn gốc cá sẽ giúp người tiêu dùng giảm e ngại khi sử dụng sản phẩm. Có như vậy mới cứu vãn được tình trạng ảm đạm này. Khi các sản phẩm được minh bạch, người tiêu dùng sẽ trở lại với nguồn hải sản”, ông Tứ kỳ vọng.
Lãnh đạo các cơ quan chức năng tại Đà Nẵng vẫn giữ quan điểm cá chết là từ nơi khác dạt về Đà Nẵng, kết quả quan trắc mẫu nước ven biển TP vẫn chưa thấy yếu tố bất thường nên khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang.
Thủ tướng chỉ đạo sớm tìm ra nguyên nhân cá chết hàng loạt Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo về chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến việc hải sản chết bất thường tại một số tỉnh ven biển miền Trung. Theo thông báo này, việc hải sản chết bất thường trong những ngày vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Mặc dù các Bộ, ngành đã vào cuộc nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, gây bức xúc trong dư luận. Đây là sự cố môi trường biển trên diện rộng, phức tạp, lần đầu tiên xảy ra ở nước ta. Do vậy, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, huy động các nhà khoa học khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây chết hải sản, bảo đảm khách quan, khoa học. Trong trường hợp cần thiết có thể mời chuyên gia quốc tế. Thủ tướng giao Bộ Công an thu thập tài liệu chứng cứ, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật hình sự thì kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định. K.Vy |